Hội chợ OCOP Quảng Ninh là cầu nối hiệu quả và là kênh xúc tiến thương mại quan trọng cho các sản phẩm có chất lượng từ khu vực kinh tế nông thôn thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo cơ hội cho các địa phương giao lưu, quảng bá tiềm năng kinh tế, dịch vụ của mình; mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất, cung ứng được tiếp cận và nắm bắt thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng, đồng thời thiết lập kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người dân khu vực nông thôn.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn khởi động và triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) từ năm 2013 đến nay, đồng thời xác định đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, có cách làm và bước đi phù hợp.

Trải qua hơn 7 năm, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tiếp tục tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Các sản phẩm OCOP ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp (HTX) mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao doanh thu.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 487 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trong đó nhóm thực phẩm 338 sản phẩm; đồ uống 91 sản phẩm; thảo dược 46 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 9 sản phẩm và dịch vụ 3 sản phẩm; có 236/487 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt từ 3 đến 5 sao; 162 sản phẩm đạt 3 sao và hơn 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy suất nguồn gốc.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021.

Song song với việc phát triển các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX, công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được các cấp, các ngành và địa phương phối hợp tổ chức thường xuyên thông qua các Hội chợ OCOP; Từ năm 2015 đến nay, Hội chợ OCOP Quảng Ninh được duy trì tổ chức thường niên vào các dịp Xuân và Hè đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp OCOP ở 63/63 tỉnh/thành phố trong cả nước tham gia; Đặc biệt thông qua sự giới thiệu của các Đại sứ quán các nước tại Hà Nội đã mời được một số doanh nghiệp nước ngoài đến từ các nước như:Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Iran, Campuchia... tham gia với nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng của các nước.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm mực một nắng Cô Tô tại cơ sở Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô).

Kiểm tra chất lượng sản phẩm mực một nắng Cô Tô tại cơ sở Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô).

Qua các lần Hội chợ OCOP được tổ chức thường niên, những sản phẩm OCOP Quảng Ninh dần tự khẳng định chất lượng đặc biệt riêng có ở các sản phẩm đặc sản đặc trưng của từng vùng, miền và phát triển theo hướng bền vững, từng bước tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Không chỉ có vậy, cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, thông qua Hội chợ OCOP Quảng Ninh đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể.

Từ hiệu quả kinh tế, giá trị các sản phẩm nông nghiệp không ngừng gia tăng qua những lần tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh đã là động lực để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp OCOP, HTX trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín gắn với vai trò của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền cho biết, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người dân vùng nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, hướng đến xây dựng OCOP Quảng Ninh trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Các thành viên trong Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP tại Công ty BAVABI (huyện Vân Đồn).

Các thành viên trong Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP tại Công ty BAVABI (huyện Vân Đồn).

Chương trình OCOP Quảng Ninh đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 187 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP với tổng số lao động trực tiếp hơn 4.500 người và hàng vạn lao động gián tiếp được hưởng lợi từ Chương trình OCOP.

Mặc dù trong hai năm qua bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2021 vẫn thu hút 250 gian hàng quảng bá, giới thiệu gần 1.200 sản phẩm đặc trưng, truyền thống của 34 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng 10 gian hàng giới thiệu, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử; 5 gian hàng giới thiệu chương trình khuyến mại của các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021”.

Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và phát triển Công thương Quảng Ninh cho biết, Hội chợ OCOP Quảng Ninh thường niên Xuân và Hè được tổ chức định kỳ vào dịp cận kề Tết Nguyên đán và Lễ hội du lịch Hạ Long đã trở thành thương hiệu riêng có của Quảng Ninh; Thông qua sự kiện xúc tiến thương mại mang thương hiệu Quảng Ninh này đã tạo ra một sân chơi rất hiệu quả để các sản phẩm truyền thống, nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh hội nhập với các sản phẩm trong nước và khu vực; thực tế cho thấy, sau mỗi kỳ Hội chợ OCOP Quảng Ninh được tổ chức, chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp tham gia không ngừng được nâng cao.

Thương hiệu hội chợ OCOP Quảng Ninh được các cấp các ngành và cộng đồng các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng, thông qua việc tham gia các hội chợ OCOP Quảng Ninh thường niên, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ; doanh thu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP không ngừng được nâng cao; Doanh thu bình quân từ một Hội chợ OCOP Quảng Ninh đạt 20 tỷ và đây là một nguồn lực quan trọng để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, có điều kiện hội nhập, không ngừng nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm và sẵn sàng tham gia vào thị trương tiêu dùng trên cả nước và khu vực.

Những năm gần đây, Hội chợ OCOP Quảng Ninh cũng đã được Bộ Công thương bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại thường niên, đây là điều kiện rất thuận lợi khẳng định giá trị thương hiệu của sự kiện Xúc tiến thương mại và hỗ trợ công tác quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với miền đất Quảng Ninh.

Nhưng để Hội chợ OCOP Quảng Ninh thực sự là một “sân chơi” cho các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX và  người nông dân ngày càng được hưởng lợi từ những giá trị của các sản phẩm OCOP mang lại thì thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục coi đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý, điều hành OCOP chuyên trách từ tỉnh đến huyện đồng bộ với hệ thống tổ chức xây dựng nông thôn mới; cần có cơ chế chính sách đủ mạnh, theo hướng mở để địa phương có căn cứ triển khai và vận dụng linh hoạt trong công tác tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, HTX để kịp thời điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo giỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân; Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, OCOP và xây dựng thương hiệu cho OCOP Quảng Ninh và của từng sản phẩm.

Có thể khẳng định, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP Quảng Ninh đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo nguồn thu, sức bật cho nông sản tỉnh Quảng Ninh vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Item 1 of 4

Tổ chức thực hiện: QUỐC VIỆT
Nội dung: QUANG THỌ
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: QUANG THỌ, OCOP QUẢNG NINH