Thừa Thiên Huế di dời hơn 18.700 hộ ở các vùng xung yếu đi trú bão

NDO -

Từ trưa đến chiều 11/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu xuất hiện những đợt mưa rất to kèm với gió mạnh, khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, đặc biệt ở vùng ven biển và đầm phá. 

Gió bão đã làm tốc mái 21 nhà dân ở xã Điền Hoà, Phong Hải, Phong Hiền và Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
Gió bão đã làm tốc mái 21 nhà dân ở xã Điền Hoà, Phong Hải, Phong Hiền và Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).

Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 5 đã làm tốc 21 mái nhà ở huyện Phong Điền, trong đó có 10 nhà ở xã Điền Hoà; 7 nhà ở xã Phong Hải; 2 nhà ở xã Phong Xuân và 2 nhà ở xã Phong Hiền; trong khi đó vẫn còn 40 công nhân đang ở thủy điện Rào Trăng 3.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách cho biết, sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương bị thiệt hại lập tức cử lực lượng đến hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả và chằng chống lại nhà cửa chuẩn bị đón bão.

Thừa Thiên Huế di dời hơn 18.700 hộ ở các vùng xung yếu đi trú bão -0
Chính quyền các địa phương đã cử ngay lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và chằng chống lại nhà cửa. 

Theo ông Nguyễn Đình Bách, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân - nơi xảy ra vụ sạt lở hồi tháng 10/2021 khiến 17 công nhân chết và mất tích) hiện còn 40 công nhân. Nhà máy thuỷ điện này có công trình kiên cố (khu vực nhà máy) nhưng để đảm bảo an toàn, UBND huyện yêu cầu công ty chỉ để lại vài người trực, còn lại phải di chuyển xuống thuỷ điện Rào Trăng 4 hoặc ra ngoài trước 17 giờ ngày 11/9. 

Trưa cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế có thông báo yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm 11/9. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến trong đêm 11 và sáng 12/9.

Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thị xã và TP Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai các nội dung công điện của UBND tỉnh về triển khai ứng phó với bão số 5 và hoàn thành trước 17h ngày 11/9.

Khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 5, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác sơ tán dân tại các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở phương châm “4 tại chỗ” gắn và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai tại các điểm cách ly, sơ tán dân. Theo đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố đã rà soát phương án sơ tán, di dời 18.713 hộ và 64.743 khẩu ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt.

Thừa Thiên Huế di dời hơn 18.700 hộ ở các vùng xung yếu đi trú bão -0
Các lực công an cùng quân đội và dân quân địa phương tiến hành giúp dân chằng chống tàu thuyền đã vào bờ trú bão an toàn. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào.

Các địa phương phải rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm; triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Thừa Thiên Huế di dời hơn 18.700 hộ ở các vùng xung yếu đi trú bão -0
Các lực lượng chức năng giúp bà con di dời tài sản cùng những những già yếu, trẻ em ở vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn. 

Tính đến chiều 11/9, tại Thừa Thiên Huế có 591 phương tiện tàu thuyền khai thác biển; tàu thuyền cỡ nhỏ từ 6-12m còn khoảng 5.000 chiếc. Tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào nơi trú tránh an toàn. Riêng 54 phương tiện/316 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu tại cảng Thuận An.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương có phương án dự trữ 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo cũng như vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm khi có thiên tai xảy ra.

Thừa Thiên Huế di dời hơn 18.700 hộ ở các vùng xung yếu đi trú bão -0
Đến chiều 11/9, tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào nơi trú tránh an toàn. 

Chủ trương của tỉnh Thừa Thiên Huế là thống nhất nguyên tắc hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu di dân thì cần ưu tiên di dân tại chỗ. Bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán.

Đối với việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bãi, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh. Rà soát lại các khu vực ngập lụt, có phương án đảm bảo tài sản và tính mạng người dân tại khu vực này.

Các chủ hồ, đập, công trình thủy điện đã có phương án vận hành liên hồ chứa an toàn trong mùa mưa bão. Đối với các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống bão.

Lực lượng công an và các lực lượng khác của địa phương hỗ trợ công tác cách ly, giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương; đặc biệt là các khu thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai với các tình huống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.