Tìm giải pháp đột phá và lâu dài

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi ý kiến cùng ông Châu Trần Vĩnh (trong ảnh) - Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những điểm nổi bật trong quy hoạch mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tỉnh Kiên Giang giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái. Ảnh: DUYÊN PHAN
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tỉnh Kiên Giang giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái. Ảnh: DUYÊN PHAN

- Khủng hoảng nguồn nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Đồng bằng sông Cửu Long có chế độ thủy văn-thủy lực rất phức tạp, phân phối không đều theo không gian và thời gian, nguồn nước đến từ thượng nguồn sông Mê Công chiếm 95% tổng lượng nước của đồng bằng sông Cửu Long. Lượng nước sản sinh trên đồng bằng chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể. Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của vùng khoảng 474 tỷ m3, trong đó chỉ khoảng 30 tỷ m3 được hình thành trong đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, các hoạt động đắp đập, chặn dòng, chuyển nước, mở rộng diện tích tưới, xây dựng và vận hành của các công trình thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...

Mùa cạn tại đồng bằng sông Cửu Long kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, lượng dòng chảy mùa cạn chiếm khoảng 15-30% dòng chảy năm, dẫn đến xuất hiện các vấn đề khan hiếm và thiếu nước trong mùa khô. Trong mùa cạn, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về nhỏ, do đó chế độ dòng chảy đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn bị chi phối bởi chế độ thủy triều ở Biển Đông.

Mặt khác, do dân số tăng nhanh và phát triển nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản,... dẫn đến sự gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt lẫn nước ngầm. Trong khi việc khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên nước cả về chất lẫn lượng trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Tại một số khu vực, đặc biệt là vùng ven biển, tài nguyên nước dưới đất đang bị khai thác quá mức. Tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm.

Cùng đó, biến đổi khí hậu đang đến nhanh hơn, tác động mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn so với những gì chúng ta đã dự báo trước đây. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gia tăng xâm nhập mặn cùng với các vấn đề về sụt lún, sạt lở sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước vùng đất này.

Ngoài ra do đặc điểm địa hình, địa mạo, châu thổ Cửu Long luôn phải đối mặt những vấn đề về: lũ và ngập lụt ở vùng thượng; xâm nhập mặn ở vùng ven biển; đất phèn và sự lan truyền nước chua ở những vùng trũng thấp; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển; xói lở bờ sông-bờ biển xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

- Trước hiện trạng đầy những biến đổi tiêu cực và sự dự báo không mấy khả quan cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai gần, theo ông, chúng ta phải quy hoạch hệ thống sông ngòi, các hồ trữ nước ngọt như thế nào để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân?

- Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, số lượng và chất lượng lại ngày càng suy giảm là một thử thách lớn cho an ninh nguồn nước của vùng đất này. Để ứng phó với tình hình đó, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 đã nêu ra phương hướng khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, lưu vực sông trên lãnh thổ vùng, trong đó, chỉ rõ việc cần phải chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu, phân bổ dựa trên khả năng của nguồn nước.

Trường hợp bình thường sẽ chủ động về nguồn nước hiện có cho các mục đích sử dụng nước, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước sẽ thực hiện việc điều hòa phân phối nước bảo đảm an ninh về nước cho các vùng/lưu vực sông đặc biệt khan hiếm nước trong đó phân bổ nguồn nước đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; các đối tượng sử dụng nước khác sẽ phân bổ theo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu thông qua việc xây dựng phương án cắt giảm nhu cầu sử dụng nước của từng đối tượng sử dụng nước theo tỷ lệ phù hợp, bảo đảm thứ tự ưu tiên theo nhu cầu tối thiểu của từng đối tượng sử dụng nước.

Quy hoạch đã định hướng sẽ triển khai xây dựng mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp tại các địa phương trong vùng như: lượng nước dự phòng được cấp cho mục đích sinh hoạt chủ yếu từ nguồn nước dưới đất trong khoảng thời gian xác định (tối đa 90 ngày); trữ nước trong mùa lũ trên ô đồng ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vườn quốc gia, tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước; xây dựng các hồ trữ nước quy mô phù hợp; trữ nước trên hệ thống kênh rạch, nhánh sông lớn, ao hồ nhỏ đi kèm với các giải pháp vận hành đóng mở các công trình điều tiết nước phù hợp; trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt, trữ nước ở các bể ngầm; tăng cường các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất, lập các nguồn nước dự phòng và quản lý việc sử dụng.

Dự kiến, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022, trong đó sẽ quy hoạch mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng về vị trí, quy mô, phương thức khai thác phù hợp các địa phương trong vùng nhằm bảo đảm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Đồng thời cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

- Với tính chất ngày càng mang ý nghĩa sống còn của vấn đến an ninh nguồn nước, để các giải pháp được triển khai, thực thi đầy đủ trong thực tế đòi hỏi hệ thống pháp luật đủ mạnh. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Luật Tài nguyên nước 2012 đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài để bảo vệ tài nguyên nước, gắn bảo vệ tài nguyên nước với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra; bảo vệ tài nguyên nước gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các dòng sông, định hướng áp dụng cơ chế thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,… Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước bền vững, hiệu quả.

Cùng đó, Nghị quyết 120/NQ-CP được Chính phủ ban hành về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách, theo đó, phải lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Trên cơ sở định hướng phát triển này, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đã rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế phát triển bền vững miền đất này.

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, trong đó có châu thổ Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước trong quá trình rà soát, xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội năm 2023), trong đó, bổ sung những điểm mới sau: Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước, hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông…

Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, các nhà khoa học và cộng đồng tham gia trong quá trình ra quyết định và theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước tại vùng đất này.

- Trân trọng cảm ơn ông!