Chỉ sực tỉnh khi quyền lợi bị vi phạm

“Tôi từng tham gia giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho doanh nghiệp. Đó là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dầu khí ký thỏa thuận hợp tác với công ty nước ngoài, trong đó có điều khoản đối tác được sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù thỏa thuận hợp tác không thành, nhưng đối tác vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu đó trong hoạt động kinh doanh để thu lợi, vì thỏa thuận không có quy định về chấm dứt hiệu lực của thương hiệu khi thỏa thuận hợp tác chấm dứt”.

Lực lượng chức năng Gia Lai tiến hành tiêu hủy hàng giả, nhái. Ảnh | Hà Ðinh
Lực lượng chức năng Gia Lai tiến hành tiêu hủy hàng giả, nhái. Ảnh | Hà Ðinh

Chia sẻ của luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn đã thêm thí dụ chứng minh, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ quyền SHTT còn đang lỏng lẻo, hời hợt...

Người dân và doanh nghiệp cùng lơ mơ

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu, việc kiểm soát giao thương trên các cửa khẩu đường bộ của Việt Nam cũng siết chặt hơn để phù hợp với mục tiêu phòng, chống dịch. Các diễn đàn trên mạng xã hội đã có những thảo luận mang đầy tính châm biếm:“Chỉ vì đóng biên nên hàng đi air khó về”. Một lượng đáng kể các sản phẩm tiêu dùng, xa xỉ... được giới thiệu chào mời trên các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... là hàng xách tay auth (authentic: chính hãng) xịn xò, thường được hiểu vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không, thực ra là hàng nhái nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp, hàng giả mạo nhãn hiệu quốc tế về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Người bán biết mình sai đã đành, người mua đôi khi thầm hiểu nhưng vẫn đồng lõa vì sính hàng hiệu (dù biết thừa hàng giả), vì giá rẻ, vì bán mua thuận tiện...

Suốt một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, nước uống tinh khiết có đăng ký nhãn hiệu hợp pháp đã cấp tập kêu cứu vì bị xâm phạm trắng trợn. Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên vào cuộc kiểm tra, xử lý, nhưng cả trăm loại nước uống vẫn mặc nhiên tồn tại trên thị trường có tem mác na ná các nhãn hiệu Lavie, Aquafina... đã được bảo hộ. Lý giải về điều này, luật sư Lê Thành Kính cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức đúng và đủ về quyền SHTT cũng như tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi” quốc tế dẫn tới các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp đang có chiều hướng phổ biến. Hiện tượng xử lý các đối tượng vi phạm SHTT không nghiêm từ các cơ quan nhà nước gây “nhờn ”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”.

“Tài sản trí tuệ là các thành quả do trí tuệ con người tạo ra gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật, các sáng tạo khoa học kỹ thuật và các giống cây trồng mới. Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Bảo hộ quyền SHTT là việc Nhà nước, thông qua hệ thống luật pháp và các cơ quan có thẩm quyền, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân đã tạo ra hoặc nắm giữ tài sản trí tuệ đó và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền đó được thực thi, chống lại mọi sự xâm phạm của người khác”, PGS,TS Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhấn mạnh. Luật sư Lê Thành Kính phân tích, trong quá trình thực thi, Luật SHTT cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập khi chưa tương thích để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa mới ký kết như CPTPP hay EVFTA và những hiệp định, cam kết đã ký trước đây như Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, cam kết WTO”. Ông dẫn chứng: “Đơn cử trước đây chúng ta có thể “chia sẻ thoải mái” với bạn bè một bài hát tưởng như là hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Theo các cam kết mới, hiện nay việc chia sẻ các tác phẩm trên internet là hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm khi chưa được sự cho phép của tác giả”.

Được vạ thì má đã sưng?

Nhận thức đơn giản, chưa coi trọng việc bảo hộ quyền SHTT không chỉ diễn ra với người dân, người tiêu dùng, với các doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước cũng mang tư tưởng này. Nhiều vụ xâm phạm bảo hộ quyền SHTT đã xảy ra mà nạn nhân là các doanh nghiệp tên tuổi của Việt Nam trong thực thi các thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp quốc tế. “Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp về SHTT là không nhận thức được việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT là cần thiết, chỉ khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm thì mới thực hiện đăng ký, vì vậy việc bảo vệ và chứng minh cho quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm tại các cơ quan tài phán không đơn giản một chút nào”- luật sư Kính cho hay.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Xu thế tất yếu đó đang ẩn chứa nhiều rủi ro nếu không nắm rõ luật. Theo bà Đỗ Thu Trang, Công ty TNHH Luật Tewlaw, hiện nay, có một thực tế đáng báo động là nhận thức của cộng đồng về quyền SHTT khi tham gia giao dịch thương mại điện tử còn hạn chế. Vụ tranh chấp tên miền của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên năm 2000 với Công ty Rice Field như một lời cảnh báo sớm, khi tốn khá nhiều thời gian, công phu lẫn tiền bạc mới lấy lại được tên và đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vụ tranh chấp pháp lý đình đám này có khiến nhiều doanh nghiệp “thức tỉnh” để có cách nhìn nhận đúng đắn về vai trò của bảo hộ quyền SHTT trong thương mại điện tử hay chưa? Thực tế đang trả lời là chưa.

Nguyên do là, nhiều dự án khởi nghiệp khối lượng công việc lớn, trong khi vốn ít, nhân lực ít, tay ngang chuyển sang làm pháp lý là phổ biến. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý thường được xếp sau các mục tiêu khác như nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường... Sự xem nhẹ đó đã khiến rất nhiều doanh nghiệp lao đao vì khi có chút danh thì thương hiệu bị “đạo”, sản phẩm bị làm nhái. Lắm khi doanh nghiệp chưa kịp lớn đã vướng vào thủ tục kiện tụng, tiêu tốn thời gian, tiền của. Hoạt động gần 20 năm trong lĩnh vực pháp chế, chứng kiến đủ cung bậc cảm xúc với khách hàng, bà Đỗ Thu Trang luôn nhấn mạnh, doanh nghiệp nên có phản xạ bảo vệ những gì là của mình, do mình làm ra, bằng việc đăng ký quyền bảo hộ tài sản trí tuệ, tránh tình trạng “được vạ má sưng”.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế về tất cả mọi mặt, bởi vậy các doanh nghiệp cần nhận thức một cách đầy đủ và rõ ràng là các tranh chấp liên quan đến SHTT sẽ không thể tránh khỏi, và là thông lệ trong ứng xử nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước bất kỳ sự vi phạm pháp luật nào liên quan đến các đối tượng SHTT đã được đăng ký và bảo hộ, luật sư Lê Thành Kính cho biết.

Tại Hội nghị SHTT năm 2021 do UBND tỉnh Lâm Đồng và Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tại Đà Lạt cuối tháng 4 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục SHTT Nguyễn Văn Bảy cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 350.237 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ thể Việt Nam, bao gồm 325.345 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia (chiếm 92,87%), 16.083 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (chiếm 4,6%), 5.725 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 1,63%) và 2.994 đơn giải pháp hữu ích (chiếm 0,85%). Riêng trong năm 2020, Cục đã tiếp nhận hơn 125 nghìn đơn các loại và đã xử lý được hơn 113 nghìn đơn. Điều đáng tiếc là, trong đó chỉ có 287 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam, chứng tỏ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất khẩu chưa được đánh giá đúng mức, sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra tranh chấp... Khi đã có tranh chấp hoặc các nhãn hiệu được bảo hộ bị xâm phạm, khởi kiện ra tòa án hoặc tòa trọng tài là giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp cũng như các cá nhân, tổ chức. Luật sư Lê Thành Kính  lạc quan: “Trong dự thảo Luật SHTT lần này đã chú trọng vào ba đối tượng chính của quyền SHTT phù hợp với sự phát triển cơ cấu các ngành kinh tế có thế mạnh của Việt Nam (gia công, chế biến và xuất khẩu hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp): Sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cạnh tranh không lành mạnh, thiết kế bố trí mạch tích hợp); quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với giống cây trồng... Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có đồng lòng trang bị đầy đủ phao cứu sinh trước lúc ra biển lớn?