Thực hiện tốt vai trò cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam

NDO - Chiều 19/8, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tham gia Đoàn công tác còn có đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: VCCI đã tập hợp một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gồm hơn 200 nghìn doanh nghiệp hội viên. Bao gồm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân và gần 200 hiệp hội doanh nghiệp.

Báo cáo của VCCI về tình hình hoạt động doanh nghiệp cho thấy: Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có gần 856 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Con số này tương đối cách xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 từng đặt ra tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầy khó khăn do dịch Covid-19. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 là gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so năm 2020.

Hiện, có 5 vấn đề khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp đang gặp phải: tìm kiếm khách hàng (69%), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn là nhóm có mức độ gặp khó khăn cao hơn doanh nghiệp quy mô lớn.

VCCI đã tập hợp một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gồm hơn 200 nghìn doanh nghiệp hội viên. Bao gồm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân và gần 200 hiệp hội doanh nghiệp.

Về cơ bản, doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các quy định trong các văn bản hướng dẫn, bám sát tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15, xác định “trúng và đúng” đối tượng cần được hỗ trợ, hỗ trợ rất lớn. Nhất là về vốn cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, sau thời gian dài bị đình trệ, gặp khó vì Covid-19.

Tuy nhiên, các con số thống kê về số vốn giải ngân so kế hoạch cho thấy tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp là các đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh những đánh giá tích cực từ phía doanh nghiệp, với những giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp vẫn phản ánh khó khăn trong tiếp cận một số chính sách hỗ trợ.

Thí dụ: khoản vay với mức lãi suất hỗ trợ 2%; theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP để được hưởng mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm, khách hàng phải “đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” và kèm theo một số điều kiện khác.

Với những điều kiện này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại vì không có tài sản bảo đảm để thế chấp.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp trên cả nước đã gửi tới đoàn làm việc một số kiến nghị như:

Quá trình xây dựng các dự thảo luật, đặc biệt đối với một số dự thảo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đối với doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch, tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, như: Lập phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; xây dựng phương án giảm tiền điện - một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.

Cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thật sự phát huy hiệu quả.

Quốc hội có thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới.

Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của VCCI trong công cuộc đổi mới, phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, đề nghị VCCI tiếp tục đồng hành cùng giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện tốt vai trò cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế thành công. Đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Phát huy tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam, tham gia tích cực công tác xây dựng pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là môi trường kinh doanh tại các địa phương.

Tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.