Thận trọng với các lò luyện thi đại học kém chất lượng

NDO - ND - Kỳ thi đại học, cao đẳng tới gần cũng là thời điểm các lò luyện thi hoạt động rầm rộ. Trước nhu cầu tăng cao, không ít lò luyện thi không phép tung hoành với chiêu quảng cáo "một tấc tới trời". Trong khi nhiều người học mất tiền, tốn sức vì  các lò luyện kém chất lượng thì công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập.

Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Từ thông tin trên tờ rơi được Trung tâm luyện thi tại Trường THPT - THCS Âu Lạc (quận Gò Vấp) quảng cáo, bạn Như Ý ngụ ở Ðồng Nai đã đăng ký luyện thi cấp tốc tại đây. Nhưng sau hai buổi học, Như Ý đành ngậm ngùi bỏ học. Em bức xúc: "Họ về tận trường em phát tờ rơi. Quảng cáo dữ lắm, có lớp bảo đảm đậu 100%, rồi giáo viên các trường nổi tiếng nhưng thực tế giáo viên dạy chán lắm! Ðã thế còn thiếu giáo viên, dạy lung tung và không quan tâm học sinh hiểu bài hay không. Em đăng ký lớp "Víp", đóng 7,1 triệu đồng bao gồm tiền học và tiền ăn. Trung tâm nói ba ngày học không được thì dừng lại nhưng học được hai ngày em nghỉ đã bị trừ mất 500 nghìn đồng. Riêng phòng em ở có hơn 30 bạn, gần một nửa không dám ôn thi tại đây phải bỏ đi nơi khác".

Không chỉ riêng tại Trung tâm luyện thi THCS - THPT Âu Lạc, nhiều trung tâm giới thiệu giáo  viên là những tiến sĩ,  thạc sĩ, giáo viên  đến từ các trường danh tiếng tại TP Hồ Chí Minh: Ðại học Sư phạm, Bách khoa, Y Dược, Khoa học Tự nhiên; các trường chuyên: Phổ thông năng khiếu, Lê Hồng Phong, Trần Ðại Nghĩa; đội ngũ giáo viên  tâm huyết với việc luyện thi đại học, từng tham gia ra đề và chấm thi các trường đại học... Không ít cơ sở quảng cáo mập mờ thông tin với các trung tâm có uy tín để thu hút người học.

Theo những thông tin quảng cáo trên mạng, chúng tôi tìm tới Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Hoàng Ngọc (219 Trần Hưng Ðạo, quận 1). Một nhân viên giới thiệu đây là trung tâm thuộc Ðại học Sư phạm. Khi chúng tôi hỏi: Trên bảng giới thiệu ghi là nguyên thuộc Ðại học Sư phạm là sao? Người này giải thích: Trước đây thuộc Ðại học Sư phạm nhưng thầy Tranh tách ra thành cơ sở riêng. Thầy là giáo viên Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa. Trường này  nổi tiếng lắm, ở thành phố này ai cũng biết.  Học phí một ca 1,5 triệu đồng thêm ca chiều là 900 nghìn đồng. Em cứ đăng ký đi cô giảm còn 2,1 triệu đồng, hiện lớp học đã có bốn em học rồi.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) Hồ Quốc Ánh cho biết: "Trong những lần đi kiểm tra, chúng tôi phát hiện không ít điểm luyện thi "treo đầu dê, bán thịt chó". Họ quảng cáo do giáo sư, thầy giỏi dạy nhưng thực tế lại khác. Ðể tránh thiệt hại, người học cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký học".

Quản lý lỏng lẻo

Thời điểm này, nhu cầu luyện thi cấp tốc tăng cao, học sinh từ nhiều địa phương sau khi thi tốt nghiệp xong đổ dồn về TP Hồ Chí Minh tranh thủ luyện thi đại học. Riêng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh đã đón hơn 3.100 lượt thí sinh và phụ huynh. Nhiều học sinh cho biết, sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ về thành phố ôn thi đại học vì nghe nói thành phố  có nhiều trung tâm luyện thi tốt.

Trước nhu cầu luyện thi tăng cao, rất nhiều cơ sở luyện thi đại học không phép xuất hiện, nhiều trung tâm hoạt động ngay trong các trường THPT. Trung bình mức giá các cơ sở thu khoảng từ 600 đến 700 nghìn đồng/môn/kỳ (khoảng một tháng). Ðể thu hút học sinh ở xa, các trung tâm này đều có dịch vụ bán trú, ăn uống. Riêng quận Gò Vấp có khá nhiều trung tâm hoạt động không phép. Tại Trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao Lý Thái Tổ (địa chỉ 54/5C Phạm Văn Chiêu, phường 14) dù không có trong danh sách đăng ký tại Sở Giáo dục và Ðào tạo nhưng được quảng cáo khá rầm rộ. Khi chúng tôi hỏi cơ sở có phép hay chưa, một nhân viên ở đây trấn an thản nhiên trả lời: Ðã là trường học đương nhiên được cấp phép chức năng luyện thi. Nhiều chỗ hoạt động không phép phải trả lại tiền cho người học rồi.

Trường THPT Phùng Hưng, 1278 Quang Trung, dù không có trong danh sách các cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ nhưng vẫn quảng cáo, mở lớp luyện thi đại học. Khi chúng tôi hỏi cho người nhà đi ôn thi, một nhân viên ở đây tư vấn: Trường mới khai giảng khóa luyện thi đại học. Lớp học khoảng từ 25 đến 30 người. Giờ còn vài chỗ, nếu không đăng ký nhanh sẽ hết chỗ. Ðiều đáng nói,  không ít cơ sở, trong đó có Trường THPT Phùng Hưng năm trước bị xử lý vì luyện thi không phép, năm nay lại vẫn hoạt động. Tương tự Trường nâng cao kiến thức và luyện thi đại học Thầy Ðồ (152/2/24 đường số 10, tổ 59 phường 9, quận Gò Vấp) cũng ngang nhiên hoạt động quảng cáo chuyên luyện thi khối A, B, D. Ðiều này cho thấy, công tác quản lý hiện còn kém hiệu quả, chưa đủ sức răn đe với các lò luyện thi sai phép.

Trên thực tế không ít người học đã bị "đứt gánh giữa đường" do các lò luyện không phép bị đóng cửa. Ông Hồ Quốc Ánh cho rằng: "Ðể tránh tiền mất tật mang, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về các trung tâm này tại Phòng Giáo dục quận, huyện hoặc Sở Giáo dục và Ðào tạo". Tuy nhiên khi chúng tôi tới Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Ðào tạo) xác minh một số cơ sở luyện thi đại học có phép hay không cũng không phải dễ dàng. Một chuyên viên ở đây cho biết: "Muốn biết cơ sở luyện thi đại học có phép hay không cứ xem họ có treo giấy chứng nhận cấp phép hay không". Liệu rằng, theo cách này phụ huynh và học sinh có biết cách phân biệt giữa các lò luyện thi có phép và không có phép?