Điểm đến thú vị của thành phố

Việc thành phố Hồ Chí Minh nâng cấp, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh tạo nên bộ mặt mới về cảnh quan ở khu vực trung tâm thành phố; qua đó phát huy công năng của không gian công cộng, tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa để phục vụ cộng đồng.

Công viên bến Bạch Đằng hiện là không gian công cộng, một điểm vui chơi thu hút người dân và du khách.
Công viên bến Bạch Đằng hiện là không gian công cộng, một điểm vui chơi thu hút người dân và du khách.

Thả bộ dọc bến Bạch Đằng ngắm cảnh chiều trên sông Sài Gòn, ông Lê Công Minh, ngụ quận 4, cảm thấy thích thú vì bộ mặt công viên đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Những bãi cỏ xanh tươi nằm ven theo các lối đi rộng rãi được lát đá granite giúp việc đi lại rất thoải mái; hàng rào công viên Bạch Đằng được tháo bỏ tạo thêm không gian mở, kết nối với bên ngoài tuyến đường Tôn Đức Thắng. Ông Minh chia sẻ: “Đây thật sự là điểm đến thú vị của người dân thành phố và du khách từ khắp nơi. Sông Sài Gòn cùng bến Bạch Đằng góp phần làm cho bộ mặt thành phố tươi mới sau đại dịch...”.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thành phố cho biết, sau nhiều năm sử dụng, công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh (quận 1) xuất hiện những hư hỏng, xuống cấp về hạ tầng và mảng xanh cảnh quan. Do đó, thành phố tiến hành nâng cấp, sửa chữa hai công trình này để phát huy công năng của không gian công cộng. Đây chính là chuỗi công trình được đầu tư nhằm chỉnh trang lại khu vực trung tâm, tạo điểm đến cho người dân và lưu giữ lại nhiều giá trị lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh.

Công viên bến Bạch Đằng hoàn thành với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha, kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến Ba Son; trong đó có 8.700 m2 đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite núi lửa và 7.000 m2 mảng xanh kiểng có định hình không gian kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt công viên, tạo không gian và tầm nhìn thông thoáng về phía bờ sông Sài Gòn. Công viên còn được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống chiếu sáng công viên, chiếu sáng mỹ thuật hiện đại và chất lượng.

Cùng với công viên bến Bạch Đằng, công viên Mê Linh cũng hoàn thành chỉnh trang với quy mô gần 0,6 ha, trong đó điểm nhấn mang ý nghĩa lịch sử chính là công trình trùng tu tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Trải qua thời gian dài, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã có những chỗ bị hư hỏng do thời tiết và môi trường, không bảo đảm an toàn và mỹ quan.

Cũng theo ông Vũ Văn Điệp, dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng được giao cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố lập phương án thiết kế với sự tham gia góp ý của các sở, ngành và các chuyên gia đầu ngành. Sở Xây dựng là đơn vị thi công, quản lý công trình. Công tác trùng tu được Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố) cùng các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng. Sau khi trùng tu, tôn tạo, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo vẫn giữ được nguyên bản trước đây, đồng thời được thiết kế tăng cường hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho tượng đài. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Xây dựng sẽ trồng thêm cây xanh tạo bóng mát, nhà vệ sinh công cộng và nơi gửi xe để người dân, du khách thuận tiện khi đến công viên. 

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt đường sông, đơn vị hỗ trợ dự án cải tạo công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng, hai công viên này là một góc ký ức của người dân thành phố, đặc biệt nơi đây là một quần thể tạo nên hào khí của thành phố, nơi có tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cũng là nơi kết nối cộng đồng nâng cao giá trị thiêng liêng của vùng văn hóa, một giá trị mà chúng ta cần gìn giữ, tôn tạo. Cụm công trình này kết hợp với phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình... kỳ vọng tạo ra không gian văn hóa phục vụ người dân và du khách, tạo điểm nhấn về sự phát triển của đô thị thành phố.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn mong muốn thành phố nên dành riêng nguồn kinh phí để đầu tư chỉnh trang khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn (kéo dài từ Thanh Đa đến Tân Thuận) theo nguyên tắc xuyên suốt, bảo đảm quy hoạch để tạo thêm chuỗi không gian xanh mặt nước. Không gian xanh không chỉ là không gian đi bộ, đạp xe, công viên, mà thành phố cần quy hoạch và hình thành các điểm dừng chân như nơi ngắm cảnh, bãi xe, dịch vụ thương mại kết hợp với các loại hình giao thông công cộng. Như vậy sẽ giảm tải rất lớn cho xe cá nhân đi vào trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, dọc theo trục hai bên bờ sông cũng nên quy hoạch một số công trình làm điểm nhấn tạo thêm giá trị lịch sử và văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh như nhà hát, nhà triển lãm kết hợp với các di tích có sẵn...

Dự án nghệ thuật cộng đồng “Có hẹn với Sài Gòn” đã chính thức ra mắt nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân và du khách khi đến vui chơi tại công viên bến Bạch Đằng. Chương trình được tổ chức đều đặn vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần tại Ga tàu thủy Bạch Đằng và trên những chuyến buýt sông. Các nghệ sĩ sẽ trình diễn các tiết mục nghệ thuật để phục vụ người dân và du khách. Dự án này do chủ đầu tư tuyến buýt đường sông số 1 (SaiGon Waterbus) phối hợp cùng các nghệ sĩ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.