Năm 2015 khá “được mùa” các chương trình được xem là “nghệ thuật đỉnh cao” từ thế giới đến Việt Nam. Về âm nhạc, có sự góp mặt của ban nhạc huyền thoại Michael Learns to Rock của Đan Mạch trở lại Hà Nội sau 18 năm; "Ông hoàng pi-a-nô" R.Clây-đơ-man (Pháp); ca sĩ nổi tiếng P.Bri-xôn và nghệ sĩ kèn sắc-xô-phôn Ken-ni G. (Mỹ)... và đặc biệt là Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Festival) với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới bên cạnh các nghệ sĩ Việt Nam. Lĩnh vực sân khấu cũng khá sôi động mà địa chỉ hàng đầu là Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam với vở kịch Tất cả đều là con tôi, một trong “100 kiệt tác sân khấu thế giới” của nhà viết kịch lừng danh A-thơ Mi-lơ, được đạo diễn Nây Xi-mân (Mỹ) dàn dựng đã biểu diễn rất thành công tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc. Nhà hát Kịch Việt Nam mời đạo diễn, nhà viết kịch Xin-ga-po Chua Soo Pong sang dựng vở kịch từng biểu diễn thành công tại nhiều nước trên thế giới với đề tài dân gian có tên Đám cưới con gái chuột phục vụ khán giả trẻ. Một chương trình tầm cỡ là vở nhạc kịch kinh điển Hồ Thiên nga của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Trai-cốp-xki do Nhà hát Talarium et Lux với vũ đoàn ba-lê hàng đầu thế giới trình diễn mang một màu sắc mới khi kết hợp công nghệ 3D, đem đến cho khán giả Thủ đô những ấn tượng đặc biệt. Trong lĩnh vực văn học, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ ba và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai quy tụ hơn 150 nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu đến từ 40 nước trên thế giới. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU, 20 năm quan hệ Việt - Mỹ; Tuần phim I-ta-li-a; Lễ hội văn hóa Nga; Những ngày văn hóa Nhật Bản; Cuộc thi tài năng xiếc trẻ ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia…
Năm 2016, dự kiến tiếp tục nhiều chương trình lớn trên thế giới sẽ đến với khán giả Việt Nam. Gần nhất, vào cuối tháng tư, Festival Huế 2016 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân -Thừa Thiên - Huế” có sự góp mặt của khoảng 20 đoàn nghệ thuật đến từ các nước ở cả năm châu lục với nhiều ca sĩ, ban nhạc tên tuổi; được tổ chức có quy mô quốc gia và quốc tế, kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có tính cộng đồng, mới lạ, hấp dẫn. Bắt đầu từ tháng tư, phiên bản Đức - Việt vở kịch thiếu nhi Ông lão đánh cá và con cá vàng do Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Gớt Hà Nội phối hợp Nhà hát Các thế hệ trẻ Đrét-xđen (Đức) dàn dựng sẽ được biểu diễn. Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ ba (được tổ chức định kỳ ba năm một lần) của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vào dịp cuối năm quy tụ những vở diễn mang tính thử nghiệm tiêu biểu của các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Việt Nam và quốc tế; tạo cơ hội cho sân khấu và nghệ sĩ nước nhà giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận sự phát triển của sân khấu thế giới; có được những tác phẩm thử nghiệm mới mẻ để thúc đẩy sân khấu phát triển và cải thiện tình hình công chúng hiện nay. Năm nay là năm thứ ba được tổ chức, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa của Tổng đạo diễn, nhạc sĩ tài hoa Quốc Trung có lẽ vẫn là một “sân chơi” hoành tráng với những gương mặt ca sĩ và ban nhạc thế giới nổi tiếng, thu hút đông đảo khán giả trẻ. Nhiều hoạt động thường niên do EUNIC (Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán châu Âu tại Hà Nội) phối hợp các đơn vị tổ chức hứa hẹn những “đại tiệc” đặc sắc. Đó là LHP châu Âu, một sự kiện thường niên đáng mong đợi, giới thiệu sự da dạng lôi cuốn và truyền thống điện ảnh phong phú của châu Âu với các thể loại phim. Liên hoan Âm nhạc châu Âu đã khẳng định thương hiệu suốt gần 15 năm qua và ngày càng thu hút đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là lớp trẻ hy vọng lại bùng cháy. Liên hoan Múa đương đại Sự gặp gỡ Á - Âu lần thứ sáu với những tên tuổi nghệ sĩ và tác phẩm đỉnh cao thế giới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ giới truyền thông và đông đảo công chúng. LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ tám góp phần thúc đẩy đối thoại điện ảnh tài liệu giữa Việt Nam và các nước châu Âu, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khán giả Việt Nam khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau.
Đến hẹn lại lên, sau LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba năm 2014 thu hút hơn 400 phim từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, LHP lần thứ tư vào dịp cuối năm sẽ là cuộc hội ngộ của các nhà làm phim và ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới và trong nước. Vào dịp kỷ niệm 400 năm Ngày sinh đại văn hào Sếch-xpia với quy mô lớn toàn cầu năm nay, có nhiều hoạt động quốc tế đến Việt Nam như chiếu phim, triển lãm trưng bày, hội thảo văn học… Trong Ngày Thơ Việt Nam đầu năm mới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phối hợp UNESCO mời những nhà văn tên tuổi quốc tế tham gia. Một sự kiện văn học đáng chú ý là cuộc họp các nhà lãnh đạo Giải thưởng Văn học sông Mê Công (gồm sáu nước, trong đó Việt Nam là nước sáng lập) được tổ chức nhằm tổng kết 5 năm với năm kỳ giải thưởng; rút kinh nghiệm và đưa ra phương hướng phát triển sáng tác văn học về tình hữu nghị của các nước chung dòng Mê Công; tăng cường hợp tác, gắn bó trong bối cảnh thành lập Cộng đồng ASEAN…
Trong tiến trình mở cửa và hội nhập, sự xuất hiện ngày càng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật trên thế giới vào Việt Nam đã góp thêm những làn gió mới mẻ, hiện đại có tác dụng thúc đẩy phát triển sáng tạo. Việc hợp tác với các chuyên gia có kinh nghiệm, nổi tiếng quốc tế giúp nghệ sĩ trong nước nâng cao trình độ; phát huy được thế mạnh, đặc trưng nghệ thuật truyền thống và học hỏi những phong cách nghệ thuật mới để tự vận động, đổi mới cho phù hợp thị hiếu của khán giả hôm nay. Đây cũng là con đường tiếp cận các tác phẩm đỉnh cao của thế giới, tìm nguồn tài trợ từ hợp tác đối ngoại để cùng sáng tạo. Có thể thấy, chủ động, tích cực “đón gió” hội nhập đã mang lại những khởi sắc nhiều hứa hẹn cho đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.