Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tài chính

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Phát triển hệ sinh thái Fintech

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính (Fintech). Nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

MoMo là một trong các loại ví điện tử có số lượng lớn khách hàng sử dụng. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
MoMo là một trong các loại ví điện tử có số lượng lớn khách hàng sử dụng. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Ðiều này cho thấy, Việt Nam đang có nhiều nền tảng thuận lợi để đẩy nhanh việc hình thành hệ sinh thái Fintech với lĩnh vực đi đầu là tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, rất cần có thêm trợ lực, một “cú huých” từ cơ chế, chính sách để sớm đưa những ứng dụng công nghệ tài chính mới nhập cuộc.

Thay đổi hành vi người dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, dù thanh toán trực tuyến tăng mạnh thời gian qua, song vẫn chưa đủ để phương thức thanh toán này thay thế hoàn toàn các giao dịch bằng tiền mặt, vốn tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội người dân. Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, dù đã có bước tăng trưởng đáng kể song tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng còn thấp và tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Ở khu vực nông thôn, nơi tập trung tới 70% số dân, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng rất thấp. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chủ tài khoản ví điện tử muốn kích hoạt sử dụng thì phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Do đó, các giao dịch thanh toán trực tuyến cũng mới chỉ tăng cục bộ tại các khu vực thành thị.

Ngoài ra, mặc dù phát triển vượt bậc nhưng so sánh tương quan với các nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Xin-ga-po,… thì Fintech tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, cả về số lượng, phạm vi hoạt động và nguồn nhân lực. Về số lượng, các công ty tham gia vào Fintech tại Việt Nam còn khá “khiêm tốn” so với Xin-ga-po (có khoảng hơn 1.150 công ty), In-đô-nê-xi-a (hơn 510 công ty), Ma-lai-xi-a (hơn 370 công ty). Về nguồn nhân lực, Việt Nam cũng chưa có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực do chưa có sự phối hợp đào tạo giữa chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia tài chính - ngân hàng. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề các công ty Fintech quan tâm khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh. “Dù đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng các công ty Fintech tại Việt Nam còn rất non trẻ nếu so sánh với mức độ phát triển của Fintech trên thế giới. Thực tế cho thấy, Fintech tại Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, hoạt động giới hạn chỉ trong lĩnh vực thanh toán nên dù đã tạo dựng được vị thế nhất định trên thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn khá khiêm tốn”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá.

Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, dù người dân đang có nhu cầu cao sử dụng các ứng dụng công nghệ tài chính trong hoạt động thanh toán, nhưng để chuyển đổi hoàn toàn hành vi từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử lại là cả một chặng đường dài gian nan đối với các doanh nghiệp Fintech. Nhiều người trong giới Fintech nhìn nhận, đây sẽ là một quá trình chuyển đổi từ từ. Và một điều quan trọng có thể thúc đẩy quá trình này diễn ra thuận lợi hơn, đó là cần thiết xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thị trường Fintech; trong đó mấu chốt là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này hoạt động.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Cũng theo làn sóng đầu tư trên toàn cầu, tại Việt Nam, công nghệ tài chính hiện vẫn được xác định như một mảng đầu tư tiềm năng, thu hút vốn của không ít “cá mập” sừng sỏ. Ðến nay, thị trường Fintech Việt Nam đang có khoảng 27 ví điện tử, thì hơn 90% thị phần thuộc về năm doanh nghiệp lớn (MoMo, ViettelPay, Moca, AirPay, ZaloPay) và cả năm ví này đều có tỷ lệ sở hữu của nước ngoài từ 30 đến 90%. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có chính sách quản lý Fintech như thế nào để tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể “thao túng” lĩnh vực thanh toán, gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia. Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gần đây, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam E. Xích-uých đã chỉ ra rằng, Việt Nam tăng trưởng tốt về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhưng vẫn còn có một số yếu tố kìm hãm sự phát triển. Cụ thể, khung pháp lý hiện hành không theo kịp sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ Fintech. Do đó, ADB khuyến nghị, một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng Fintech là rất cần thiết, giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi cũng đồng quan điểm khi cho rằng, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh đang là rào cản khả năng mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động các doanh nghiệp Fintech. Ðồng thời, cũng gây không ít rủi ro đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo pháp luật hiện hành, Việt Nam đang có hai văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của Fintech là Nghị định số 101/2012/NÐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, những quy định tại hai văn bản này dường như đang bị “bỏ lại phía sau” rất xa so với những gì đang diễn ra trong thực tế, nhất là liên quan đến nền tảng công nghệ hiện đại, khiến nhiều hoạt động trong lĩnh vực này vượt quá phạm vi điều chỉnh của pháp luật hiện hành. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm hiện thực hóa cam kết phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi để ngành Fintech phát triển mạnh, cả hai văn bản kể trên đang được các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi. Cụ thể, NHNN hiện đang xây dựng, lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NÐ-CP, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 tới; nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 39 phù hợp tình hình mới. Ðáng chú ý, NHNN cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, đề án thí điểm Mobile Money, hoàn thiện và trình Chính phủ Ðề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech (regulatory sandbox).

Chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc, TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo hướng mở như của nước này để hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech tận dụng được cơ hội phát triển; ban hành quy định thí điểm sandbox đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. “Tuy nhiên, khung pháp lý sandbox phải có không gian và thời gian được xác định rõ ràng vì thử nghiệm có thể thất bại. Chính phủ có thể cho phép áp dụng cơ chế sandbox theo mô hình của Xin-ga-po với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển các start-up công nghệ của Việt Nam. Ðồng thời, Chính phủ cũng cần nghiên cứu xây dựng những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế đặc thù dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình của một số quốc gia như Thụy Sĩ, Nga, Phi-li-pin, Trung Quốc”, TS Cấn Văn Lực đề xuất thêm. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt đối với Fintech để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường. Về sandbox, do là cơ chế thử nghiệm nên sẽ không có một chính sách chung cho tất cả vì mỗi doanh nghiệp có công nghệ, tư duy, mô hình kinh doanh khác nhau, nên có thể áp dụng theo trường hợp cụ thể để làm sao vừa hỗ trợ phát triển nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro.

Cũng liên quan sandbox, được biết, đến thời điểm này đã có hơn 100 doanh nghiệp Fintech đăng ký được tham gia cơ chế thử nghiệm. Quan điểm của NHNN luôn nêu rõ sẽ tạo điều kiện cho công nghệ tài chính mới phát triển trong không gian và thời gian thử nghiệm, để từ đó có sự điều chỉnh chính sách bắt kịp thực tiễn đổi mới. Trong cơ chế này, các doanh nghiệp Fintech và ngân hàng sẽ được tham gia thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới với các biện pháp giám sát và kiểm soát rủi ro phù hợp từ các cơ quan quản lý, như: phương thức nhận biết khách hàng điện tử từ xa (e-KYC), ứng dụng công nghệ chuyển khối block-chain trong hoạt động ngân hàng hay những ứng dụng kết nối chia sẻ dữ liệu mở giữa ngân hàng với các Fintech,... Như vậy, tất cả những nghiên cứu thí điểm, điều chỉnh về mặt cơ chế pháp lý này đều nhằm hướng tới tạo dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tạo điều kiện để các Fintech phát triển an toàn, lành mạnh và thông suốt.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 5-5-2020.

* Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tài chính (Bài 1)