Thiếu thuốc cục bộ: Gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế

NDO -

"Nguyên nhân do giám đốc các bệnh viện không mặn mà lắm, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng", đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí nói.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Cần gỡ nút thắt về chính sách

Ngày 25/5, nằm trong chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, tại buổi làm việc tại tổ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, Đại biểu quốc hội Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan, thiếu thuốc và thiết bị y tế là do tâm lý… không dám mua từ các cơ sở.

Cụ thể, ông Mãi cho rằng: "Trong thời gian vừa qua, sau chống dịch chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng sau đó, những tháng gần đây thì chúng ta tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế”.

Ông Phan Văn Mãi cho biết: "Chúng tôi trân trọng báo cáo với Chủ tịch nước để lãnh đạo, định hướng như thế nào để chúng ta phát hiện được, xử lý được những trường hợp vi phạm, nhưng phải làm như thế nào để đảm bảo được uy tín của ngành. Làm sao đừng để cho các cơ sở y tế sợ không dám mua, để bây giờ thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc".

Người đứng đầu TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là việc cấp bách, cần phải có chuyên đề để trao đổi, có giải pháp tức thì.

"Tôi đã nói lại với Sở Y tế rằng: Làm sao ngồi bàn lại để tính, đề xuất làm sao có thể mua thuốc, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố hàng ngày", ông Phan Văn Mãi tâm tư.

Thiếu thuốc cục bộ: Gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế -0
Tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế đã gây ra nhiều khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn các y, bác sĩ. 

Từ thực tế trên, vị Đại biểu Quốc hội mong Chính phủ, Quốc hội trong thời gian sắp tới sẽ tập trung hơn nữa, đẩy nhanh các gói phục hồi kinh tế, đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng. 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đưa ra ý kiến: “Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư". 

Các đại biểu Quốc hội và các các chuyên gia đều cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm có chính sách, hướng dẫn để tháo gỡ nút thắt này.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vấn đề lớn mà ngành y đang phải đối mặt hiện nay mà người làm rất dễ thành vi phạm là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy…

Theo ông Quang, nếu làm đàng hoàng, chưa chắc đã có đủ thuốc. Nhưng nếu làm để cho có đủ thuốc, sẽ gặp vi phạm. Vì thế, nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua. 

Do đó, ông Quang cho rằng cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu… “Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân”, ông Quang cho hay. 

Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến đấu thầu, mua sắm. Điều này cũng tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu, đồng thời, có cơ chế bảo vệ họ, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, để giải quyết dứt điểm câu chuyện các bệnh viện sợ không dám đấu thầu thuốc, cần phải có những biện pháp trước mắt và biện pháp mang tính lâu dài.

Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 và Nghị định 29/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của hệ thống y tế để bảo đảm công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng vẫn còn có nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Thiếu thuốc cục bộ: Gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế -0
Ông Trí cho rằng, trước mắt, các cơ quan quản lý từ cấp bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Do đó, ông Trí cho rằng, trước mắt, các cơ quan quản lý từ cấp bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội, tháo gỡ ngay các khúc mắc, tạo sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai các việc để có thuốc phục vụ cho người bệnh, để có hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm.

Còn giải pháp lâu dài thì phải rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có để kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong ngành y yên tâm làm việc. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải là cả một quá trình, vì rất nhiều vấn đề liên quan về Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật về giá, Luật Y học dự phòng… cần phải sửa chữa lại.

Bộ Y tế đang nỗ lực

Ngày 2/6, Cục ban hành công văn công bố danh mục thuốc theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP- danh mục thuốc hết hạn đăng ký trong năm 2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm - đợt 1. Danh mục này cho các thuốc hết hạn từ ngày 31/12/2021 đến 30/6/2022. 

Theo đó, Cục gia hạn cho 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm: 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6/2022.

Đến nay Bộ Y tế đã gia hạn hơn một nửa trong số gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn cho đến cuối năm nay. Các hồ sơ hết hạn trước ngày 30/6 được giải quyết trước, thực hiện Nghị định 29/2022/NĐ-CP ban hành ngày 29/4.

Thiếu thuốc cục bộ: Gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế -0
Thời gian tới đây, Bộ Y Tế sẽ nỗ lực để người bệnh không còn lao đao vì thiếu thuốc. 

Danh mục này được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo. Dự kiến trước ngày 15/7 sẽ ban hành các thuốc còn lại trong gần 10.000 giấy đăng ký sắp hết hiệu lực chỉ trong năm 2022. Vì thế, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực đẩy nhanh công tác gia hạn hiệu lực số đăng ký. 

Cuối tháng 4, Bộ Y tế cho biết, công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá chưa có kết quả do một số nguyên nhân.

Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia, do phải tiến hành rà soát Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia trước thời điểm mở thầu; Tổ Chuyên gia đang trong quy trình đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu để bảo đảm đáp ứng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu.

Đối với công tác đàm phán giá: Là một hình thức đấu thầu mới và được áp dụng duy nhất đối với thuốc từ năm 2018. Hiện nay, Hội đồng đàm phán giá thuốc đang tích cực triển khai công tác đàm phán giá đối với 66 thuốc biệt dược gốc, trong đó có các thuốc chống thải ghép sử dụng cho bệnh nhân ghép thận.

Việc triển khai công tác đàm phán giá đòi hỏi phải thu thập, phân tích và xử lý khối lượng lớn các thông tin liên quan đến từng thuốc đàm phán và cần sự phối hợp với nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Hải quan và một số bộ, ngành liên quan với mong muốn đạt được hiệu quả cao nhất. 

Việc lần đầu tiên tiến hành đàm phán số lượng lớn các thuốc biệt dược gốc cùng với nhân lực phục vụ cho công tác đàm phán giá còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của công tác đàm phán giá.

Thiếu thuốc cục bộ: Gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế -0
 Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá.

“Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá; Ngay khi có kết quả, Bộ Y tế (Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia) sẽ thông báo Kết quả trúng thầu và Thỏa thuận khung để các cơ sở y tế triển khai, thực hiện”, Bộ Y tế cho hay. 

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, các bệnh viện không dám tự đấu thầu mua thuốc. Họ đều chung tâm trạng mong muốn Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết hạn lưu hành. Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, cần cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 98/2021 của Chính phủ liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Đặc biệt đối với những thuốc hiếm, thuốc ít sử dụng cho bệnh nhân, nếu bệnh viện tự nhập về với số tiền đắt đỏ mà bệnh nhân không sử dụng tới sẽ rất phí. Do đó, các bệnh viện cho rằng nên có một trung tâm dự trữ, điều phối thuốc cấp quốc gia để giúp bệnh nhân điều trị kịp thời.