Thực trạng nguồn nhân lực và bài toán ly nông bất ly hương

Làn sóng hồi hương của hàng triệu người ở TP Hồ Chí Minh và các đô thị phía nam giữa đại dịch đã để lại nhiều hệ lụy lớn về kinh tế và xã hội, đồng thời đặt ra một vấn đề nóng: làm thế nào để tìm sinh kế cho những người lao động trở về, làm thế nào để ly nông bất ly hương? Đó là một bài toán mà lời giải phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực, quy hoạch, cơ cấu nền kinh tế...

Lao động nông nghiệp cũng cần được đào tạo.
Lao động nông nghiệp cũng cần được đào tạo.

Những nghịch lý của nguồn nhân lực

Cách đây chừng ba tháng, tôi gặp vợ chồng Lý A Chẩu trên một con ngõ nhỏ của Hà Nội dọc đường Nguyễn Trãi, họ trải áo mưa cho đứa con nhỏ nằm ngủ. Gia đình bé mọn này đã vượt 2.000 km từ TP Hồ Chí Minh về đây và chặng đường phía trước vẫn còn xa vì nhà họ ở mãi huyện vùng cao Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gia đình Chẩu chỉ là một trong rất nhiều người tìm mọi cách rời khỏi các đô thị phía nam. Vì mưu sinh, những lao động như Chẩu phải ly hương, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến họ thất nghiệp, buộc phải tìm đường về quê. Điều này dẫn tới một cuộc hồi hương lịch sử khi hàng triệu người đã đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ, vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số về quê.

Nhưng khi về quê, Chẩu lại đối diện với một thực tế khắc nghiệt khác: không công ăn việc làm, không tiền tích lũy, thậm chí không còn ruộng đất. Những nông dân như Chẩu lâm vào tình thế tít mù rồi lại vòng quanh. Câu chuyện làm thế nào để người lao động ly nông bất ly hương, có sinh kế bền vững, cuộc sống no đủ ngay trên quê nhà của mình trở nên nóng và được bàn luận nhiều trong kỳ họp Quốc hội mới đây. Cuộc hồi hương chưa từng có của hàng triệu lao động giữa đại dịch đã phơi bày nhiều vấn đề bất cập về cơ cấu lao động, chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch nền kinh tế...

Thực trạng này có liên quan đến con số mà Tổng cục Thống kê công bố: Từ tháng 7 đến giữa tháng 9 vừa qua, có tới 1.3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê. Có thể thấy trong số 1.3 triệu người hồi hương đó, hầu hết đều làm việc trong những lĩnh vực thâm dụng lao động giá rẻ, hoặc lao động thời vụ trình độ thấp, khi xảy ra những biến cố như giãn cách xã hội, họ không thể thích ứng nên chỉ còn con đường về quê. Nhưng về quê nếu không “ly nông” thì họ sẽ làm gì?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn khái quát về bức tranh cơ cấu lao động trên cả nước hiện nay.

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Hiện nay, 65% lực lượng lao động nước ta có đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. Cơ cấu lao động là: Đại học: 1%, cao đẳng 0,35%, trung cấp 0,38%, công nhân kỹ thuật chỉ có 1,35%. Không có nước nào có cơ cấu đào tạo như vậy. Chúng ta đang có một mô hình đào tạo hình đáy rất to (là sinh viên có trình độ cao) nhưng bị thắt ở giữa, nghĩa là chúng ta thiếu công nhân kỹ thuật và kỹ sư thực hành. Trong khi đó, mô hình lý tưởng của các nước có nguồn nhân lực tốt là mô hình củ khoai tây, là lực lượng công nhân kỹ thuật, những người lành nghề phải nhiều hơn.

Có thể nói Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp.

Xét theo ngành kinh tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi thu hút đến hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ lao động có bằng cấp chỉ chiếm 6% trong tổng số lao động có bằng cấp cả nước (tương đương khoảng 4,2% số lao động trong lĩnh vực này). Lao động có bằng cấp tập trung nhiều nhất ở khu vực dịch vụ (hơn 70%), trong khi số lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm 34%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trong ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% tổng số lao động có bằng cấp, chứng chỉ trong nền kinh tế.

Điều này cho thấy sự mất cân đối khá lớn về tỷ lệ lao động theo bằng cấp giữa các ngành kinh tế. Với tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật quá thấp trong khu vực nông nghiệp đã và đang đặt ra thách thức lớn trong nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh của ngành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra trên diện rộng.

Nhìn chung, cơ cấu lao động theo bằng cấp của Việt Nam vừa bất hợp lý, đi ngược lại với cơ cấu lao động chuẩn, lại vừa có sự khác biệt lớn giữa các vùng, các ngành trong nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao phân bố không hợp lý với hơn 92% số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; trong khi đó tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ tỷ lệ này chưa tới 1%.

Đó là chưa kể, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp.

Nước ta đang có gần 20 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% năng suất lao động các ngành dịch vụ. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến.

Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp sang các ngành phi nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tác động tăng cao năng suất nội ngành. Nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm tới 37,7% lao động của cả nước nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 14,7% GDP. Với năng suất lao động thấp như vậy, dù có “ly nông” thì người lao động cũng không thể tạo ra nguồn thu nhập cao hơn đáng kể so với công việc chân lấm tay bùn.

“Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”

Nhưng thực tế ở nhiều vùng quê, ly nông bất ly hương là điều khó khăn khi mà người nông dân không có nhiều lựa chọn để chuyển đổi. Ở xóm Quang Trung, xã Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) vào thời điểm nông nhàn, nhìn quanh làng xóm hầu như chỉ có người già và trẻ em, thanh niên đã bỏ xứ làm ăn xa đơn giản bởi vì nếu ở lại họ không tìm ra việc gì làm để có thu nhập mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng. Ông Dương Văn Trí nhìn ra cánh đồng cỏ úa, giọng buồn bã: “Đất ở đây chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, nghề nông chỉ lấy công làm lãi, như đánh bạc với ông trời, không đủ ăn. Nghề phụ chẳng có gì ngoài bắt dam (cua), dam bắt mãi rồi cũng hết. Tính ra một ngày công ở đây chưa mua được một gói mì tôm”. Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch huyện Yên Thành khi đó tâm sự: “Theo tôi những cuộc ra đi của nông dân có chung một công thức: Thiên nhiên khắc nghiệt + thiếu việc làm + đói nghèo = ly hương”.

Thực trạng nguồn nhân lực và bài toán ly nông bất ly hương -0
Phần lớn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn là lao động giản đơn. 

Ở xã Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh) tình hình còn u ám hơn. Nhiều người dân ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này đã thật sự ly hương khi họ chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên, miền nam vì khó sống quá. Chỉ còn lại những nền nhà cũ, và giếng hoang ở xóm 5, xã Phúc Đồng, dấu vết của cuộc ly hương một đi không trở lại.

Ông Đặng Thi, xóm trưởng xóm 5, xã Phúc Đồng ngậm ngùi: “Trước đây xóm có 92 hộ, bây giờ chỉ còn 51 hộ nhưng toàn người già và trẻ em. Nhiều gia đình đã chuyển vô nam vì trong kia làm ăn thuận lợi hơn, ở đây đất bán sơn địa, ruộng ít, lại lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên, trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp, nhà máy nào, cơ hội việc làm ít ỏi nên buộc họ phải rời đi”.

Lý A Chẩu sau hành trình hơn 2.000 km về quê Mường Tè cũng sẽ đối diện với những ngọn núi cao chót vót quanh nhà. Nương rẫy đầy đá sỏi, quần quật quanh năm may ra cũng chỉ đủ ăn. Để nuôi trồng quy mô lớn áp dụng khoa học, công nghệ là điều quá xa vời với Chẩu khi không có kỹ năng lẫn vốn. Mường Tè – huyện biên giới vùng cao nghèo nhất nước dù giao thông đã thuận lợi hơn nhưng con đường để thu hút những nhà đầu tư đến đây mở khu công nghiệp, nhà máy vẫn còn rất xa vời. Vợ chồng Lý A Chẩu và rất nhiều lao động khác đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”.

Ông Phạm Xuân Đại, cán bộ nghiên cứu phòng nông thôn, Viện Xã hội học Việt Nam sau nhiều năm tìm hiểu về những cuộc ly hương của nông dân đã nhận định: “Nông dân ra đi vì lực hút lớn thì sẽ rất hiệu quả. Nhưng phần lớn nông dân rời khỏi làng quê bây giờ vì lực đẩy mạnh. Lực đẩy ở đây chính là sức ép dân số, sức ép của thu nhập, nhu cầu giải tỏa”.

Giải bài toán nhân lực và những mô hình ly nông bất ly hương

Để người nông dân ly nông bất ly hương cần một giải pháp tổng thể, nhưng theo nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, trước hết vẫn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và thay đổi cơ cấu lao động đang có nhiều bất cập.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định: “Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Đặc biệt, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cần phải được đẩy mạnh. Lao động trong các lĩnh vực này đang trong tình trạng chưa qua đào tạo, “lượng nhiều chất ít”, năng suất lao động đang rất thấp. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ. Đặc biệt, ở những vùng miền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các xu hướng tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi bản chất của công việc. Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo trong 5 năm tới sẽ có khoảng 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động của chúng ta khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi mà kỹ năng lao động không được nâng lên. Chính vì vậy Việt Nam đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 30 đến 35% lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030 phấn đấu là 40% đến 45%. Nếu những lao động được đào tạo kỹ năng mới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì họ hoàn toàn có thể ly nông bất ly hương, làm giàu được ngay trên mảnh đất của mình.

Làn sóng hồi hương từ các đô thị lớn về quê của hàng triệu lao động giữa đại dịch cũng đã chỉ ra những bất cập trong quy hoạch và phân bố công nghiệp và nguồn nhân lực. Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giải pháp cho những bất cập này cũng sẽ mang đến cho người lao động cơ hội ly nông bất ly hương. Ông Lộc cho rằng: Nếu các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam Bộ vẫn ôm vào trong lòng các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này. Mặt khác lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Do đó, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Điều này cũng nhằm chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác. “Như vậy, chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả. Để con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông, để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thành chật chội”- ông nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh: Để người lao động ly nông bất ly hương phải giải quyết được vấn đề có thu hút được đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hay không? Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ cũng đã có Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và giải bài toán ly nông bất ly hương, giải quyết tốt những vấn đề liên quan như quy hoạch, hạ tầng, đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện tượng người nông dân ly hương lên thành phố hay các trung tâm công nghiệp tìm sinh kế trở thành câu chuyện phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thực tế, thanh niên không thể ở nhà trong khi người già vào nhà máy được, việc đó trái quy luật. Để người nông dân có thể làm giàu trên quê hương cần huấn luyện, đào tạo họ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Nghề nông cũng là một nghề, chứ không phải vì không có việc gì làm nên phải đi làm ruộng. Đã là nghề thì phải được đào tạo, huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, tôi vẫn đau đáu vấn đề thay đổi suy nghĩ của người nông dân, muốn vậy phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin cho bà con. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa chương trình khuyến nông, huấn luyện nông dân vào những xã nông thôn mới để họ có thể trở thành những người công nhân nông nghiệp”.

Trên thực tế đã có nhiều mô hình ly nông bất ly hương thành công nhờ thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người lao động. Tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm nay đã thực hiện tốt việc “đào tạo nông dân” “đưa giảng đường đại học về nông thôn”, hướng đến mục đích 100% nông dân qua đào tạo. Nhờ đó cả nghìn trang trại làm ăn theo hướng sản xuất hàng hóa đã ra đời và phát triển tốt.

Ông Mai Xuân Hồng ở thôn Liên Bình, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) sau khi tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân đã tâm sự: “Lớp học đó đem đến cho chúng tôi một cách nghĩ khác về làm nông nghiệp. Trước kia, có quan niệm tận dụng “cơm thừa, canh cặn” để nuôi một con lợn với suy nghĩ “có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn”. Nhưng lớp học này hướng dẫn cho chúng tôi muốn có lãi phải nuôi cả đàn lợn. Thậm chí khi nuôi lợn cắt bỏ cái đuôi thì lợn sẽ lớn nhanh hơn. Lớp học giúp chúng tôi thay đổi tư duy trong cách làm nông nghiệp”.

Theo thống kê, hằng năm số lao động Nghệ An đi làm việc dài hạn ở tỉnh khác hơn 10 vạn người. Cứ mỗi năm Nghệ An lại tăng thêm ba vạn lao động. Trong ba vạn này, một vạn đi xuất khẩu lao động, một vạn đi lao động ở các tỉnh phía nam, còn lại thì chưa biết làm gì. Nhưng nay tỉnh đã có nhiều giải pháp để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương theo hướng “ly nông bất ly hương”. Hình ảnh từng đoàn xe đưa đón công nhân đi làm ở những huyện thuần nông trước đây như Đô Lương, Yên Thành đã trở nên quen thuộc.

Chị Nguyễn Thị Kim, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: “Trước hai vợ chồng sống bám vào mấy sào ruộng nên khó khăn, từ khi làm công nhân may cho Nhà máy Minh Anh ngay trên địa bàn huyện, tiền lương hai vợ chồng khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, gấp mấy lần làm ruộng, mà ăn cơm nhà đi làm”. Từ một huyện thuần nông với 68% lao động làm nông nghiệp đến nay Đô Lương là một trong những địa phương làm tốt công việc này.

Toàn huyện có hơn 20.000 lao động tính đến 31/12/2020 đã giải quyết được 14.000 lao động có công ăn việc làm. Trong đó số lao động được đào tạo nghề là khoảng 9.000 người, lao động qua đào tạo là 11.000 người.

Nhiều người từ chỗ tha hương, làm công nhân “năm không” ở các khu công nghiệp: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao, nay được trở về quê đi làm ngay nhà máy cạnh nhà với mức thu nhập tốt. Đó là câu chuyện đang diễn ra ở huyện vùng cao Phù Yên, tỉnh Sơn La khi hai cụm công nghiệp Gia Phù và Quang Huy được xây dựng thu hút một số nhà máy may và da giày vào đầu tư, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hồi hương và nhiều nông dân vốn chỉ sống dựa vào ruộng nương.

Có nhiều mô hình thành công đang làm thay đổi bức tranh kinh tế-xã hội ở nông thôn. Đó như những chấm sáng thắp lên hy vọng về viễn cảnh người nông dân có thể ly nông bất ly hương, nhưng tất cả dường như mới là sự khởi đầu, chặng đường phía trước vẫn còn dài...