Anh công nhân làm lợi cho ngành điện hàng tỷ đồng

Yêu ngành, yêu nghề, chuyên tâm hết lòng, hết sức với công việc, đặc biệt là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh đã làm lợi cho đơn vị rất lớn. Đó là anh Trương Thái Sơn (60 tuổi), công nhân Đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn (Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh).

Anh Trương Thái Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho các đồng nghiệp khi kiểm tra tủ điện trung thế trên địa bàn phụ trách.
Anh Trương Thái Sơn hướng dẫn kỹ thuật cho các đồng nghiệp khi kiểm tra tủ điện trung thế trên địa bàn phụ trách.

Như đã thành thông lệ, cứ 10 giờ sáng, nhóm công nhân gồm Trương Thái Sơn, Trần Hoàng Dũng, Trần Thanh Hảo lại đến kiểm tra tủ điện trung thế trên đường Nguyễn Tri Phương. Anh Sơn mở điện thoại ra, livestream cho đơn vị biết mình đang làm (để đề phòng sự cố) rồi mới dùng cây thử điện kiểm tra; sau đó đo khí F6 xem có bị tụt giới hạn hay không. Anh bảo: “Khí F6 không có hay bị hạ thì dễ xảy ra nổ tủ, gây mất điện”. Anh Sơn tiếp tục cùng Dũng, Hảo qua trạm biến áp gần đó xem thiết bị vận hành có an toàn không, rồi hướng dẫn cho đồng nghiệp cách phân biệt dòng tải có cân bằng hay không nhằm tránh quá tải, sinh nhiệt cao. “Nhiệt cao quá thì CP tự ngắt, gây mất điện toàn khu vực, ảnh hưởng đến việc học hành, sản xuất, kinh doanh, các bệnh viện trong khu vực quận 5”, anh Sơn cho biết.
 
 Đây là công việc đã gắn bó với anh Sơn gần 20 năm qua, ngoài sự cần mẫn trong công việc anh còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho ngành điện nhiều tỷ đồng nếu cộng dồn trong từng đó năm công tác. Đánh giá về năng lực làm việc của công nhân Trương Thái Sơn, trong hồ sơ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trình lên Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động có đoạn ghi: “Luôn luôn là người đảm nhận và chịu trách nhiệm chính trong các công tác quản lý, sửa chữa, tiểu tu lưới điện, luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng và trách nhiệm trong công việc của mình, thực hiện nghiêm túc việc trang bị đầy đủ các trang cụ an toàn bảo hộ lao động, thực hiện đúng, đủ, nghiêm các biện pháp an toàn, các quy định về kỹ thuật an toàn điện, luôn có chế độ giám sát chặt chẽ ở công trường, không để xảy ra tai nạn lao động… Là cá nhân dẫn đầu trong công tác phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2006 đến nay đã có hơn 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác và làm giáo trình đào tạo công nhân mới. Các sáng kiến có giá trị làm lợi cho ngành điện nhiều tỷ đồng”.
 
 Nghỉ xả hơi mươi phút, anh Sơn trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Trong các sáng kiến thì việc cải tiến hoàn chỉnh một trạm biến áp lưu động 560 kVA để phục vụ công tác quản lý lưới điện, công tác ngầm hóa công trình lưới điện tại quận 5” làm tôi nhớ nhất. Trạm biến áp lưu động 560 kVA cải tiến có ba FCO để bảo vệ cáp trung thế, giúp cho công tác đấu nối hotline được tuyệt đối an toàn, giúp cho công tác ngầm hóa lưới điện, công tác quản lý vận hành lưới điện của Công ty Điện lực Chợ Lớn được thuận lợi và an toàn, góp phần giảm thời gian mất điện cho khách hàng. Sáng kiến trên không những rất thiết thực mà còn tiết kiệm cho đơn vị khoảng 300 triệu đồng”.
 
 Ngoài ra anh Trương Thái Sơn luôn phấn đấu không ngừng, chịu khó học bổ túc để có bằng THPT rồi học thêm nghề kỹ thuật điện, điện công nghiệp và tự học vật lý, hóa học. Anh Trương Thái Sơn có lối sống giản dị, sống trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm số 90/16A, Hòa Bình, quận 11. Thế nhưng, các sáng kiến của anh thì không hề nhỏ, ví như: “Cải tiến tay thao tác giá đỡ chì ống RMU hiệu Siemens kiểu 8 DJ 10.16” đã làm lợi, giảm chi phí đầu tư mua sắm sửa chữa thiết bị máy cắt trung thế khoảng 200 triệu đồng; “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kềm ép thủy lực 12T dùng pin” làm giảm chi phí mua sắm thiết bị 500 triệu đồng; “Cải tạo lưỡi khoan bê-tông 0.3 m thành lưỡi khoan 1.2 m và 1.7 m để thực hiện công tác đóng cọc tiếp địa tại các trụ sắt và trụ pylon” chủ yếu giúp cho công tác sửa chữa điện, đóng cọc tiếp địa được thuận lợi và nhanh chóng, giá trị làm lợi khoảng 50 triệu đồng; “Chống chim đậu trên đà trung thế gần điểm hở” làm lợi khoảng 100 triệu đồng; “Cải tạo phục hồi các kềm ép tay thủy lực 12 tấn đã thanh lý để sử dụng lại” là giải pháp giúp đơn vị tăng hiệu quả công tác, góp phần tăng năng suất lao động cho đơn vị, làm lợi khoảng 150 triệu đồng...
 
 Không nói nhiều về cá nhân và các thành tích đạt được, anh Trương Thái Sơn lại cùng đồng nghiệp rảo bước qua các tuyến đường thân quen. Ngang qua một quán nước, cô bán cà-phê nhanh miệng nói: “Chú Sơn uống đen hay đá”. Xe chạy qua một cổng trường học, người bảo vệ già chạy ra kéo tay nói: “Chú Sơn coi tìm cách cho dây điện nâng cao hơn chút, tụi nhỏ đi học về trời mưa, lỡ…”. Vậy là ngồi xuống uống cà-phê; vậy là móc ngay điện thoại gọi về đơn vị, sau đó chụp hình gửi zalo xác nhận địa điểm…, và các công việc lặng thầm ấy, anh Trương Thái Sơn xem đó là hạnh phúc làm nghề, được người dân tin yêu.