Doanh nghiệp cam kết thưởng Tết cho người lao động

Dù còn nhiều chật vật để tái phục hồi sản xuất sau thời gian hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn cố gắng hết sức để có kinh phí thưởng Tết cho người lao động.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Meet More.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Meet More.

Chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình với vài ba bìa đậu hũ, lạng tôm rim cùng ít thịt mỡ mua vội trên đường về xóm trọ, chị Lê Thị Thơm (công nhân da giày quận Bình Tân) bộc bạch: “May mắn là ngay trong thời gian cao điểm dịch, công ty dù tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn trả lương hằng tháng cho công nhân. Sau khi dịch ổn hơn, công ty đã hoạt động trở lại được gần hai tháng nay. Tết sắp đến, tôi không hy vọng nhiều vào tiền thưởng Tết năm nay, bởi vì công nhân khó một thì doanh nghiệp khó mười.

Nhưng nếu công ty có thưởng Tết, tôi sẽ rất vui và biết ơn! Giờ tôi rất cần tiền để trang trải cuộc sống”. Mong muốn của chị Thơm cũng là mong chờ của hàng nghìn công nhân TP Hồ Chí Minh mỗi cuối năm, nhất là năm 2021 này, dịch bệnh phức tạp khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Thấu hiểu điều đó, nhiều công ty, xí nghiệp TP Hồ Chí Minh khẳng định: Dù còn nhiều khó khăn nhưng không vì lý do đó mà không thưởng Tết cho người lao động.

Tất bật hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ việc thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, nhiều mặt hàng tăng giá..., Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu với thương hiệu cà-phê nông sản Meet More đã phải cố gắng rất nhiều để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Khó khăn là vậy, nhưng khi đề cập đến chuyện thưởng Tết, đại diện Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho biết: Công ty cố gắng thưởng lương tháng thứ 13 (khoảng 8 triệu đồng/người) kèm một phần quà tặng là thực phẩm cho công nhân. “Trong năm dịch bệnh phức tạp, ai cũng khổ. Dù vậy, công ty vẫn cố gắng để người lao động có thêm khoản thưởng cuối năm. Khoản thưởng Tết năm nay còn có ý nghĩa rất lớn, thể hiện trách nhiệm và sự chia sẻ trong lúc khó khăn của doanh nghiệp đối với người lao động.

Qua đó, người lao động càng thêm gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp”-ông Luận nhìn nhận. Là doanh nghiệp duy trì “3 tại chỗ” trong suốt thời gian giãn cách, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony Phạm Quang Anh khẳng định: “Việc thưởng Tết chắc chắn sẽ được Dony tính đến để bảo đảm chăm lo cho người lao động, bởi đây cũng là cách đãi ngộ và giữ chân lao động từ nhiều năm nay của công ty”.

Hiện, đơn vị này đang chạy hết công suất để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Nhất là việc chuẩn bị xưởng may mặc mới rộng rãi, khang trang hơn tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) và cũng tuyển thêm nhiều công nhân để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn về tài chính. Từ chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, chi phí xét nghiệm Covid-19, cách ly đến đơn hàng chậm tiến độ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng vọt... “Song, thưởng Tết không chỉ để động viên người lao động mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng đa số doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho công nhân, lao động”-ông Hồng cho biết.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân Nguyễn Văn Hải, từ cuối tháng 10/2021, Liên đoàn Lao động quận đã có kế hoạch chăm lo Tết với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. Dự kiến, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, tặng từ 10.000 đến 20.000 phần quà, với kinh phí từ 5 đến 10 tỷ đồng (tăng từ 3.000 đến 13.000 phần quà với số tiền 6,4 tỷ đồng so với năm 2021). Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Tuấn thông tin: Một số doanh nghiệp đã có báo cáo về thưởng Tết một tháng lương, nhưng phần lớn sẽ chỉ thưởng ở mức 50 đến 70% so với mọi năm.

Nguyên do, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong khu phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí tăng cao. Dù vậy, phía công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để cùng doanh nghiệp có phần thưởng Tết động viên người lao động. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) Nguyễn Văn Bé cho rằng: Dù ít dù nhiều, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn cố gắng thưởng cho người lao động. “Trải qua thời gian dài ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng nhiều doanh nghiệp đều chia sẻ, sẽ duy trì thưởng Tết cho công nhân, người lao động”-ông Bé nói.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, đang phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán 2022 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Dự kiến, Sở sẽ phối hợp khảo sát tình hình lương, thưởng Tết tại 3.000 doanh nghiệp, trong đó chú trọng các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho biết: Các năm trước, đa số người lao động được thưởng Tết một tháng lương. Năm nay, nhiều doanh nghiệp dù tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, cho công nhân tạm ngừng việc nhưng vẫn hỗ trợ mức lương cơ bản để giữ chân lao động. Giờ đây, các doanh nghiệp vừa hoạt động trở lại, cho nên dự báo mức thưởng Tết năm nay khó đạt như các năm trước.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY