Đi tìm giải pháp

Các nhà quản lý, chuyên gia, luật sư và doanh nhân cùng bàn luận để đưa ra các giải pháp chống ô nhiễm tiếng ồn trong tọa đàm của Nhân Dân hằng tháng.

Đoàn kiểm tra quận Bình Thạnh ( TP. Hồ Chí Minh) tuyên truyền, yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. Ảnh | THÁI PHƯƠNG
Đoàn kiểm tra quận Bình Thạnh ( TP. Hồ Chí Minh) tuyên truyền, yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. Ảnh | THÁI PHƯƠNG

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn từ các đối tượng cụ thể:

Đi tìm giải pháp -0

Có nhiều khó khăn trong quản lý và xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Với đặc điểm "lời nói gió bay" không dễ dàng để cơ quan chức năng thực hiện đo đạc, ghi nhận những vi phạm về tiếng ồn làm căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn được quan tâm sớm ở Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Chính phủ ban hành Nghị định 155 về xử phạt vi phạm quy định hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có riêng một điều quy định chi tiết, cụ thể hơn về chống tiếng ồn, đồng thời để triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo và xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật này và nghị định xử phạt hành chính. Theo đó, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để làm sao xác định các hành vi này cụ thể hơn trong thời gian sắp tới.

Giải pháp trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa quy định về tiếng ồn vào tiêu chí gia đình, khu phố văn hóa. Ngoài các giải pháp từng được áp dụng, các đơn vị cần áp dụng biện pháp giảm thiểu tiếng ồn với từng đối tượng cụ thể. Trong đó, các quán karaoke, vũ trường, quán bar cần có biện pháp cách âm, tiêu âm. Cơ quan quản lý địa phương sẽ nghiệm thu và kiểm soát việc thực hiện các biện pháp này. Bên cạnh đó, cần có quy định về thời gian sử dụng âm thanh trong kinh doanh đối với các nhà hàng, quán ăn có loa âm thanh lớn.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam: Quy định pháp luật phải đủ sức răn đe:

Đi tìm giải pháp -0

Về cơ sở pháp lý, Nghị định 155 quy định việc đo tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng (được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường), nhưng không đề cập đến phương tiện đo đạc khác, đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã, phường được xử phạt hành vi này. Trong khi, tiếng ồn do hát karaoke từ sinh hoạt của người dân phát sinh có thời điểm nhất định nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm; người vi phạm cũng chủ động chấm dứt hành vi vi phạm khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Nghị định 167 quy định mức phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe và chỉ giới hạn việc xử lý vi phạm trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nếu vi phạm ngoài khung giờ thì không thể xử phạt.

Như vậy, hành vi ô nhiễm tiếng ồn đã có các văn bản xử phạt nhưng mỗi văn bản lại có mức định lượng, định tính khác nhau và mức xử phạt khác nhau. Áp dụng văn bản nào để xử phạt là không đơn giản vì có thể gây ra tranh cãi, khiếu nại. Vì vậy, tôi cho rằng cần có một văn bản pháp luật, ít nhất là nghị định của Chính phủ, thống nhất về ngưỡng, phương pháp xác định mức độ ồn, mức chế tài, thẩm quyền xử phạt... mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Trước mắt, để xử lý hành vi ô nhiễm tiếng ồn, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào trình báo của người bị ảnh hưởng và sự kiểm tra trực quan của người có chức trách làm cơ sở xác định hành vi nào thuộc chế tài của Nghị định 167/2013, hành vi nào áp dụng Nghị định 155 (có mức xử phạt cao hơn). Ngoài ra cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn: chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin - Truyền thông, tránh tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang ở mức báo động. Để xử lý được vấn nạn này, tôi cho rằng cần những giải pháp quyết liệt, kịp thời và các quy định pháp luật phải đủ sức răn đe.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty Đất Việt: Sử dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm thiểu tiếng ồn:

Đi tìm giải pháp -0

Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông đang là nguyên nhân lớn tạo ra ô nhiễm âm thanh trong đô thị nhưng ít bị "vạch mặt chỉ tên" và xử lý nghiêm. Lấy thí dụ, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP: cấm bấm còi trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư nhưng trên thực tế đủ các loại xe đã "hồn nhiên" bấm còi vào khung giờ bị cấm mà không bị xử phạt. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) quy định: Âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 dB, nhưng thực tế, có nhiều ô-tô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 dB, gấp 2,5 lần so với bình thường, gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng nhưng ít khi bị xử phạt. Tôi nghĩ đã đến lúc phải xử phạt nghiêm các hành vi sử dụng còi xe sai quy định, mặt khác phải phạt nặng những phương tiện giao thông không bảo đảm các tiêu chuẩn về cách âm như xe máy nẹt pô, xe ô-tô hết hạn đăng kiểm gây ồn từ động cơ...

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng cũng gây tiếng ồn lớn, đặc biệt khi tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh. Nếu mức độ tiếng ồn vượt quá quy chuẩn tiếng ồn cho phép thì tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 17 Nghị định 155/2016. Mức phạt cho lỗi này ít nhất là một triệu đồng, cao nhất tới 140 triệu đồng. Tuy nhiên, rất ít công trình xây dựng bị phạt vì gây ô nhiễm tiếng ồn, chính vì thế mà các nhà thầu vẫn thiếu ý thức trong việc giảm thiểu tiếng ồn.

Là chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng - giao thông, tôi nhận thấy hoàn toàn giảm được tiếng ồn từ các công trình xây dựng bằng sử dụng biện pháp kiểm soát kỹ thuật như thay thế thiết bị hiện có bằng các thiết bị ít tạo tiếng ồn hơn, lắp đặt thêm các vật liệu giảm xóc, giảm âm, dựng rào chắn. Những máy móc, thiết bị mới thường ít gây tiếng ồn so với thiết bị cũ khi vận hành. Đồng thời việc lựa chọn các máy móc, thiết bị ít gây tiếng ồn cũng rất cần thiết, thí dụ như lưỡi cưa giảm tiếng ồn có thể giảm một nửa độ ồn khi cắt các khối gạch. Đối với các thiết bị cũ, có thể gắn thêm các bộ giảm âm hay các vật liệu hấp thụ âm thanh. Việc bảo trì các thiết bị cũ cũng có thể làm giảm mức tiếng ồn tới 50%. Những thiết bị, máy móc tạo nhiều tiếng ồn nên đặt cách xa nơi ở của người dân và nơi có nhiều công nhân làm việc. Nên sử dụng các máy thu tiếng ồn tại các công trường lớn. Áp dụng giải pháp cách âm sử dụng tường chắn bằng các vật liệu triệt âm, phản xạ âm ở ven đường giao thông sát với các khu dân cư như tường cách âm kiểu phổ thông sử dụng vật liệu gỗ, bê-tông dạng thanh nhằm giảm cường độ âm.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Cần có chế tài "phạt nguội" hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn:

Đi tìm giải pháp -0 

Có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn và để giải quyết vấn nạn này phải tổng hợp nhiều giải pháp. Những nguồn gây ra tiếng ồn lớn phải có giải pháp riêng như xử lý tiếng tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, tiếng ồn từ các công trình xây dựng... Với tiếng ồn từ karaoke, loa kéo ở khu dân cư nên tìm giải pháp ở khía cạnh văn hóa, trật tự xã hội, đưa nó vào quy định về nếp sống văn hóa, quy chế hoạt động khu dân cư, hương ước làng xã, thôn, coi đó là một trong những tiêu chí về gia đình văn hóa. Nếu một khu phố có quy ước: không hát karaoke gây ồn sau 22 giờ đêm, tất cả các hộ gia đình đều ký cam kết rõ ràng, tôi tin vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ở khu dẫn cư sẽ giảm nhiều.

Mặt khác, sau khi đã tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương, công an, tổ dân phố cũng nên thiết lập các kênh tương tác với người dân, chủ động tiếp nhận những thông tin phản ánh, thậm chí mở ra cơ chế xem xét "nguội". Cần mở các kênh tiếp nhận phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn từ người dân, ứng dụng công nghệ 4.0 hoàn toàn có thể tiếp nhận thông tin, hình ảnh, video người dân ghi lại nhà này, nhà kia, chỗ này, chỗ kia mở nhạc ầm ĩ trong khu phố, hát quá khuya. Muốn "phạt nguội" được phải sửa luật cho đồng bộ, quy định rõ căn cứ vào những bằng chứng ghi lại, có thể phạt người gây ô nhiễm tiếng ồn, và quy định rõ cơ quan, tổ chức nào được phạt.

Ông Nguyễn Hoàng Tâm, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh: Cần lập quy hoạch khu vực kinh doanh để kiểm soát tiếng ồn:

Đi tìm giải pháp -0 

Với đặc thù nằm ở khu vực trung tâm thành phố, trong đó có khu "phố tây", phường Phạm Ngũ Lão là nơi tập trung rất nhiều nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Do đó, các hoạt động này đã phát sinh tiếng ồn, nhất là vào ban đêm. UBND phường đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không gây âm thanh lớn, không làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Sắp tới, phường cũng sẽ phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận tiến hành sử dụng máy đo tiếng ồn để phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định.

Ở phạm vi rộng, để kiểm soát được tiếng ồn, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố cần lập quy hoạch khu vực kinh doanh theo ngành nghề để tập trung các hàng quán kinh doanh vào một nơi như khu vực ẩm thực, chợ đêm..., từ đó có cơ sở quản lý tập trung cũng như tuyên truyền, vận động tiểu thương, chủ quán, người dân tham gia thực hiện quy định về giữ gìn trật tự ở khu dân cư. Thực tế có nhiều hoạt động hằng ngày gây ra tiếng ồn trong đô thị: từ tiếng còi xe, động cơ của ô-tô cho đến hoạt động kinh doanh ở các quán xá, nhà hàng, karaoke... Do đó, để xử lý tiếng ồn đô thị rất cần vai trò của các đơn vị, sở, ngành chức năng tham gia, cùng vào cuộc với chính quyền địa phương thì hiệu quả xử lý mới chặt chẽ, căn cơ.