Chợ truyền thống tham gia bình ổn giá

Bất chấp nhiều mặt hàng tăng giá do ảnh hưởng từ giá xăng, dầu, nhiều chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tìm cách bình ổn, giảm giá, khuyến mãi, tặng quà để giữ chân khách hàng.

Gian hàng tại chợ Xóm Chiếu (quận 4).
Gian hàng tại chợ Xóm Chiếu (quận 4).

Giữa trưa ngày cuối tuần, chợ Bến Thành (quận 1) nhộn nhịp khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Hơn 70% tiểu thương đã quay lại buôn bán, luôn vui vẻ, nhiệt tình tư vấn sản phẩm cho từng khách ghé thăm. Ngay cửa tây của chợ, băng-rôn được treo đỏ rực về tháng khuyến mãi được chợ triển khai đồng hành cùng thành phố. Đa số các quầy hàng giảm giá khi khách đến mua sắm, có quầy còn treo hẳn mức giảm để khách hàng yên tâm. 

Anh Nguyễn Đức Trí, chủ sạp 747-749 chuyên về các loại cà-phê, treo biển giảm giá 5% các sản phẩm tại cửa hàng. Ngoài ra, tùy đơn hàng, khách có thể được tặng thêm phin cà-phê. “Khi nghe Ban quản lý chợ thông báo tháng khuyến mãi, tôi đăng ký tham gia ngay. Đặc thù bán hàng ở chợ không lãi nhiều nhưng chúng tôi cũng bớt phần tiền lãi để giảm giá, hút khách trong lúc này. Quan trọng là khách vui và giới thiệu chợ tới bạn bè” - anh Trí tâm sự. Còn tại chợ Xóm Chiếu (quận 4), có hơn 200 tiểu thương tham gia khuyến mãi tập trung (chiếm khoảng 40%) với hơn 800 sản phẩm áp dụng ưu đãi; trong đó, chủ yếu giảm 10-20% trên tổng hóa đơn và tặng kèm sản phẩm phụ như gia vị, rau, củ. 

Chị Trần Thụy Mỹ Thanh, chủ sạp 1A chuyên kinh doanh bánh kẹo nói: “Sau dịch, tình hình kinh doanh có phần ế ẩm hơn; kèm với các mặt hàng tăng giá thời gian qua nên càng vắng khách. Để “kéo khách” trở lại, tôi mạnh tay áp dụng các chương trình khuyến mãi như giảm giá trên từng sản phẩm, tặng thêm cái ly, chiếc muỗng… Món quà tuy nhỏ nhưng khách hàng rất vui”. Nhờ “chiêu” này, quầy bánh kẹo của chị Thanh có lượng khách tăng lên rõ rệt. Bán được hàng, chị có vốn nhập thêm bánh, kẹo, các sản phẩm luôn phong phú, đầy đủ. 

Theo chị, đây là lúc tiểu thương và khách hàng cùng chia sẻ với nhau, mình lãi ít lại một chút nhưng vẫn giữ được khách. Cạnh đó, chị Út Thảo (sạp 293-296) chuyên kinh doanh thủy, hải sản cho hay, chị liên hệ với các chủ tàu cá để có được nguồn hàng giá gốc, không phải thông qua khâu trung gian. “Nếu khách mua hàng với hóa đơn 1,3 triệu đồng, tôi bớt 30.000 đồng; với khách ở gần, tôi giao hàng miễn phí tận nơi… Thực phẩm bảo đảm chất lượng, lại hạn chế được khâu trung gian nên mình tùy vào đơn hàng mà giảm giá hết nấc cho khách”, chị Thảo nói.

Khảo sát nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, đa số các mặt hàng đều có mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng sau khi xăng, dầu liên tục tăng giá.  Điều này khiến sức mua giảm theo. 

Tuy nhiên, không vì thế mà các tiểu thương chán nản; ngược lại, họ tìm cách bán hàng bằng cách tặng quà, giảm giá… Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chị Tín, quầy hàng rau, củ bộc bạch: “Giá cả tăng cao nên sức mua yếu, khách đến chợ ít hơn trước rất nhiều. Vì vậy, khi bán rau, tôi thường kèm thêm vài món nhỏ tặng kèm như trái ớt, cọng hành, quả chanh, cây sả… Do vậy, khách hài lòng và tìm đến mình mua hàng nhiều hơn. Bán được hàng, có vốn để xoay vòng nên vẫn có thể duy trì được quầy rau mà không lo phá sản” - chị Tín nói. 

Trưởng ban Quản lý chợ Xóm Chiếu Nguyễn Văn Tân cho hay: Tiểu thương trong chợ tham gia tháng khuyến mãi tập trung rất nhiệt tình. Đến nay, đã có hơn 40% tiểu thương (khoảng 200 người) ở tất cả các ngành hàng đăng ký tham gia. “Hầu hết tiểu thương tất cả ngành hàng như thực phẩm, hàng thiết yếu, bánh kẹo đều tham gia giảm giá. 

Nhiều tiểu thương giảm theo đơn hàng, như đơn hàng 300.000 đồng, giảm 10-20% hoặc tặng thêm hàng, như chai dầu ăn 5 lít tặng thêm chai nhỏ, tặng đường, muối… Chúng tôi mong muốn tháng khuyến mãi sẽ tổ chức thường niên để các tiểu thương cùng tham gia kích cầu, vừa bán được hàng, vừa tăng sức mua sau dịch”, ông Tân cho biết. Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành thông tin: Ngay sau khi chợ tuyên truyền, các tiểu thương trong chợ đăng ký áp dụng các chương trình giảm giá từ 5-30%. “Chương trình khuyến mãi được các tiểu thương hưởng ứng, người tiêu dùng cũng biết nhiều hơn thông qua mạng xã hội. Nhờ vậy, phần nào hút khách, số lượng người đến chợ tăng dần. Tiểu thương chấp nhận lãi ít lại để kéo khách tới chợ; kỳ vọng thời gian tới, khách đến chợ nhiều hơn nữa”, đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành chia sẻ…

Số liệu từ Sở Công thương thành phố cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 tại thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 57.757 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5/2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời, là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1/2019. Lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ. 

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết: “Một điểm mới của Tháng khuyến mãi tập trung năm nay là có sự tham gia của các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Sở đã phối hợp với các quận, phổ biến chương trình đến Ban quản lý của hơn 230 chợ, vận động tiểu thương tham gia tùy theo tình hình thực tế của mình. Bản chất chợ truyền thống vốn ít khi có giảm giá, khuyến mãi nên các tiểu thương tham gia cũng chỉ giảm nhẹ vài nghìn đồng/món; có quầy hàng áp dụng hình thức tặng kèm quà...”- ông Phương nói.