Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép"

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "kép" của Chính phủ đề ra: Tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả chương trình hồi phục kinh tế ở các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Người dân mua thực phẩm sạch tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Người dân mua thực phẩm sạch tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, thành phố là một trong những địa phương của nước ta chịu tác động nặng nhất của đại dịch Covid-19 nên kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Nhờ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sự đồng lòng, chung sức của người dân nên thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng khoảng 1,39% so với năm 2019, trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 0,43%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 2,17%. Riêng khu vực dịch vụ, bảy trong số chín ngành chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2019 như y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; giáo dục - đào tạo; thông tin - truyền thông; khoa học - công nghệ; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm…

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN trong năm 2020 ước đạt 44,2 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó, mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 44% tổng kim ngạch, tăng 21,4%. Khu Công nghệ cao tiếp tục đóng góp quan trọng với giá trị sản xuất sản phẩm năm 2020 đạt khoảng 20,69 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2019 và tăng 3,45% so với kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 20,15% so với năm 2019. Trong năm, thành phố có 40 nghìn DN được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn một triệu tỷ đồng. Việc thu ngân sách có nhiều nỗ lực. Tổng số thu ước là 352 nghìn tỷ đồng, đạt 86,74% dự toán; trong đó, thu nội địa ước được 238 nghìn tỷ đồng, đạt 85,42% dự toán.

Năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề: "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". Thành phố đề ra nhiều mục tiêu, như: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "kép" của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế ở các ngành, lĩnh vực; huy động mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới - sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị. Chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc. Thành phố đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 6%, giá trị các ngành dịch vụ chiếm hơn 60% GRDP, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm, tạo việc làm mới cho 140 nghìn lao động; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố, phấn đấu đạt tỷ lệ 20,2 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân…

Ðể đạt được các chỉ tiêu trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định chín nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động đổi mới - sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, thành lập TP Thủ Ðức. Chủ động mời gọi, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc Ðề án xây dựng thành phố thông minh và Ðề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố; các dự án hạ tầng giao thông, chống ngập nước, xử lý nước thải... Ðẩy mạnh thực hiện chương trình CCHC và nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức phục vụ của chính quyền các cấp...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, trong năm 2021, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát huy hiệu quả các hội đồng ngành kinh tế (Nhà nước, nhà trường và DN) để tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao; triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới - sáng tạo. Ðẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các DN trong nước. Phát triển thương mại điện tử trên thiết bị di động; phát triển nhanh loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh bằng nhiều giải pháp, như: Xác định rõ và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa của Tổ công tác đầu tư trong giải quyết vướng mắc cho DN. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chỉ số CCHC, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu, ngay từ đầu năm 2021, UBND thành phố phải ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề năm, tập trung triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm triển khai hiệu lực và hiệu quả công việc. Khẩn trương xây dựng gói hỗ trợ DN để trình HÐND thành phố cho ý kiến, nhằm giúp các DN duy trì và hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với các tổ chức, DN định kỳ hằng quý để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lấy DN làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo CCHC.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh, công tác cải thiện môi trường đầu tư cần đạt được năm yêu cầu gắn với từ "có": Thời hạn giải quyết; người chịu trách nhiệm; sự tham gia của DN trong xây dựng quy trình và đánh giá thực hiện quy trình quản lý; sự giám sát MTTQ, HÐND; chế tài xử lý và khen thưởng.