Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng

Thu hồi tài sản tham nhũng (THTSTN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bên cạnh phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. “Điểm sáng” trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) những năm gần đây là xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng với phương châm “làm đến cùng”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” có tác dụng răn đe và phòng ngừa hiệu quả, tỷ lệ THTSTN không ngừng được nâng cao.

Các chấp hành viên phối hợp cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành một bản án.
Các chấp hành viên phối hợp cơ quan chức năng cưỡng chế thi hành một bản án.

Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trước năm 2013 trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 32% (riêng các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo năm 2020 thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây).

Tuy nhiên, tài sản tham nhũng (TSTN) bị thu hồi còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. TSTN trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát, truy tìm được hoặc đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa dưới nhiều cách thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân; thông qua hoạt động rửa tiền, tẩu tán tài sản ra nước ngoài...

Để thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại, thất thoát đòi hỏi sự quyết liệt, phối hợp chặt chẽ và triển khai đồng bộ các giải pháp. Vấn đề này được chuyển tải trong tiêu điểm “Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng” của Nhân Dân hằng tháng số tháng 6.