Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr

NDO -

NDĐT - Với sự kỳ diệu của y học hiện đại, bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến của các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), đã có nhiều thiên thần chỉ 25 tuần tuổi, nặng vỏn vẹn 5 lạng, được trao tặng phép màu cuộc sống.

BSCK II Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh, chăm sóc trẻ sinh non.
BSCK II Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh, chăm sóc trẻ sinh non.

Ba tháng ôm ấp ấy bao nhiêu tình

Kể từ năm 2010, khi lần đầu tiên Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cứu sống thành công em bé sinh non chỉ nặng 500gr, đến nay, tại Trung tâm này, đã có hơn 10 cháu được nuôi dưỡng đầy kỳ diệu bởi bàn tay tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng của ở đây.

BSCK II Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về ca sơ sinh nặng 500gr đầy ấn tượng năm 2016. Đó là một bé trai 25 tuần tuổi, con của một cặp vợ chồng đã khá lớn tuổi. Mẹ của bé (lúc đó 50 tuổi, tại Từ Liêm, Hà Nội) thụ tinh nhân tạo trong sự chờ đợi và kỳ vọng của cả dòng tộc. Anh trai duy nhất trong nhà bé này đã ra đi ở tuổi 17 khi bị ung thư, chị gái đã lập gia đình và sinh con. Nỗi đau mất mát quá lớn, cùng với phải có con trai trưởng dòng họ, người mẹ mang thai trong đầy nỗi áp lực.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 1

Những em bé chỉ nặng 1kg nên phải chăm sóc rất nhẹ nhàng.

Ở tuần thứ 25, bé chào đời, chỉ nặng vỏn vẹn 500gr. Bé bị xuất huyết não, đã nhiều lần bị suy hô hấp, ngừng thở và tưởng chừng không thể cứu được. Cả dòng họ ngày ngày túc trực ở Trung tâm Sơ sinh, cầu cạnh các bác sĩ phải cứu bằng được đứa bé trai này vì đó là con trai nối dõi của cả dòng tộc. BS Hoa kể “Đã có lúc chúng tôi định buông xuôi vì bạn này rất nhiều lần phải cấp cứu do ngừng thở, ngừng tim và có xuất huyết não. Nhưng thật kỳ diệu, chúng tôi cũng đã cứu được cháu bé và giờ cháu cũng hai tuổi, sức khỏe rất tốt, phát triển như một đứa trẻ bình thường”.

Ba tháng nuôi trong lồng kính, khi ra về vẫn phải thở ô-xy, giờ bé trai hai tuổi trông rất kháu khỉnh. Chị gái của cháu bé vẫn thi thoảng thông tin tới BS Hoa về sức khỏe của bé bằng một sự cảm kích không thể nói hết thành lời. “Ba tháng ôm ấp trong lồng kính, ba tháng chúng tôi chăm sóc, cho ăn, vỗ về, cưng nựng yêu thương cũng thật nhiều tình cảm. Nhưng mỗi em bé được ra viện, là niềm hạnh phúc, là một món quà không thể nào lớn hơn với những người làm về công việc chăm sóc trẻ sơ sinh như chúng tôi”, BS Hoa xúc động nói.

Hơn 10 ca nặng chỉ 5 lạng, đã được các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm này dốc sức chăm sóc, ôm ấp, vỗ về, yêu thương và trao tặng cuộc sống kỳ diệu cho bé. Chăm sóc các em bé nặng chỉ 500gr là phải chăm bằng sự tận tâm, tận lực 24-24 giờ không rời nửa bước. “Có 500gr thôi, cả cẳng chân bé chỉ bằng ngón tay của mình. Làm thế nào các cô cũng phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, đặc biệt là làm các thủ thuật lấy máu xét nghiệm, tiêm truyền vì sơ sẩy là vào xương cháu bé”, BS Hoa kể chị vẫn luôn dặn dò các điều dưỡng như thế.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 2

BS Hoa hạnh phúc ngắm cháu bé sinh non 500gr giờ đã phát triển khỏe mạnh.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm, những trường hợp sinh non ở đây hầu hết đều làm IVF, hỗ trợ sinh sản và đều rơi vào gia đình hiếm muộn nên họ tha thiết kỳ vọng vào sự sinh tồn của cháu bé. “Những em bé này một bữa chỉ ăn 1mm sữa qua đặt xông và các điều dưỡng phải bơm nhẹ nhàng bằng tay. hằng ngày, hằng tuần chúng tôi nín thở theo dõi sự phát triển của bé. Đến khi em bé đạt cân nặng 1kg lại nín thở vì nằm lâu trong viện các bé có thể gặp nhiều yếu tố nguy cơ. Khi em bé ra ghép mẹ, chúng tôi lại nhìn và hướng dẫn mẹ em bé chăm em bé sinh non thế nào, theo dõi sự phát triển của trẻ ra sao”, đó là một hành trình mà bất kỳ điều dưỡng nào cũng thuộc nằm lòng.

Tại Phòng Hồi sức tích cực, không khí một tua làm việc không ngừng nghỉ. Một tua trực có hai bác sĩ, tám điều dưỡng, làm việc miệt mài trong 12 giờ đồng hồ. Mỗi một cô điều dưỡng phải trông chừng khoảng 10 cháu, quay vòng với hành trình cho ăn, thụt phân, chăm sóc, theo dõi nhịp tim, nhịp thở… Những lúc bé mong manh và non yếu, không có bố mẹ chăm sóc, chỉ cần một cái chạm nhẹ, một sự vỗ về nhẹ cũng giúp bé cảm nhận được sự gần gũi.

Những áp lực của người mẹ đầu đời của trẻ sinh non

Mỗi năm Trung tâm đón nhận từ 20.000 - 22.000 trẻ sơ sinh sinh ra tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương nhưng chủ yếu là những trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1500 gam cùng nhiều yếu tố nguy cơ nặng từ bệnh lý của mẹ và con. Tại khoa, mỗi ngày có khoảng 260-270 bệnh nhân được các cô chăm sóc. Trong đó, có khoảng 70 bệnh nhi nặng nằm ở hồi sức tích cực phải truyền dịch, làm thủ thuật chọc hút dịch, điều trị phổi, hút phân xu, viêm phế quản phổi. Khoảng 100 bệnh nhân non tháng sau khi ổn định sẽ được chuyển xuống Khoa Hồi sức được chăm sóc tránh nhiễm trùng sau ăn, cho ăn sớm để kích thích em bé phục hồi cân nặng.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 3

Những em bé chuẩn bị được ghép mẹ.

"Chăm sóc trẻ sinh non gặp muôn vàn thách thức", BS Hoa tiếp lời "Những bé phải nằm tại đây đều gặp bệnh lý phối hợp của nhiều bệnh nguy hiểm như ruột hoại tử, nhiễm trùng, xuất huyết não, bị suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn, dị tật bẩm sinh, bệnh chuyển hóa, viêm phổi, viêm phế quản…". Cả khoa luôn trong tình trạng cấp cứu, những bữa ăn trưa rơi vào lúc 1-2 giờ chiều. 12 tiếng không ngừng tay, không ngừng chân chạy đi chạy lại, nhưng những bác sĩ điều dưỡng tại đây rất đỗi ân cần, dịu dàng và cẩn trọng.

Có những bé sinh non phải nằm tới ba tháng, có những bé nằm vài tuần mới được cho ghép mẹ, vì thế, những năm tháng đầu đời, bàn tay chăm sóc bé là các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm. Nhưng để những em bé khỏe mạnh cho ghép mẹ, đó là cả một sự cân não.

“Những bạn sinh non chiếm phần nào là những em bé được thụ tinh nhân tạo. Những em đó càng khó khăn để chúng tôi cứu chữa. Nhiều gia đình kỳ vọng quá lớn, các cô cứu được em nặng chỉ 500gr thì mặc nhiên con tôi nặng 700gr hay 1kg cũng phải cứu được. Có người còn bảo là các cô cứ cứu cháu, về bại não chỉ ăn nằm một chỗ gia đình cũng chấp nhận. Nhưng thật sự, mỗi bé có một bệnh khác nhau và dù 500gr có thể cứu được nhưng chưa chắc nặng 2kg mà bệnh lý nghiêm trọng chúng tôi lại cứu được”, BS Hoa kể về những áp lực ngày ngày phải đối diện.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 4

Một điều dưỡng tại Phòng Hồi sức cấp cứu chăm sóc 10 cháu.

Tuy nhiên, cuộc sống kỳ diệu là có thật. Phép màu cuộc sống là có thật. Kể từ ca sinh non chỉ nặng 500gr đầu tiên vào năm 2010, đến nay, những ca nhẹ cân này không còn là thách thức quá lớn với đội ngũ y, bác sĩ tại trung tâm. Đó là một điều phi thường đến cả chính BS Hoa, chính đội ngũ điều dưỡng cũng cảm phục sự diệu kỳ đó.

Không chỉ nuôi dưỡng thành công những trẻ non tháng nặng 500gr, Trung tâm còn chăm sóc 100% trẻ HIV (+) và các bệnh lây nhiễm khác. Trung tâm thực hiện tốt các quy trình áp dụng các kỹ thuật mới vào điều trị để cứu sống bệnh nhân như sử dụng Surfactant cho trẻ đẻ non tháng,khám mắt theo dõi định kỳ phát hiện sớm bệnh ROP để điều trị kịp thời tránh mù lòa cho trẻ cũng như hạ thấp tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nhờ thực hiện tốt quy trình ủ ấm trẻ, quy trình vệ sinh vô khuẩn.., điều trị sớm hạ đường huyết, điều trị sớm vàng da ở trẻ sơ sinh giúp tránh di chứng thần kinh cho trẻ.

Một nghề nếu thiếu cảm xúc, sẽ phải từ bỏ

Công việc tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh mang một đặc thù riêng biệt. Những đứa trẻ nằm cách ly hoàn toàn, không thể cất tiếng khóc để báo hiệu sự khó chịu của cơ thể. Quan sát những em bé này phải bằng sự nhạy cảm và kinh nghiệm của những người thầy thuốc khi bé oằn mình hay tím tái, lúc nào cần trợ thở ô-xy hay phải thụt tháo để bé không phải gồng sức lực non yếu của mình. Ở thời điểm bé cần ôm ấp vỗ về nhất, xung quanh chỉ là dây dợ, máy móc chạy suốt 24 giờ, chúng chỉ cần cái chạm nhẹ cơ thể, một sự xoa dịu cơ thể cũng đủ cảm thấy sự ấm áp cần có của bất kỳ trẻ sơ sinh nào.

“Làm nghề này, nếu cô nào không tận tâm, không chăm chỉ, không yêu thương thì không làm được. Có rất nhiều các em thực tập đến đây nói với tôi là chỉ muốn ở lại Trung tâm để thấy được sự sống kỳ diệu của các cháu bé, để được chào tạm biệt các bé khỏe mạnh rời khỏi Trung tâm”, BS Hoa tự hào nói.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 5

Các bé được mát xa hằng ngày.

Cũng giống như BS Hoa, các điều dưỡng tại Trung tâm luôn coi những em bé sinh non như con cái trong gia đình. BS Hoa bảo, nhiều khi trêu các em, nhất là điều dưỡng trẻ, các bé chỉ nặng 500gr, nằm lọt thỏm trong bàn tay mình, nếu không cẩn thận trong các thủ thuật, sẽ rất nguy hiểm. Có cô nào lỡ lời bức xúc nói to, thì chị sẽ mắng nhẹ nhàng “Các cô nói thế, sau này cháu nó lớn lên bắt chước thì rất nguy hiểm”.

Tám năm trong nghề, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang kể cho chúng tôi nghe bằng một giọng đầy nhẹ nhàng, trìu mến về tình yêu thương có thật, không giả tạo của những cô điều dưỡng tại đây: “Nếu không có tình thương như con, như cháu thì không làm được. Công việc này đòi hỏi phải chăm sóc nhẹ nhàng hết mức. Chúng tôi không thể nói, gọi to hay làm công việc ảnh hưởng nặng nề em bé”.

Từ 7 giờ sáng, miệt mài đến 8-9 giờ tối, 12 tiếng đồng hồ liên tục quay vòng với 10 em bé tại Phòng Hồi sức tích cực, các bác sĩ, điều dưỡng tại đây chấp nhận để con cái thiệt thòi. Những đứa trẻ phải đến trường sớm lúc 6 giờ và phải nhờ gia đình đón con. Trong sự hy sinh ấy, họ vẫn thấy lấp lánh niềm hạnh phúc vì những thiên thần nhỏ được gửi gắm niềm tin lớn lao trong vòng tay họ.

Khi được hỏi về sự chai sạn cảm xúc hay không khi hằng ngày tiếp xúc với cả trăm bệnh nhi sinh non, điều dưỡng Trang bộc bạch “Công việc này nếu không có cảm xúc sẽ là người vô hình. Những điều dưỡng mới về đều được chúng tôi nói đầu tiên về tâm lý các em bé, biết cách chăm sóc em bé và cũng là để khơi dậy tình yêu thương cho những bạn mới. Việc truyền cảm xúc đó rất quan trọng để họ nắm bắt công việc, xác đinh là vất vả nhưng đầy tự hào. Khi họ làm một thời gian đặc biệt, họ sẽ có tình cảm”.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 6

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Trang chăm sóc các em bé sinh non.

Tuy nhiên, cảm xúc vỡ òa nhất là khi được đưa con về ghép mẹ, được gặp lại các em từng năm, từng năm khi tái khám, được nhận những món quà nhỏ của gia đình các em bé vào dịp 27-2, được chụp ảnh với các em nhỏ đã lớn lên đầy kỳ diệu bởi bàn tay chăm sóc của các cô. Sự gặp lại bao giờ cũng hồ hởi, nhiều hạnh phúc như những người thân lâu ngày hội ngộ. Ở đó, không có ranh giới của những người mặc áo blouse trắng với các bệnh nhân.

Để nói về thành tích của trung tâm sẽ cần phải một liệt kê khá dài vì những thành tích kỳ diệu mà đội ngũ y, bác sĩ nơi đây cứu sống nhiều ca sinh non đặc biệt. Nhưng vào dịp 20-10 này, ngày của phụ nữ Việt Nam, Tập thể cán bộ nữ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam là một sự ghi nhận với tâm sức, nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ bến của các nữ nhân viên nơi đây trong cuộc trường kỳ cứu sống những em bé sinh non.

Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr ảnh 7

Sau chăm sóc tại phòng Hồi sức tích cực, các bé sinh non được cho về ghép mẹ.

Trung tâm đã cứu sống được nhiều trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân: cân nặng từ 1500 gam đến 2499 gam tỷ lệ sống là 98%, từ 1000 gam đến 1499 gam tỷ lệ sống là 86%, dưới 1000 gam tỷ lệ sống 26% - những sơ sinh có cân nặng 500 - 600 gam được cứu sống là rất thường xuyên.

Năm 2010, Trung tâm đã lập được kỷ lục đầu tiên của Việt Nam về cân nặng thấp nhất, được xếp vào một trong 10 sự kiện y tế lớn năm 2010 là điều trị và nuôi dưỡng thành công một bé gái có cân nặng 500 gam, 25 tuần. Hiện nay, bé đã hơn sáu tuổi, học lớp 1 với cân nặng 24 kg, chiều cao và tinh thần phát triển bình thường.

Năm 2015 lại xác lập kỷ lục về điều trị thành công trẻ sơ sinh có tuổi thai thấp nhất tại Việt Nam là cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm 24 tuần tuổi thai (nặng 500 và 600 gam) được cứu sống. Hai bé hiện nay đã 21 tháng tuổi, phát triển thần kinh và thể chất hoàn toàn bình thường.

Nhiều cặp sinh ba, sinh bốn đẻ non, có cân nặng dưới 1500 gam đều được cứu sống toàn bộ, trong đó có sản phụ 15 tuổi sinh ba bé ở Hà Tĩnh (tuổi vị thành niên). Tất cả các trẻ này sau ra viện phát triển tốt.