Thúc đẩy chuyển đổi số về lao động - việc làm

NDO -

Trong năm 2022, cần chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm đồng bộ, hiện đại. Qua đó, có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; kết nối cung-cầu lao động.

Sản xuất tại Công ty Meet More, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Phương Vy)
Sản xuất tại Công ty Meet More, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Phương Vy)

Hỗ trợ thị trường lao động trong dịch Covid-19

Ngày 18/1, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội, tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước ta. Hàng chục triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Số lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến vượt mốc 4%. Đời sống của lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn… và lao động tự do gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Cục Việc làm đã tích cực tham mưu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cấp có thẩm quyền.

Năm 2021: Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,537 triệu người, chiếm hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nổi bật như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hay Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ  về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Cục Việc làm cũng chủ động nắm thông tin, tình hình lao động, việc làm; tổng hợp, phân tích, dự báo những ảnh hưởng, tác động của đại dịch đến lao động, việc làm. Từ đó, tham mưu cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và trực tiếp ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời xây dựng các phương án bảo đảm cung lao động, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.

Đến 18/12/2021, cả nước có 733.164 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 30,9% so với năm 2020) và 17.654 lao động được hỗ trợ học nghề (giảm 30,9% so với năm 2020).

Hướng dẫn hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”. Trong điều kiện dịch bệnh, người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng gián tiếp, kịp thời hỗ trợ một phần thu nhập cho lao động thất nghiệp.

Tuy vậy, theo ông Tào Bằng Huy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn, việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách còn bị động so với diễn biến dịch. Việc đánh giá tác động chính sách còn hạn chế, chưa lường hết tác động của đại dịch, một số điều kiện khá chặt chẽ nên một số chính sách đối tượng thụ hưởng chưa cao, như hỗ trợ lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, hệ thống chính sách lao động, việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể cho các nhóm lao động yếu thế, đặc thù; nguồn lực cho các chương trình, chính sách còn hạn chế.

Công tác quản lý lao động, bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài còn bất cập, thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động và nắm thông tin biến động việc làm.

Những tồn tại, hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và nguyên nhân khách quan chủ yếu do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm.

Tập trung chuyển đổi số về lao động-việc làm trong năm 2022

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, trong năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng tới thị trường lao động. Trong đó, mục tiêu đáng quan tâm là phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung-cầu lao động để bảo đảm hiệu quả cung cầu, sử dụng nguồn lực, dịch chuyển lao động. Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ để nâng cao tầm kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý một số trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong năm 2022. Trong đó, chú trọng ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh và bảo đảm nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, thụ hưởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Ông Lê Văn Thanh nêu rõ, sắp tới, Cục Việc làm cần phối hợp các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc làm. Đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần đồng bộ với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã nảy sinh nhiều vấn đề mới từ thực tế, cần lưu ý kỹ để điều chỉnh trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Thí dụ, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp cần đồng bộ với nội dung của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Hay nội dung về lao động phi chính thức - đã được đưa vào trong Bộ luật Lao động 2019 - cần điều chỉnh thế nào trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Khối lượng công việc để xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lớn, nhưng phải bảo đảm về tiến độ, thời gian và chất lượng.

Bên cạnh đó, cần triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành vào tháng 12 năm 2021. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách mới hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cũng nhận định, năm 2022 cần có sự đột phá về công nghệ thông tin trong lĩnh vực lao động-việc làm. Cần bảo đảm thị trường lao động có một hạ tầng số để kết nối toàn quốc, cũng như kết nối với không gian mạng. Đây là một thách thức, không chỉ là vấn đề công nghệ, đầu tư mà liên quan đến cách thức quản lý và điều hành thị trường. Thí dụ, việc điều tra nhu cầu lao động hiện nay đã chuyển từ giấy sang nền tảng số; quản lý sổ lao động bằng giấy chuyển sang sổ lao động điện tử. Quá trình này đặt ra nhiều thách thức và cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.