Thu phí & chuyện con gà - quả trứng

Không khó hiểu vì sao dù còn trong giai đoạn dự thảo, đề án thu phí ô-tô vào nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được dư luận đặc biệt quan tâm. Cũng như thuế, việc thu phí luôn là vấn đề nhạy cảm, "đồng tiền liền khúc ruột", hơn nữa, loại phí này lại liên quan một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp bảo vệ: quyền tự do đi lại.

Dù ở những giai đoạn và mức độ khác nhau, nhưng việc cả hai thành phố lớn nhất cả nước gần như cùng lúc đề xuất ý tưởng thu phí ô-tô vào nội đô, dù biết chắc chắn sẽ "vấp" phải nhiều ý kiến trái chiều, đã cho thấy tình hình thật sự đáng bức xúc. Không cần phải nói thêm cũng thấy thực tế đáng buồn đang hiển hiện mỗi ngày: hạ tầng quá tải, giao thông tắc nghẽn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội đô thị…

Chính vì thế mà về nguyên tắc, thu loại phí này hẳn là việc phải tính tới. Đây cũng là việc mà nhiều đô thị lớn trên thế giới đã làm. Mỗi lái xe ở Anh đang phải trả khoảng 20 USD/ngày khi vào trung tâm thành phố London, trong khi mức phí ở thành phố Birmingham là hơn 10 USD. Thuế kẹt xe ở Thụy Điển cũng được coi là đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông ở Stockholm, Gothenburg…

Điều đáng bàn ở đây là thời điểm, cách thức thu, mức phí và các giải pháp kèm theo để vừa bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, vừa đạt được mục đích quan trọng nhất đề ra là giảm tắc nghẽn giao thông.

Về thời điểm thu, ít nhất trong hai năm trước mắt, khi doanh nghiệp, người dân còn đang nỗ lực phục hồi từ đại dịch Covid-19, cần cân nhắc rất kỹ mọi loại
thuế, phí mới nói chung, bất kể với mức thu nào. Đề xuất của Hà Nội là bắt đầu thu phí từ năm 2025, có thể phù hợp. Tất nhiên, vẫn cần xem xét tình hình cụ thể từ nay đến lúc đó, bởi lẽ dịch Covid-19 chưa hẳn đã được kiểm soát hoàn toàn.

Bên cạnh đó, những yếu kém trong tổ chức giao thông hiện nay dẫn đến ùn tắc giao thông phải được khắc phục hiệu quả. Đó là phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng, chuyển bệnh viện, trường học, cơ quan ra khỏi khu vực trung tâm, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô… Chỉ một nhiệm vụ trong số này cũng đã là những bài toán lớn với rất nhiều dữ liệu đầu vào, không dễ giải và chắc chắn cũng kích hoạt nhiều cuộc tranh luận mệt mỏi.

Thậm chí, lý tưởng nhất, như một số người lý luận, là giải quyết những vấn đề này trước khi thu phí giao thông vào nội đô. Ở một góc độ nào đó, có thể nói đây là dạng câu hỏi con gà - quả trứng. Nếu đã xử lý ổn thỏa được tất cả những vấn đề trên, thì có lẽ đã chẳng phải đặt ra chuyện thu loại phí này làm gì! Nếu tranh luận rằng không thể tạo ra rào cản đối với phương tiện cá nhân (cấm xe máy, thu phí ô-tô, tạo làn đường riêng cho xe bus) khi chưa có phương tiện công cộng thì có lẽ một bộ phận rất lớn không tham gia giao thông công cộng, bất chấp mọi cuộc vận động, tuyên truyền. Bởi vì xét về tính tiện lợi, sạch sẽ, riêng tư, giao thông công cộng hầu như không thể so sánh với phương tiện cá nhân.

Nói cách khác, có lẽ không nên đặt ra vấn đề làm gì trước, mà cần làm đồng bộ nhiều việc. Không phải đơn thuần chặn đường thu phí ngay, nhưng cũng không phải đợi đến khi hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng mới áp dụng các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có việc thu phí giao thông nội đô.