Tiền đề quan trọng cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Lâu nay khái niệm “tham nhũng chính sách” đã được nhìn nhận và mổ xẻ khá nhiều. Nhưng sự thất thoát ngay từ khâu quyết định chủ trương, xây dựng chính sách cũng nghiêm trọng không kém - như kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã chỉ ra.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) là một thí dụ điển hình cho việc nguồn lực bị lãng phí.
Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) là một thí dụ điển hình cho việc nguồn lực bị lãng phí.

"Lát cắt" ngành Xây dựng

Sau hàng loạt cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ, ngành và địa phương, tuy vẫn còn thiếu một số mảnh ghép, nhưng bức tranh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã dần rõ nét hơn. Mặc dù vậy, theo ý kiến các thành viên đoàn giám sát, những con số tiền tỷ đã tiết kiệm được (hoặc bị lãng phí), tuy đã rất ấn tượng, nhưng đừng quên vẫn còn đó "phần chìm của tảng băng". Đó là sự thất thoát ngay từ khâu quyết định chủ trương, xây dựng chính sách.

Tại phiên làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Xây dựng mới đây, đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ trăn trở về các dự án ký túc xá sinh viên. Đại biểu nêu, theo Báo cáo của chính Bộ Xây dựng, đến nay còn 8/95 dự án mới hoàn thành một phần, hoặc dừng thi công. Tuy Bộ chưa nêu danh mục dự án cụ thể, chủ đầu tư, ngân sách nhà nước là bao nhiêu, nhưng một số dự án đã được các cơ quan thông tấn báo chí "điểm danh" nhiều lần, như Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (Sở Xây dựng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư). Dự án này còn nhiều công trình hạng mục chưa hoàn thành, tỷ lệ sinh viên vào ở rất thấp, là một thí dụ điển hình cho việc gây lãng phí nguồn lực. Tương tự với việc quản lý, khai thác, sử dụng khu tái định cư. Đại biểu Cao Thị Xuân bày tỏ bức xúc về hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... "Bộ cần làm rõ trong số hơn 43.000 căn nhà tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng có bao nhiêu căn nhà bỏ hoang hóa, nguyên nhân của tình trạng này?", nữ đại biểu yêu cầu thẳng thắn. Đó là chưa kể, báo cáo của Bộ Xây dựng mới tổng hợp số liệu của 40 tỉnh, nếu bổ sung đầy đủ số liệu của 23 tỉnh, thành phố còn lại thì con số chắc chắn còn lớn hơn.

Một công cụ kiểm soát lãng phí khác ngay từ "đầu nguồn" là việc xây dựng và quản lý các định mức, tiêu chuẩn. Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng do Bộ công bố, đã loại bỏ khoảng 2.000 định mức lạc hậu, không còn phù hợp, sửa đổi khoảng 6.500 định mức, bổ sung 1.500 định mức sử dụng vật liệu, công nghệ, biện pháp thi công mới. Về rà soát giá xây dựng, đã hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; hoàn thiện việc rà soát 344/344 định mức dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị và ban hành 279 định mức trong năm 2021…

Tuy vậy, theo nhận định của Đoàn giám sát, Bộ Xây dựng vẫn còn chậm trong việc rà soát theo định kỳ, cập nhật, bổ sung các định mức mới, điều chỉnh các định mức không phù hợp.

Không phải bộ, ngành nào cũng có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức… như Bộ Xây dựng, nhưng thử hình dung, với hàng chục nghìn quy chuẩn như thế, chỉ cần một chút sai lệch hay một thời gian ngắn chậm điều chỉnh, kết quả đã lớn đến thế nào.

Ðánh giá tác động chính sách: đừng làm cho có

Hiển nhiên là để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách, cần có được những chính sách tốt, khả thi. Muốn vậy, rất nhiều việc phải làm đồng bộ từ cơ quan soạn thảo cho đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra. Một vị Bộ trưởng kỳ cựu có lần "than thở" rằng, ông đã không bảo vệ được quan điểm của Bộ mình từ lần dự thảo Luật nhiệm kỳ trước, nên đến nhiệm kỳ sau, chính ông lại phải trình sửa đổi, bổ sung, sau những vướng mắc "phát lộ" trong quá trình thực thi.

Đánh giá tác động là yêu cầu bắt buộc phải làm khi xây dựng chính sách, nhưng trên thực tế, sản phẩm của hoạt động đánh giá tác động của chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Bộ Tư pháp chỉ rõ, có rất ít báo cáo đánh giá tác động thực hiện phương pháp định lượng đối với các giải pháp; phần lớn đề nghị xây dựng luật chưa có số liệu tính toán để giải trình về việc tăng ngân sách nhà nước và các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện các giải pháp này, làm hạn chế đến tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách. Các văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể quy trình thực hiện đánh giá. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động chính sách chính là giải pháp hữu hiệu nhất đề phòng sự xuất hiện của những chính sách tồi, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Tiếp đến, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chính sách là nhiệm vụ thuộc loại "biết rồi", nhưng vẫn phải "nói mãi".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhận định, nếu vẫn còn tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư như hiện nay thì lãng phí là điều trông thấy trước. Làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai việc cấp phép thông qua đấu giá băng tần thông tin di động có giá trị thương mại cao - vốn được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện (có hiệu lực từ năm 2010). Tuy nhiên, do thiếu các văn bản hướng dẫn, do sự xung đột với pháp luật khác nên mãi đến ngày 30/3/2021, Thủ tướng mới ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền internet và ngày 1/10/2021, Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần mới được Chính phủ ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Những nội dung và giải pháp nêu trên cần được xem xét thấu đáo. Bởi đây là những tiền đề hết sức quan trọng nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - một công việc phải làm thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, nhất là đối với một đất nước đang phát triển và còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn như Việt Nam.