Đẩy mạnh kết nối cung-cầu hàng hóa giữa các địa phương

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu giữa thành phố và các tỉnh, thành phố khác năm 2021.

Các doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất thảo luận hướng hợp tác tại Hội nghị kết nối cung-cầu năm 2021.
Các doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất thảo luận hướng hợp tác tại Hội nghị kết nối cung-cầu năm 2021.

Hội nghị năm nay có một số cách làm mới, được kỳ vọng sẽ tăng thêm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, phát triển thêm nhiều chuỗi cung ứng, thị trường, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế…

Đây là năm thứ 10 hội nghị kết nối cung-cầu giữa thành phố và các địa phương được tổ chức, nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, qua đó, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, bền vững để phục vụ thị trường. Thành phố cũng bổ sung nguồn cung hàng hóa bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa Tết và hướng đến xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Hội nghị năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục diễn biến phức tạp, đã được đổi mới cách làm, triển khai các giải pháp thí điểm như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung-cầu, tổ chức phương án triển lãm thực tế ảo, kết nối trực tuyến…

Sở Công thương thành phố đang nâng cấp website www.ketnoicungcau.vn để hướng đến khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục. Gian hàng trực tuyến sẽ được duy trì trong một tháng để tạo thêm không gian cho các địa phương trưng bày hàng hóa, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung-cầu, Sở Công thương thành phố đã phối hợp các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Alibaba và Amazon tổ chức các hội thảo “Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử” và “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”.

Tại hội nghị, các địa phương và doanh nghiệp đều mong muốn mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung-cầu, sự hợp tác giữa thành phố với các địa phương, mong muốn thành phố duy trì liên tục website kết nối hàng hóa. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy chia sẻ: Phần lớn doanh nghiệp ở Đồng Tháp là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nên rất cần các doanh nghiệp lớn ở thành phố về để hợp tác, cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng, chuỗi cung ứng ổn định và bền vững; xây dựng các hệ thống kho bảo quản và nhà máy chế biến nông sản. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết: Vĩnh Long có sản lượng nông, thủy sản rất lớn cho nên rất mong được kết nối với các doanh nghiệp chế biến nông sản, các siêu thị và sàn thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đại diện Công ty TNHH Kim Trúc (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Các mặt hàng mật ong của chúng tôi mới được bày bán tại một số cửa hàng tiện lợi ở thành phố. Qua hội nghị này, chúng tôi hy vọng sản phẩm của mình sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các hệ thống bán lẻ lớn.

Theo Sở Công thương thành phố, sau 10 năm triển khai, chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương trên cả nước đã trở thành một hoạt động thường niên quan trọng giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... của các địa phương; giúp đưa hàng hóa, đặc sản các địa phương trên cả nước có mặt tại các điểm phân phối ở thành phố cũng như xuất khẩu ra thế giới. Đồng thời, góp phần thiết lập thành công chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa thuận lợi, góp phần bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua.

Để thực hiện được những mục tiêu đặt ra, tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng yêu cầu, Sở Công thương thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan ở các địa phương khác tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại (thương mại điện tử) và phương thức phân phối truyền thống để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai hiệu quả đề án logistics; khuyến khích doanh nghiệp thành phố hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân... tiến dần lên phương thức sản xuất bài bản, hiện đại, khoa học. Ngoài ra, ưu tiên hỗ trợ công tác tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất và nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM