Chặn nguồn lây nhiễm tại TP Hồ Chí Minh

Trước diễn biến mới, rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra những biện pháp quyết liệt, thần tốc nhằm sớm chặn đứng các nguồn lây, khống chế dịch trên địa bàn.

Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại TP Thủ Đức. Ảnh: NGỌC CHÓI
Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại TP Thủ Đức. Ảnh: NGỌC CHÓI

Nhiều ngày liên tiếp, TP Hồ Chí Minh có số ca nhiễm Covid-19 trên 100 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa, qua đó cho thấy, thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đáng lo ngại nhất hiện nay chính là các chuỗi lây nhiễm ở khu công nghiệp và các chợ đầu mối. Những ngày qua, các ca nhiễm ở chợ đầu mối Hóc Môn đã lây cho nhiều người khác ở các chợ truyền thống thông qua việc giao thương. Do vậy, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các quận, huyện có biện pháp quyết liệt hơn nhằm chặn đứng nguồn lây từ chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Huyện Hóc Môn đã tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn từ 0 giờ ngày 28/6 đến 0 giờ ngày 4/7. Theo Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng, tại chợ đầu mối này đã xuất hiện 19 trường hợp mắc Covid-19 và nhiều ca bệnh liên quan các chợ khác. Chợ dừng hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp để Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tiêu độc, khử trùng toàn bộ chợ, xây dựng phương án phòng, chống dịch để áp dụng khi chợ hoạt động trở lại. Trong thời gian này, các tiểu thương giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, không giao nhận trực tiếp tại chợ, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt.

Chặn nguồn lây nhiễm tại TP Hồ Chí Minh -0
Chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng tập kết, giao hàng trực tiếp từ ngày 28/6. Ảnh: THU HỒNG 

Để tăng tốc dập dịch, TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh chiến thuật xét nghiệm, áp dụng mô hình mới điều trị ca nhiễm, lập thêm bệnh viện dã chiến để nâng cao năng lực điều trị cho người bệnh Covid-19. Trong 10 ngày (từ 26/6 đến 5/7) thành phố sẽ xét nghiệm cho năm triệu người ở tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức, kể cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Chị Hồ Thị Trúc Ly, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết: Gia đình chị vừa nhận thông báo đi lấy mẫu xét nghiệm vào chiều 27/6. Khu vực gia đình sinh sống chưa có ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng gia đình chị chấp hành, góp phần xác định được mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng để chính quyền ngăn chặn kịp thời.

Khi số ca nhiễm đã vượt con số 2.000, TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình mới điều trị ca nhiễm. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: mô hình điều trị "tháp ba tầng" được Bộ Y tế triển khai hiệu quả ở Bắc Giang phù hợp thành phố trong tình hình hiện nay. Chính vì thế, thành phố triển khai xây dựng thêm hai bệnh viện dã chiến với công suất 5.000 giường điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng, qua đó giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19.

Trong cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khu vực phía nam về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam cho rằng, nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình TP Hồ Chí Minh "nóng" lên nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy, ngoài số ca lây nhiễm trong khu vực cách ly thì xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm. Điều quan trọng hàng đầu của TP Hồ Chí Minh hiện nay là phải có sự kết nối dữ liệu thông suốt, thống nhất, đầy đủ từ truy vết, đến xét nghiệm, thông tin các ca F0, F1, F2… để đánh giá chính xác, toàn diện đúng mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng quận, huyện, phường; từ đó, tổ chức xét nghiệm đón đầu, tập trung làm sạch những địa bàn trọng điểm.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương hết sức sôi động, TP Hồ Chí Minh không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so các tỉnh khác. Thời điểm này, thành phố phải ưu tiên chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, với hơn 800 nghìn liều. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp,... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thành phố phấn đấu đến cuối năm nay, 70% số người dân được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.