Cùng suy ngẫm

Phòng, chống dịch Covid-19 cần linh hoạt, hiệu quả

Đợt dịch thứ tư đã kéo dài hơn năm tháng, để lại hệ lụy lớn cả về đời sống sinh hoạt, vấn đề sức khỏe người dân (số người mắc, chết cao) cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Phòng dịch trong doanh nghiệp cần được chú trọng và linh hoạt.
Phòng dịch trong doanh nghiệp cần được chú trọng và linh hoạt.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như cả hệ thống chính trị, tình hình dịch đang có những chuyển biến tích cực hơn. Sau khi số mắc được ghi nhận cao nhất, hơn 17.400 ca (ngày 27/8) thì số lượng đang giảm dần, đến ngày 28/9 là 4.583 ca, trong khi đó số ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh là 21.487 người...

Với những tín hiệu tích cực trong công tác ứng phó cũng như diễn biến thực tế dịch, Chính phủ đã chuyển chủ trương từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, phục hồi và phát triển kinh tế. Phần lớn địa phương trước đây áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cũng đã dần gỡ bỏ, mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và việc sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều địa phương phấn đấu sau ngày 30/9 chuyển sang trạng thái bình thường mới. Như vậy với chiến lược mới thì chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng và tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của người dân.

Với thực tế ở nước ta hiện nay, công tác chống dịch vẫn được ưu tiên hàng đầu. Để kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn này thì các biện pháp phòng, chống dịch cần điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn cùng với việc tăng dần mức độ bao phủ tiêm vaccine. Các địa phương cần chuẩn bị phương án, kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm vaccine với số lượng lớn khi trong khoảng tháng 10 đến 12, lượng vaccine sẽ về nhiều.

Đáng chú ý, mặc dù chấp nhận có những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng vẫn cần được phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời; các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Về phía người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K. Thực hiện tốt các biện pháp này thì dù mở cửa vẫn có thể bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân, giảm nguy cơ tử vong.

“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được xác định là điều kiện, cơ sở để các địa phương tự tính toán và quyết định cấp độ dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch song song với hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đã và đang tham gia một cách sâu rộng. Do vậy, Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đang được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng cần được các bộ, ngành, địa phương góp ý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Dịch Covid-19 không chỉ xuất hiện tại cộng đồng, mà còn xuất hiện tại các doanh nghiệp. Do vậy, không chỉ phòng, chống dịch tại cộng đồng mà cần cả chống dịch hiệu quả tại doanh nghiệp để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nếu phòng, chống dịch tốt thì tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, từ đó có nguồn lực quay trở lại cho công tác phòng, chống dịch.

Kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều địa phương cần được nhân rộng, đó là để sản xuất bảo đảm an toàn thì cần phải thực hiện “5 xanh”: Địa bàn “xanh”, doanh nghiệp “xanh”, nơi ở “xanh”, vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc “xanh”, công nhân “xanh” (tiêm đầy đủ vaccine theo quy định).