PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Dịch Covid-19 hiện đang có hai mũi tấn công

NDO -

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận định, đợt bùng phát dịch lần này vô cùng nghiêm trọng. Dịch Covid-19 hiện đang có cả hai mũi tấn công, từ bệnh viện tấn công ra cộng đồng và từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện.

Khám sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Khám sàng lọc tại các cơ sở y tế.

Tăng cường chất lượng xét nghiệm, không bỏ sót mẫu bệnh phẩm

Về mặt dịch tễ, tốc độ lây truyền lần này rất mạnh nên số ca tăng lên rất nhanh. Có những ngày ghi nhận tới 50-60 ca nhiễm trong cộng đồng. Từ 27-4 đến nay, dịch bệnh lây lan tới 17 tỉnh, thành phố mang biến chủng của Anh, Ấn Độ.

Trong khi các ổ dịch khác ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội… còn đang tích cực kiểm soát, khống chế dịch, việc xuất hiện thêm ổ dịch mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bắc Ninh với tốc độ lây lan nhanh khiến tình hình càng trở lên khó khăn, phức tạp hơn.

Đến nay, đã có chín cơ sở y tế phải tạm thời đóng cửa chỉ trong 10 ngày bùng phát dịch trở lại, trong đó có hai bệnh viện lớn tuyến Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện K. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là thành trì khu vực phía bắc về phòng, chống Covid-19, không chỉ điều trị tại bệnh viện mà còn tăng cường hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh. Bệnh viện K là cơ sở đầu ngành về điều trị cho bệnh nhân ung thư - nhóm bệnh nhân được cho là yếu thế nhất nếu không may mắc Covid-19. 

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, bệnh viện tuyến Trung ương hay bệnh viện ở địa phương “thủng lưới” đều được cảnh báo như nhau. Nhưng hệ quả tại bệnh viện tuyến Trung ương nặng hơn, vì bệnh nhân tại đây tỏa đi khắp địa phương còn bệnh nhân tại tỉnh chỉ tỏa trong tỉnh, tính chất quy mô nhẹ hơn. Điều này đã được thấy rất rõ sau khi phát hiện ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Dịch đã từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện và ngược lại, Việt Nam cũng đang nỗ lực truy vết những trường hợp đã đến cơ sở y tế này thời gian qua. 

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Dịch Covid-19 hiện đang có hai mũi tấn công -0
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung. 

“Về dịch tễ lây truyền, tôi đánh giá vụ này nghiêm trọng. Đặc biệt ca bệnh lần này có biểu hiện rất nhẹ, khó phát hiện trước. Tôi cho rằng, việc bị lây tại hai bệnh viện lớn này là lây ngẫu nhiên từ người nhà chăm sóc bệnh nhân, rồi lây cho cán bộ y tế”, ông Nhung nói.

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng khẳng định, qua phân tích khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện, nguồn lây cho bệnh viện là từ cộng đồng. 

Ông Nhung cũng đặt ra giả thiết, việc ca bệnh tại Hà Nam sau khi hết cách ly mới phát hiện dương tính có thể do chỗ cách ly trước đây làm xét nghiệm không bảo đảm chất lượng. Do đó, theo ông Nhung, việc quan trọng nhất để phát hiện ca bệnh là là chất lượng lấy mẫu. Nếu việc lấy mẫu không chuẩn, người lấy mẫu không được đào tạo chuẩn hoặc lơ là lúc lấy mẫu bệnh phẩm sẽ để lọt ca bệnh. 

"Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp, dù bất kỳ lúc nào cũng phải lấy mẫu chuẩn. Tại BV Phổi Trung ương, chúng tôi sẽ lấy hai mẫu bệnh phẩm, một mẫu ngoáy ở mũi, một mẫu ở họng. Phải lấy mẫu ở hai vị trí mới cho một mẫu bảo đảm chất lượng", ông Nhung chia sẻ. 

Ngay trong sáng nay, 8-5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc ưu tiên lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, trường hợp không lấy được dịch tỵ hầu thì tiến hành lấy các loại mẫu khác theo hướng dẫn. Các mẫu ngoáy họng phải được lấy đúng vị trí, kỹ thuật; Sử dụng que lấy mẫu có đầu là sợi tổng hợp.

“Các đơn vị không dùng que lấy mẫu có cán bằng calcium hay gỗ để lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, dịch ngoáy họng và mẫu ngoáy dịch mũi nhằm tránh trường hợp có thể gây ức chế phản ứng PCR làm ảnh hưởng đến độ nhạy và đặc hiệu, kết quả xét nghiệm. Không được bỏ sót các bước khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm”, Cục yêu cầu.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Dịch Covid-19 hiện đang có hai mũi tấn công -0
 Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm.

Không để dịch Covid-19 xâm nhập vào khu vực xung yếu

Để bảo vệ lực lượng tinh nhuệ nhất trong chống dịch Covid-19, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 7-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chỉ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tạm thời không điều trị các bệnh nhân khác. 

Bệnh viện sẽ chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam để tiếp tục theo dõi và điều trị, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế trong công tác di chuyển bệnh nhân.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K tổ chức chia ca hợp lý để giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, từ sau sự cố phát hiện ca bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phải xác định thêm có thể có sự lây nhiễm ở nhiều cơ sở y tế khác, mới đây nhất là Bệnh viện K. Điều này cho thấy virus có tốc độ lây lan rất nhanh và có sự lây nhiễm chéo giữa các bệnh viện thông qua việc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Điều này hết sức nguy hiểm.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Dịch Covid-19 hiện đang có hai mũi tấn công -0
 Các cơ sở  y tế phải nâng cao hơn một mức trong phòng, chống dịch.

Do đó, giải pháp quan trọng nhất ở các cơ sở y tế lúc này là giãn cách. Các bệnh viện tạm thời ngừng các hoạt động không cần thiết, nhất là tuyệt đối cấm người nhà vào thăm bệnh. Đây là lỗ hổng rất lớn ở các bệnh viện và có thể ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Nếu người thân tự ý ra vào, bệnh viện tổ chức sàng lọc bao nhiêu đi chăng nữa thì nguy cơ lọt lưới rất cao.

Một giải pháp phòng hộ cá nhân khác có thể áp dụng để phòng ngừa nguy cơ, đó là sau khi tiếp xúc người khác, đến buổi họp đông người, bên cạnh 5K, mọi người có thể súc họng, rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đặc biệt, tạm ngừng hoạt động các hoạt động không thiết yếu mà có nguy cơ cao đó là tụ họp đông người, karaoke, bar…

Là một bệnh viện tuyến đầu về bệnh lý phổi, hô hấp, để giữ cho cơ sở không bị “thủng lưới”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Chúng tôi xác định Bệnh viện Phổi Trung ương là đỉnh của đỉnh dịch Covid-19 tấn công. Ốm, ho, sốt là những dấu hiệu của mắc Covid-19 sẽ đến Bệnh viện Phổi Trung ương. Do đó, bệnh viện đã có hàng rào ngăn chặn ngay từ bên ngoài, từ cổng bệnh viện với mô hình sàng lọc ba lớp. Trường hợp nào viêm phổi điều trị mãi không khỏi, tiến triển chậm thì phải nghi Covid-19. Không để Covid-19 tấn công vào trong bệnh viện”, ông Nhung nói.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan