Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

NDO - Với mục tiêu kiểm soát, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tiêu thụ ổn định sản phẩm, thành phố Hà Nội đang thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các chuỗi liên kết sản phẩm.
Giới thiệu các chuỗi liên kết sản phẩm.

Nhiều năm nay, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Ðức (huyện Gia Lâm) thu hút nhiều thành viên tham gia. Ðến nay, với gần 1.100 thành viên tham gia sản xuất, quỹ đất hơn 200ha sản xuất rau an toàn, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng hai đến ba tấn rau các loại, trong đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị lớn, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc)…, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu rau an toàn Văn Ðức và thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, trên địa bàn huyện có 22 chuỗi liên kết, gồm 12 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi. Các mô hình chuỗi liên kết đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao cho cả người sản xuất và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Từ kết quả này, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi liên kết.

Tại huyện Ba Vì, thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp ngành nông nghiệp phát triển hàng chục mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình như mô hình sản xuất chè sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ba Trại thu hút gần 3.000 hộ trồng chè, chiếm 80% dân số tại chín làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống tham gia. Ba Trại còn gắn sản xuất chè với phát triển du lịch sinh thái, trong đó nông dân trực tiếp cải tạo, làm đẹp vườn chè của gia đình để thu hút khách du lịch; chính quyền đầu tư xây dựng đường giao thông, bãi đỗ xe, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, chuỗi liên kết từ sản xuất chè đến phát triển du lịch sinh thái theo hướng an toàn, bền vững đã giúp nông dân xã Ba Trại vươn lên phát triển kinh tế, nhất là nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố đã xây dựng và duy trì 145 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các chuỗi liên kết có khoảng 1.400 sản phẩm được kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn chặt chẽ mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn… Giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu hỗ trợ phát triển, xây dựng thêm 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Tuy nhiên, việc phát triển các chuỗi liên kết cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức "thuận mua, vừa bán" cho nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, không ít hợp tác xã chưa có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng hoặc chưa đủ mạnh về nguồn nhân lực, nguồn vốn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại...

Ðể thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, hợp tác xã tập trung đầu tư hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi với tư cách là nhà đầu tư, không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.