Thử thách với “thuyền trưởng” mới

Ngày 25/10, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak (trong ảnh) đã nhậm chức Thủ tướng Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền. Ông Sunak đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết và thống nhất khi nước Anh đang phải đối mặt thách thức kinh tế sâu sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Sau khi cựu Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ nhiệm hôm 20/10, ông Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử ghế Chủ tịch đảng Bảo thủ. Người cạnh tranh chính thức với ông Sunak là bà Penny Mordaunt, lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Hạ viện, đã tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử và ủng hộ ông Sunak vào vị trí lãnh đạo đảng. Trước đó, các nhà lãnh đạo đảng này đã phải nỗ lực kêu gọi các thành viên của đảng đoàn kết và ủng hộ một ứng cử viên duy nhất có thể “đứng mũi chịu sào”.

Ông Sunak, 42 tuổi, trở thành Thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất “xứ sở sương mù” trong hơn 200 năm qua. Ông còn là Thủ tướng thứ ba của Anh chỉ trong chưa đầy ba tháng qua và là Thủ tướng đầu tiên được bổ nhiệm dưới thời Vua Charles III. Ông Sunak sinh ra ở thành phố Southampton (Anh) trong một gia đình gốc Ấn Độ. Đặc biệt, vợ ông, bà Akshata Murty là người thừa kế khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy - một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất được mệnh danh “Bill Gates của Ấn Độ”.

Ông Rishi Sunak bắt đầu gia nhập chính trường khi được bầu làm nghị sĩ cho khu vực bầu cử Richmond ở Bắc Yorkshire vào năm 2015. Trước khi trở thành nghị sĩ, ông Sunak làm việc trong lĩnh vực tài chính và được xem là một trong những nghị sĩ có nền tảng tài chính hùng hậu nhất. Vấn đề tài chính của gia đình ông từng được giám sát chặt chẽ trong giai đoạn ông nổi lên là ứng cử viên sáng giá cạnh tranh với bà Liz Truss trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, khi cựu Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức hồi tháng 7.

Theo BBC, phát biểu ý kiến sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Sunak cho rằng nước Anh đang đối mặt một thách thức kinh tế sâu sắc, đồng thời nhấn mạnh: “Đất nước cần sự ổn định và thống nhất và tôi sẽ dành ưu tiên hàng đầu để bảo đảm ổn định kinh tế”. Dù vậy, để có thể chèo lái đất nước, “thuyền trưởng” mới của nước Anh cần đưa ra một kế hoạch hiệu quả hơn người tiền nhiệm.

Trước đó, bà Liz Truss dù mới cầm quyền 45 ngày song phải từ nhiệm do chính sách kinh tế “Trussonomics” của bà yêu cầu cắt giảm thuế song lại không có giải pháp phù hợp bù đắp cho nguồn thu ngân sách sụt giảm, bị các nhà kinh tế gọi là “một thảm họa chính sách và phá hỏng danh tiếng uy tín tài chính của Anh”. Sự ra đi của bà để lại những xáo trộn trong nội bộ đảng và chính phủ, đồng thời là lý do để Công đảng đối lập tại Anh công khai chỉ trích mạnh mẽ đảng Bảo thủ và yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước hạn.

Trên cương vị mới, ông Sunak đang đối mặt bài toán kinh tế chưa có lời giải và tình trạng chính trường bị chia rẽ sâu sắc. Nhậm chức vào thời điểm khủng hoảng kinh tế và áp lực đè nặng lên nền tài chính công, ngân sách cho các hoạt động đã sắp cạn kiệt, ông Sunak rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì cũng không thể tăng hay giảm thuế biên độ lớn. Chính phủ của tân Thủ tướng cũng khó lòng thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc trong bối cảnh người dân đang điêu đứng vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Do đó, giới phân tích cho rằng trước mắt, Thủ tướng Sunak sẽ cần nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, trong đó hàn gắn những rạn nứt ở nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, để thành lập chính phủ mới nhằm giải quyết các thách thức nghiêm trọng về kinh tế. Dù vậy, ông Sunak đã loại trừ một cuộc tổng tuyển cử sớm, đồng thời kêu gọi các thành viên đảng Bảo thủ đoàn kết để tạo ra sức mạnh gắn kết cả chính trường Anh nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung.