Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục

Ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quá trình dạy và học. Thế mạnh của công nghệ đang tạo nên diện mạo mới giúp cả người dạy lẫn người học đạt được những bước tiến cao hơn trong hành trình tiếp cận, ứng dụng tri thức.

Việc thường xuyên được tiếp cận với hệ thống hạ tầng công nghệ cao giúp sinh viên ÐHQG TP Hồ Chí Minh thuận lợi trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Ảnh: ÐHQG TP Hồ Chí Minh
Việc thường xuyên được tiếp cận với hệ thống hạ tầng công nghệ cao giúp sinh viên ÐHQG TP Hồ Chí Minh thuận lợi trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Ảnh: ÐHQG TP Hồ Chí Minh

Là thành viên Ðại học Quốc gia (ÐHQG) TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Công nghệ thông tin (CNTT) được đánh giá cao về tính chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển ứng dụng và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI). Sinh viên (SV) của trường được cung cấp máy tính ảo với cấu hình cao phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ không gian làm việc tại phòng thí nghiệm, Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp của trường. Hằng tuần, SV còn có thể tham gia Câu lạc bộ trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021- 2025, ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, nâng tầm vị thế quốc tế của đơn vị. ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh xác định các mũi nhọn đột phá về khoa học công nghệ hướng đến ba ngành đào tạo là: AI, Khoa học công nghệ vật liệu tiên tiến, Công nghệ sinh học và Y sinh. Thời gian gần đây, ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác với TP Hồ Chí Minh và bám sát chiến lược phát triển, nghiên cứu ứng dụng AI. Ðơn vị này cũng đã ký kết với một số doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ đổi mới và nghiên cứu về AI.

Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh, cần nhất trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có bốn giải pháp cần sớm được triển khai, gồm: Tích cực đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế; tận dụng công nghệ số trong giảng dạy; nâng chất, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên; các hệ thống cơ sở vật chất phải bảo đảm được tính thực hành, thực tiễn của SV. "Bên cạnh đó, các trường đại học cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với DN và phía DN nên có những chính sách đặt hàng đào tạo theo yêu cầu. Nếu chúng ta vẫn cứ đào tạo theo thế mạnh của trường đại học, theo những gì thầy cô có mà chưa chú trọng đến sự cần thiết, nhu cầu của DN thì rất khó đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ sắp tới", PGS, TS Vũ Hải Quân phân tích thêm.

Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Trường đại học Tài chính - Marketing đã có hàng loạt ký kết hợp tác và tiếp nhận phần mềm được tài trợ bởi các DN thuộc các lĩnh vực marketing, đầu tư bất động sản, thẩm định giá, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán - kiểm toán, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ… để bổ sung vào hệ thống hạ tầng đào tạo theo hướng số hóa hiện nay. Mới nhất, nhà trường đã tiếp nhận bộ phần mềm tích hợp gồm: Quản trị nhân sự, quản trị bán hàng và quản lý cửa hàng "MISA Eshop" được trao cho khoa Quản trị kinh doanh để phục vụ công tác đào tạo và đưa vào giảng dạy. Hoạt động hợp tác với các DN đang được đẩy mạnh theo hướng ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục trực tuyến nhằm giúp SV thuận tiện hơn trong việc học tập, nghiên cứu.

Thông tin Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh quyết định cấp 130 suất học bổng toàn phần cho sáu ngành "nóng" trong mùa tuyển sinh năm 2021 thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó có 50 chỉ tiêu dành cho hai ngành học là Robot và Trí tuệ nhân tạo; CNTT (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo).

PGS, TS Ðỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, hệ đào tạo cử nhân tài năng này dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có mã ngành riêng, lớp riêng với đội ngũ chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước. Việc đào tạo chương trình cử nhân tài năng những ngành học mới nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu nhân lực chất lượng cao của TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh chương trình đào tạo ngày càng bám sát nhu cầu của thị trường lao động quốc tế, trường cũng đầu tư vào trang thiết bị, máy móc để đẩy mạnh mạng lưới giảng dạy trực tuyến, kho dữ liệu lớn cùng quy trình số hóa toàn bộ tài liệu, lớp học. Nếu không kịp nắm bắt công nghệ, rất khó để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Các trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình giảng dạy, học tập. Tuyển sinh đầu cấp qua mạng, tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp trên in-tơ-nét, lớp học "ảo", dạy học bằng rô-bốt hay sự hình thành các "lớp học số", "tiết học số"... đã không còn quá xa lạ. Ngành GD và ÐT TP Hồ Chí Minh còn thí điểm mô hình Trung tâm điều hành giáo dục thông minh, hứa hẹn tạo ra kho dữ liệu chung giúp các trường có thêm nhiều kênh tương tác, quản lý ngành, điều hành toàn hệ thống nhịp nhàng, nhanh chóng hơn.

Tự thân nhiều trường phổ thông cũng từng bước đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy và học. Một số trường THPT còn mạnh dạn cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin, thêm tư liệu, hình ảnh trong một số tiết học nhất định. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) Huỳnh Thanh Phú, cho hay: "Từ giải pháp tình thế thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu được áp dụng khoa học, việc học trực tuyến sẽ bổ trợ rất nhiều cho công tác học tập trung. Chúng tôi luôn khuyến khích ứng dụng công nghệ, tạo các nhóm tương tác trên mạng in-tơ-nét giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với gia đình để mọi người nắm các thông tin chính thống một cách nhanh nhất và có diễn đàn bàn bạc, thống nhất. Việc ứng dụng công nghệ vào học hành, kiểm tra đã giúp nhà trường đánh giá khách quan hơn sức học của học sinh, từ đó có sự hỗ trợ, bồi dưỡng kịp thời.

GIA MỸ