Tìm giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Chiều 22/7, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và vai trò của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

PGS, TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì tọa đàm.

Mục tiêu Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu là phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh, bền vững, tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”…

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp, bài học kinh nghiệm về những vấn đề thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các đại biểu cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, tuy nhiên vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Ngoài cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu được xem là cản trở lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Điều này dẫn đến thực trạng, đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với thực tế tiềm năng lớn nhưng lại phát triển chậm. Nguồn nhân lực chất lượng cao đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng trũng ở phía nam, nhất là nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp.

Những năm gần đây, số lượng tuyển sinh hằng năm của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm. Muốn phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thì bắt nguồn từ nguồn nhân lực, do đó, các trường cần thay đổi, thiết kế lại chương trình đào tạo, làm mới chương trình, đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với sứ mạng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, đặc biệt là trách nhiệm đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập hợp lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín tham gia các đề tài, dự án trọng điểm với trách nhiệm cao nhất để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tạo ra những tác động mang tính đột phá, vượt trội, góp phần thúc đẩy phát bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ kết quả tọa đàm này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các chính sách, mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ để góp phần phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới theo tinh thần Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, năm 2021, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tài trợ cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hơn 9 triệu USD để thực hiện dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thiết lập nền tảng cho việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long.