Chạy trường cho con

NDO -

Năm nay, những bé sinh năm 2007 đã đủ tuổi vào lớp 1. Năm 2007 là năm Ðinh Hợi, do quan niệm dân gian là năm tốt, cho nên số bé ra đời tăng đột biến. Mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, số trẻ đến trường ở TP Hồ Chí Minh tăng hơn ba nghìn cháu. Với mong muốn cho con học tại những trường "điểm" không ít phụ huynh đã vất vả xuôi ngược để lo cho con vào những ngôi trường mong muốn. Thậm chí việc lo lắng này còn được thực hiện ngay từ khi con còn đang học mẫu giáo.

Lớp quá đông học sinh ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Lớp quá đông học sinh ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Muôn nẻo  chạy trường

Anh Nguyễn Văn An có hộ khẩu thường trú ở quận Thủ Ðức, nhưng vì muốn con được học tại một trường ở quận 1 (một trường trái tuyến so với phân tuyến tuyển sinh), anh đã xin nhập hộ khẩu cho con vào nhà người chị gái ở quận 1. Anh cho biết:  Năm nay con tôi bắt đầu vào lớp 1,  trước đó hai năm tôi đã  "gửi" hộ khẩu cho cháu vào nhà người chị gái ở quận 1. Vì vậy, năm nay con tôi mới có cơ hội được phân tuyến học ở Trường tiểu học Trần Hưng Ðạo, trung tâm thành phố. Học ở đây chắc chắn cháu sẽ được tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt hơn so với các quận, huyện khác. Ðây là đứa con đầu lòng và duy nhất của tôi cho nên việc lo cho con được học trường như ý là mong muốn của cả gia đình.

Qua tìm hiểu, chuyện chạy trường hiện nay thường là chạy hộ khẩu, tạm trú, nhờ mối quan hệ quen biết với người làm quản lý trong ngành giáo dục...

Ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh). Rất nhiều phụ huynh ngồi đợi ở trước cửa phòng ban giám hiệu nhà trường để xin cho con được học tại trường (mặc dù nhà trường đã có danh sách vào lớp 1). Hầu hết các bậc phụ huynh chờ đợi ở đây đều thuộc diện xin học trái tuyến. Một phụ huynh cho biết, theo đúng tuyến thì con chị  phải học ở Trường THCS Phú  Mỹ, nhưng vì muốn con được học ở trường tốt nên chị xin cho con vào đây học. Theo chị, để có thể xin cho con vào trường, bình thường phải thi vào đạt khoảng 18,5 điểm, còn không thì phải nhờ người quen. Chị cho biết thêm, vì có quen vài thầy cô giáo dạy trong trường này nên hôm nay tôi tới để nộp hồ sơ. Thật sự, nếu xin được học cho con, mình cũng phải khéo léo "ủng hộ" cho trường một số tiền, tùy lòng hảo tâm.

Ðể học sinh nào cũng có chỗ học tập tại địa bàn gần nhất, ngành giáo dục đã đưa ra quy định phân tuyến tuyển sinh. Tuy nhiên, với mong muốn cho con mình học tại những ngôi trường tốt nhất, nhiều phụ huynh lại "cố tình" không hiểu quy định nêu trên, vì vậy tình trạng "chạy trường" càng trở nên nóng hơn mỗi khi vào kỳ tuyển sinh đầu cấp. Tình trạng "chạy trường" vượt tuyến phường, tuyến quận cũng diễn ra khá phổ biến, thậm chí còn vượt cả tuyến tỉnh. Ðơn cử như tại quận Thủ Ðức, những năm gần đây, cán bộ Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận luôn phải vất vả vì số hồ sơ có hộ khẩu ở tỉnh khác nhưng lại nhập hộ khẩu hoặc làm KT3 tại Thủ Ðức để xin cho con đi học tại các trường của quận.

Anh Huỳnh Văn Bưởi, nhà ở Dĩ An, Bình Dương cho biết: Trường tiểu học Hoàng Diệu (Thủ Ðức) là trường có tiếng dạy tốt ở quận Thủ Ðức, cho nên tôi đã phải "chạy KT3" vào phường có trường điểm. Sau đó, phải đầu tư "nhờ" một người quen làm trong trường để có thể chắc chắn cho con một suất vào trường này. Ngoài chuyện chạy KT3 tôi cũng phải "chạy" để con mình không có tên trong danh sách điều tra tuyển sinh của phường, xã nơi ở thực tế của con. Mặt khác, Trường tiểu học Hoàng Diệu cũng rất gần chỗ làm của hai vợ chồng cho nên rất tiện đưa đón, vì vậy dù phải mất tiền thì cũng là "đầu tư" có ích.

Tôi có chị bạn nhà bên quận 2, chị mời cả nhóm đi liên hoan vì con chị có tên trong danh sách học Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, vì việc không có hộ khẩu tại phường Bến Thành, chị phải ngược xuôi ra Hà Nội mấy lần để xin "bút phê". Tôi hỏi về chi phí cho việc chạy trường, chị cười mãn nguyện: Tiền bạc đâu có quan trọng, miễn là quý tử "Heo vàng" được vào trường như ý. Khi tôi chê, trường đó chật chội, chất lượng cũng như nhiều trường khác trong quận 1, chị bảo, mình có học đâu mà biết, chỉ thấy mấy gia đình giàu có trong cơ quan đều cho con học ở đây, vì vậy bằng cách gì, kiểu gì chị phải cố cho bằng được...

Ông Ðặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Gò Vấp cho rằng, tình trạng học trái tuyến đã diễn ra nhiều năm nay. Vì muốn con em mình có được một chỗ học ưng ý, nhiều phụ huynh đã không tiếc công sức, tiền bạc chạy cho con. Các phụ huynh thường "chạy" vào trường bằng cách "chạy" hộ khẩu, KT3 hoặc tận dụng các mối quan hệ quen biết...

Tiến tới cân bằng mặt bằng giáo dục 

Cô giáo Lê Thị Thanh Loan, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận 9 cho biết: Mỗi khi tới mùa tuyển sinh, có không ít phụ huynh đến nộp đơn xin học trái tuyến. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ giải quyết khi đã sắp xếp ổn định số học sinh đúng tuyến. Chỉ xét đơn xin học trái tuyến khi phụ huynh thật sự có mong muốn cho con học trường đó và vì điều kiện hoàn cảnh ở xa. Thí dụ, hai vợ chồng làm ở UBND quận nhưng có nhà ở  Long Bình, vì vậy họ muốn con học gần UBND quận để tiện đưa đón... Theo cô Loan, mấy năm trước, các trường hợp xin học trái tuyến với lý do chính đáng sẽ giải quyết liền. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đầu cấp năm nay khá đông và quận cũng đang hoàn thiện cơ sở vật chất, vì vậy tất cả các đơn xin trái tuyến đến nay vẫn chưa giải quyết. Còn cô giáo Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 chia sẻ: Trong lần xét nhận hồ sơ nhập học vừa rồi, nhà trường đã gạt ra hai trường hợp học sinh không hợp lệ.

Theo cô Thúy Hà, có nhiều trường hợp, phụ huynh "tự tin" là con mình sẽ vào được trường trái tuyến vì đã  bỏ ra một số tiền lớn nhờ người chạy, nhưng đến phút cuối lại bị rớt thì quay lại tìm trường đúng tuyến. Tuy nhiên, lúc này trường đúng tuyến cũng không còn chỗ học. Thầy giáo Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều cũng cho rằng, cơ hội trái tuyến trúng tuyển rất khó. Thường thì các trường chỉ giải quyết 20% cho diện trái tuyến, còn lại bằng cách xét điểm từ cao xuống thấp, ưu tiên những học sinh đạt những danh hiệu, thành tích trong học tập. Các trường hợp trái tuyến chỉ may mắn khi có học sinh nào đó chuyển trường hoặc thi đậu vào các trường chuyên.

Ðể tránh tình trạng chạy trường, chạy lớp mỗi khi vào mùa tuyển sinh đầu cấp, phần lớn cán bộ trong ngành giáo dục thành phố đều cho rằng, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiến tới giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục ở các trường, các quận. Ðồng thời, chúng ta cũng cần xem lại có nên "phong" cho một số trường nào đó là trường điểm hay trường chất lượng cao không? Bởi trong đào tạo nhân tài nên giao cho những trường chuyên ở cấp THPT - cấp học mà học sinh đã định hình rõ rệt hướng năng khiếu của mình. Ðối với cấp tiểu học, trung học cơ sở thì không cần đến trường điểm hay trường chất lượng cao. Mặt khác, các trường cần "tỉnh táo" để không nhận bất kỳ hình thức đóng góp nào của phụ huynh trong quá trình tuyển sinh nhằm tránh sự nhờ vả, gửi gắm con em. Hội đồng tuyển sinh cũng cần xem xét kỹ thời gian nhập hộ khẩu để tránh tình trạng chạy hộ khẩu.

Tuy nhiên có một điều mà ít các bậc phụ huynh chú ý đến nhưng nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục cho trẻ. Ðó là sĩ số học sinh ở các trường "điểm" thường rất đông khoảng 38-42 em/lớp. Trong khi đó, chất lượng học của trẻ còn phụ thuộc số lượng học sinh trên một lớp. Nếu một lớp học quá đông thì dù giáo viên có giảng dạy tốt, cơ sở vật chất có tốt thì cũng không thể bao quát hết từng học sinh. Vì vậy, trước khi có suy nghĩ chạy trường, chạy lớp cho con, các bậc phụ huynh nên suy nghĩ cho kỹ, tránh để rơi vào tình cảnh  "tiền mất tật mang".