Cuộc chiến thắng giặc Covid-19 từ "vòng ngoài" của Việt Nam

NDO -

Tròn một năm qua, những thành công trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 đã mang hình ảnh mới của Việt Nam đến với thế giới, về việc một đất nước dù tiềm lực còn hạn chế, nhưng đã liên tiếp chiến thắng từng trận nhỏ, thích ứng với từng giai đoạn phòng, chống dịch bệnh một cách linh hoạt. Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng y tế tầm cỡ thế kỷ một cách ngoạn mục.

Kiểm soát chặt biên giới, tại các đường mòn, lối mở, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Kiểm soát chặt biên giới, tại các đường mòn, lối mở, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
BIA1-1611370130513.jpg
Cuộc chiến thắng giặc Covid-19 từ
 
Cuộc chiến thắng giặc Covid-19 từ

Đó là chiến thuật “đánh giặc từ vòng ngoài” bằng giám sát chặt người nhập cảnh từ các cửa khẩu biến giới; Chiến thuật “cắt đứt chuỗi lây truyền” bằng truy vết và cách ly tập trung; Kiên trì với chiến thuật “Năm phương châm, bốn nguyên tắc” và gần đây là "chiến dịch 5K”…

Tròn một năm nỗ lực khống chế dịch Covid-19, ngày hôm nay, người dân Việt Nam đang được hưởng một cuộc sống bình thường mới - cuộc sống mà rất nhiều người dân ở những nước có tiềm lực mạnh đang mơ ước.

DỊCH COVID-19 VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRÊN THẾ GIỚI

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước từ khắp các châu lục từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á…. buộc phải duy trì hoặc áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa. 

Một năm trước (23-1-2020), thế giới ghi nhận 846 ca mắc, trong đó có 25 ca tử vong, có bảy nước ghi nhận có ca mắc. Một năm sau, tính đến 6 giờ sáng ngày 23-1-2021 đã có hơn 98,6 triệu người mắc, trong đó có hơn 2,1 triệu người tử vong do Covid-19. Dịch đã lan ra khắp thế giới tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là gần 69 triệu người và còn hơn 25 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó khoảng 112 nghìn trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. 

Làn sóng Covid-19 thứ hai cuối tháng 10-2020 khiến châu Âu chao đảo. Hàng loạt những quốc gia được coi là hình mẫu chống dịch thành công vì đã đánh bại làn sóng Covid-19 thứ nhất như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy… đều đang thực sự “run rẩy” vì làn sóng dịch thứ hai.

Tính đến ngày 21-1, Mỹ đang là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới (với khoảng hơn 24,8 triệu ca mắc, hơn 411,5 nghìn ca tử vong); tiếp theo là Ấn Độ (với gần 10,6 triệu ca mắc, hơn 152,7 nghìn ca tử vong); Brazil (với gần 8,6 triệu ca mắc, hơn 211,5 nghìn ca tử vong).

Cuộc chiến thắng đánh giặc Covid-19 từ
 Mỹ đang là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Tại Đông - Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực (hơn 927 nghìn ca mắc, khoảng 26,5 ca tử vong); Philippines (khoảng 506 nghìn ca mắc, hơn 10 nghìn ca tử vong); Malaysia (hơn 165 nghìn ca mắc, 619 ca tử vong).

Tại châu Âu, các nước đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2. Ngày 17-1, Áo gia hạn lệnh phong tỏa do Covid-19 tới ngày 8-2 với hy vọng giảm tỷ lệ lây nhiễm. Slovakia đã thắt chặt lệnh phong tỏa và gia hạn lệnh này đến ngày 7-2 tới, trong bối cảnh nước này tiến hành chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn kéo dài một tuần nhằm ngăn chặn lây lan dịch.

Chính phủ Anh tối 15-1 đã quyết định siết chặt các biện pháp quản lý biên giới khi yêu cầu mọi hành khách nhập cảnh phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, du khách cũng được yêu cầu tự cách ly ở khách sạn và chịu mọi chi phí, đồng thời xem xét sử dụng công nghệ định vị (GPS) và nhận dạng khuôn mặt để giám sát việc thực hiện cách ly trong vòng 10 ngày.

Ngày 14-1, Pháp đã ra lệnh mở rộng thời gian giới nghiêm toàn quốc đồng thời thắt chặt biên giới. Từ ngày 18-1 tất cả những hành khách đi du lịch đến Pháp từ bên ngoài Liên minh châu Âu sẽ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và tự cách ly trong một tuần khi đến nơi.  

Các chuyên gia lý giải, việc nới lỏng biện pháp hạn chế trên quy mô toàn quốc, cách thức truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh hay phương án cách ly không triệt để, sự lơ là của người dân trong dịp hè, sự gia tăng số người nhiễm bệnh không có triệu chứng,... khiến cho tình hình dịch bùng phát trở lại tại các nước châu Âu với số mắc lên tới cấp số nhân so với đợt bùng phát đầu năm 2020.

Tại khu vực châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với gần 2,4 triệu trường hợp mắc, hơn 24 nghìn trường hợp tử vong. Đến ngày 19-1, Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thêm gần ba triệu dân ở tỉnh Cát Lâm sau khi ghi nhận ổ dịch mới siêu lây nhiễm khi một nhân viên tiếp thị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã gây lây nhiễm sang cho 102 người khác, trong đó đa phần là những người trung niên và cao tuổi. 

daxing_1611150718769-1611369146691.jpg
 Nhân viên bưu điện Đại Hưng, TP Bắc Kinh, Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt trước khi giao hàng. 

Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với gần 920 nghìn5 trường hợp mắc, hơn 26 nghìn ca tử vong, hiện dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ các tỉnh, thành phố của Indonesia. Tiếp theo là Philippines với tổng số hơn 502 nghìn ca nhiễm; đã ra thông báo cấm nhập cảnh lên tới 33 quốc gia.

Malaysia là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với hơn 161.740 ca mắc. Tại Singapore, nước này phát hiện hai ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 17-1, hình thành chùm ca bệnh mới liên quan tới một nhân viên phụ tá trong lực lượng cảnh sát Singapore.

Trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ hai tấn công mạnh trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo châu Âu về làn sóng lây nhiễm thứ ba vào đầu năm 2021. Với tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới hiện nay, châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn để thoát ra được khỏi tình cảnh này. 

VIỆT NAM THÀNH CÔNG TRONG KHỐNG CHẾ DỊCH COVID-19

Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam ngày 23-1-2020 với hai trường hợp cha con người Trung Quốc, đến nay, Việt Nam trải qua hai đợt dịch Covid-19 lớn với 1.549 ca mắc. Trong số này, có 693 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca tử vong là bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. Số người mắc và tử vong do Covid-19 của chúng ta tương đối thấp so với các nước trên thế giới.

Ngay từ những ngày đầu tiên, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, có chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương, có sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và toàn thể nhân dân trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và đã đạt được một số kết quả ban đầu trong việc chiến thắng giặc Covid-19 từ vòng ngoài. 

Cuộc chiến thắng đánh giặc Covid-19 từ
 Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh biên giới.

Đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virrus corona gây ra là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc vào tháng 4-2020; Hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về; Truy vết người tiếp xúc trên diện rộng…

Công tác chống dịch đã có được sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc đáp ứng dịch Covid-19.

Một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam là việc thực hiện kiên trì năm nguyên tắc, bốn phương châm trong chống dịch. Trong đó, việc cách ly tập trung trên diện rộng với thời gian 14 ngày tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam là nỗ lực rất lớn của chúng ta nhằm kiểm soát các nguồn có nguy cơ mắc bệnh.

Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Trong một năm qua, virus SARS-CoV-2 đã có những biến thể mới, trong đó, biến thể từ Anh đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.  

Trước những biến thế mới của chủng virus SARS-CoV-2 có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo thống chủ trương chung là hạn chế tối đa chuyến bay từ nước ngoài về để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập.

Cuộc chiến thắng đánh giặc Covid-19 từ
 Tăng cường ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

Với các chuyến bay giải cứu, các công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly tập trung và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly nghiêm ngặt, với tinh thần cảnh giác cao nhất khi chưa có những nghiên cứu và kết luận cụ thể về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngày 13-1, Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi. Người nhập cảnh từ các vùng đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung. 

Việt Nam đã hoàn thiện cập nhật hệ thống quản lý thông tin về dịch Covid-19 và thông tin về những người nhập cảnh. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và Hàng không để về nước. Hệ thống thông tin đã hoàn thiện và trở thành một vòng giám sát y tế khép kín với người nhập cảnh.  

Ngày hôm nay, người dân Việt Nam đã có được cuộc sống bình thường mới, không có địa bàn nào phải thực hiện giãn cách xã hội. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ 3-9 đến nay là bốn ca. Các ổ dịch được kiểm soát rất tốt, chưa có ca bệnh nào là người khỏe mạnh tử vong, tỷ lệ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất thấp với hai bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, một năm qua, chúng ta đã nỗ lực cố gắng ngăn chặn Covid-19 từ bên ngoài vào. Hiện nay, các địa phương mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thực hiện tốt việc cách ly tập trung. Bộ trưởng hoan nghênh các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng tăng cường quân cho các vùng biên giới để giữ 1.608 chốt, giữ chặt được phên dậu. 

KIÊN TRÌ VỚI CHIẾN LƯỢC NGĂN CHẶN DỊCH TỪ BÊN NGOÀI

Tiếp tục kiên trì với mục tiêu phải bao đê chặt, trước thời điểm Tết nguyên đán gần kề, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ biên phòng đã được điều động để tăng cường thêm cho các chốt bảo vệ đường biên giới. Các chuyến bay quốc tế được hạn chế ở mức tối đa với mục tiêu cao nhất, bảo đảm cho người dân đón Tết an lành.

Cuộc chiến thắng đánh giặc Covid-19 từ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu tiếp tục kiên định với chiến lược chống dịch Covid-19. (Ảnh: VGP) 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh vẫn ghi nhận từ các chuyến bay giải cứu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn, sắp tới Tết âm lịch, nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn, do đó nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 luôn hiện hữu.

Do đó, Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường các biện pháp theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. 

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết là phải ngăn chặn triệt để nguồn bệnh từ nước ngoài vào, kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh. Ngoài lực lượng biên phòng, công an thì toàn dân cần tham gia ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua đường bộ, đường thủy. Các gia đình cần vận đọng người thân ở nước ngoài thực hiện các quy định của nước sở tại, nếu thực sự cần phải về nước thì về qua các cửa khẩu chính thức và thực hiện cách ly theo quy định. 

Ngoài ra, nhân dân trong cả nước khi phát hiện có người có dấu hiệu từ nước ngoài về cần báo với y tế, công an, chính quyền cơ sở, vì nếu chúng ta để lọt mầm bệnh vào cộng đồng rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, xã hội cần luôn ý thức là dịch bệnh đang rình rập. Nếu chúng ta lơi lỏng để dịch bệnh bùng phát, lan rộng thì hệ thống y tế nước ta không thể chịu nổi và toàn bộ nỗ lực phát triển kinh tế sẽ đổ bể. Cần thực hiện rất nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả cơ sở từ y tế trường học đến giao thông, lưu trú, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện rất nghiêm khuyến cáo phòng chống dịch.

Mỗi người dân phải tự đánh giá các biện pháp của mình, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19. Những hệ thống thông tin và thói quen thực hành này không chỉ giúp ta chống Covid-19 lần này, mà về lâu dài sẽ giúp chúng ta đối phó với các dịch bệnh và sự cố an ninh phi truyền thống một cách hiệu quả hơn.

Cuộc chiến thắng đánh giặc Covid-19 từ
 Lực lượng chức năng giữ người nhập cảnh trái phép.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, một trong những thế mạnh trong phòng, chống dịch là chúng ta đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã phát huy vai trò hiệu quả, kiểm soát dịch thành công. Nhiều nước bạn bè quốc tế, kể cả nhiều hãng thông tấn quốc tế đã rất ngạc nhiên và đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam. 

Trong giai đoạn nguy cơ dịch xâm nhập cao nhất giai đoạn hiện nay từ đường mòn, lối mở qua nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Y tế yêu cầu cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tăng cường truy vết để phát hiện các đường dây đưa người Việt Nam từ nước ngoài về trái phép. Các địa phương có đường biên tăng cường hơn công tác phối hợp giữa quân đội, công an, dân phòng và đặc biệt chính quyền cơ sở trong phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, không có trường hợp ngoại lệ, trừ trường hợp ngoại giao đặc biệt phải có sự đồng ý của Bộ Ngoại giao. 

"Chúng tôi mong các địa phương tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo và hướng dẫn cập nhật thường xuyên, bám sát thực tiễn của Bộ Y tế để bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm người dân đón Tết an lành", Bộ trưởng nói. 

THIÊN LAM - HẢI NGÔ

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19