Bất an như vào… bệnh viện

NDO -

NDĐT - Mặc dù bệnh viện thường được xem là nơi an toàn nhất, nhưng thời gian qua, tình trạng mất an ninh tại các bệnh viện lại trở nên báo động. Những vấn đề trên đã được mổ xẻ tại Hội thảo "An ninh bệnh viện - Thực trạng và giải pháp" do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 12-3 tại Hà Nội.

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh gây chấn động dư luận tháng 1-2014. (Ảnh: Vnexpress)
Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh gây chấn động dư luận tháng 1-2014. (Ảnh: Vnexpress)

Báo động tình trạng mất an ninh bệnh viện

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, thời gian qua tình hình mất an ninh bệnh viện trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trên thực tế và qua phương tiện thông tin đại chúng đã ghi nhận nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện lớn, nơi có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông. Tình trạng cò bệnh viện, trộm cắp, móc túi, lừa đảo hoạt động hết sức tinh vi. Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng lật lọng, đe dọa, thậm chí hành hung người bệnh và nhân viên y tế. Có nơi các đối tượng gây mất trật tự an ninh hoạt động theo băng nhóm nên rất hung hãn và trắng trợn; việc hành hung nhân viên y tế của người bệnh và người nhà... góp phần gây mất ổn định an ninh tại các bệnh viện.

GS Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, một trong những tệ nạn xã hội nổi bật ở khu vực BV là nạn trộm cắp tài sản. Bệnh viện đông đúc, nhốn nháo, lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự “mỏng” cộng với tâm trạng lo lắng, mệt mỏi vì bệnh tật của người bệnh và người nhà bệnh nhân là những cơ hội để đạo chích hoành hành. Nạn trộm cắp xảy ra ở BV với nhiều hình thức khác nhau, để trộm cắp tài sản, kẻ gian sử dụng nhiều “quái chiêu” và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để qua mắt lực lượng an ninh và tránh được sự cảnh giác của người dân.

Cũng theo ông, sự bất ổn về an ninh, trật tự trong BV không chỉ bởi nạn trộm cắp tài sản mà còn bởi hiện tượng một số bác sĩ câu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ tắc trách để xảy ra những sơ suất đáng tiếc; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền BV, hành hung bác sĩ. Bác sĩ hoang mang, không yên tâm công tác; người bệnh mất lòng tin ở người thầy thuốc, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả khám và chữa bệnh.

Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng mất an ninh BV hiện nay, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng tại các BV, biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.

Theo GS Đào Văn Dũng, trong việc bảo đảm an ninh bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện vào cuộc chậm. Trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra hàng loạt những vụ mất an ninh, trật tự trong bệnh viện gây chấn động dư luận thì ban lãnh đạo một số bệnh viện mới đề cập tới vấn đề này trong các cuộc họp giao ban để rút kinh nghiệm. Điều này được minh chứng rõ rệt ở những vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh dễ dàng vừa qua.

“Nếu lãnh đạo các bệnh viện thường xuyên có những đợt kiểm tra đột xuất tới các phòng, khoa trong bệnh viện để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bệnh nhân và có những biện pháp giảm áp lực công việc của cán bộ trong viện thì bệnh viện đã giảm được đáng kể những vụ mất an ninh gây hoang mang dư luận. Và nếu như lãnh đạo bệnh viện không xuê xoa, nhẹ tay trong xử lý cán bộ vi phạm thì nạn bác sĩ tiếp tay cho cò mồi lộng hành bệnh viện cũng không còn là vấn đề “nóng” như hiện nay”, ông nói.

Tăng cường hệ thống giám sát

Tại Hội thảo, đại diện của PA 83- Công an TP Hà Nội lo ngại, thực trạng an ninh trật tự tại các cơ sở y tế đã ở mức báo động. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hình thức hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế đang được triển khai, công cuộc xã hội hoá lĩnh vực y tế kéo theo tình trạng thành lập ồ ạt các cơ sở y tế tư nhân… Do vậy nếu không có một lộ trình cụ thể, một hành lang thể chế để có được sự phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa các ban ngành chức năng, tình trạng mất trật tự an ninh tại các cơ sở y tế sẽ còn diễn biến phức tạp, tới mức mất kiểm soát.

Bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới Sở Y tế Hà Nội sẽ sử dụng nguồn kinh phí cấp trên và kinh phí BV để lắp camera quan sát tại một số khu vực hay xảy ra mất an ninh trật tự như khoa Khám bệnh, khoa cấp cứu... Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ tại các cổng ra vào, phối hợp chặt chẽ với còng an trên địa bàn để kịp thời xử lý các trường hợp gây rối trật tự trong BV.

Cũng theo bà Liên, một trong những lý do khiến tình trạng an ninh BV khó kiểm soát là do có sự móc nối giữa nhân viên y tế với "cò bệnh viện", do vây thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc các BV có quy chế riêng về quản lý nhân viên y tế móc nối với "cò bệnh viện" để xử lý nghiêm, đồng thời cải cách khoa khám bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm tình trạng lộn xộn tại các phòng khám.

BS CK II Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất – Đồng Nai cho hay, đứng trước tình hình mất an ninh tại BV, BV đã xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, đồng thời tiến hành giải thể đội bảo vệ của BV. Thay vào đó là hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ các vị trí xung yếu như: các cổng ra vào bệnh viện, phòng cấp cứu và các vị trí nhạy cảm hay xảy ra trộm cắp như nơi đăng ký khám bệnh, cấp thuốc, phòng khám, đóng viện phí, nơi chờ xét nghiệm…Bình quân mỗi ngày có 11 vị trí được bảo vệ nghiêm ngặt và thành lập các tổ tuần tra thường xuyên 24/24 và tiền hành cho đăng ký số lượng thân nhân bệnh nhân ở lại BV trong đêm.

Cũng theo BS Dũng, từ tháng 10-2011, BV đã đầu tư hệ thống camera quan sát tại 110 vị trí ở tất cả các khoa phòng, các vị trí nhạy cảm như: phòng cấp cứu, cổng BV, khu giữ xe, kho tàng, nơi chờ đợi khám bệnh, nơi phát thuốc, nơi nộp viện phí… Hiệu quả mang lại là: đã phát hiện kịp thời và xử lý kịp thời một số vụ móc túi, trộm cắp tài sản, ẩu đả nhau tại phòng cấp cứu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Công ty Công nghệ Hữu Ích nhấn mạnh, đối với các đối tượng trộm cắp tài sản cá nhân, đồ dùng, trang thiết bị BV, BV nên có một hệ thống camera theo dõi kết hợp hệ thống tem từ, cửa từ sẽ giúp giải quyết khá triệt để tệ nạn này. Ví dụ trường hợp bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em hoặc khi ai đó bị móc túi... nếu BV có hệ thống camera giám sát thì có thể nhận dạng và xác định được ngay thủ phạm khi xem lại băng camera tại khu vực đó, thời điểm đó.

Khi có hệ thống camera, cán bộ lãnh đạo cũng như đội ngũ y bác sĩ sẽ dễ dàng quan sát, nắm bắt được tình hình hoạt động của BV… Từ đó lãnh đạo có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, hệ thống này sẽ giúp các y bác sĩ tại khoa kiểm soát bệnh phòng tốt hơn nhiều và đỡ vất vả hơn khi không phải thường xuyên đi lại các bệnh phòng để nắm tình hình bệnh nhân.