Thái Lan tăng cường quản lý các nền tảng kỹ thuật số

NDO -

Chính phủ Thái Lan ngày 25/10 đã thông qua dự thảo sắc lệnh về việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng kỹ thuật số nhằm duy trì sự ổn định về thương mại và tài chính đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn hại xã hội cũng như những người sử dụng dịch vụ.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, theo sắc lệnh này, các doanh nghiệp, cả trong và ngoài Thái Lan, khi cung cấp dịch vụ nền tảng kỹ thuật số trên lãnh thổ nước này, sẽ phải cung cấp thông tin về doanh nghiệp cũng như nền tảng dịch vụ của họ cho Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử (ETDA) thuộc Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan trước khi hoạt động.

Mục đích của việc này là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ nền tảng kỹ thuật số cung cấp dịch vụ theo các tiêu chuẩn chung, trên cơ sở minh bạch và công bằng đối với người dùng. Các doanh nghiệp này cũng phải thông báo cho những người sử dụng dịch vụ các thông tin cần thiết thí dụ như Điều khoản dịch vụ, Kênh khiếu nại. Từ đó giúp người dùng yên tâm trong việc sử dụng dịch vụ và các cơ quan chính phủ có đầy đủ thông tin để kiểm soát rủi ro.

Cũng theo sắc lệnh, Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy và hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng kỹ thuật số trong việc phát triển các phương pháp hay cơ chế tự quản lý phù hợp như xác định hoặc chứng minh danh tính người dùng dịch vụ nhằm tạo sự tin cậy trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử cũng sẽ cung cấp một kênh khiếu nại để người dùng có thể khiếu nại về các vấn đề phát sinh khi sử dụng dịch vụ.

Sắc lệnh sẽ có hiệu lực đối với nhiều dịch vụ nền tảng kỹ thuật số khác nhau, bao gồm cả các dịch vụ mua bán trực tuyến, kinh doanh qua mạng xã hội, giao hàng công nghệ, chia sẻ dung lượng lưu trữ, các dịch vụ vận chuyển công nghệ và dịch vụ tìm kiếm online. Ông Thanakorn nói: “Những nền tảng này ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và xã hội Thái Lan, bởi vậy cần phải có sự giám sát để tạo sự tin cậy trong giao dịch, bảo vệ các khách hàng sử dụng dịch vụ”.

Tháng trước, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ bắt đầu tiến hành thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các công ty công nghệ nước ngoài, bao gồm cả những tập đoàn công nghệ nổi tiếng như Facebook hay Google, các công ty trung gian như ứng dụng đặt xe công nghệ Grab và dịch vụ phát nội dung trực tuyến như Netflix.