Nhiều doanh nghiệp chần chừ chuyển đổi số

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, câu chuyện chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu khi chúng ta đã nhận thức rõ mục tiêu, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp đang đứng trước bài toán chuyển đổi số ra sao để mang tính bền vững hơn, phù hợp hơn cho từng loại hình doanh nghiệp.

Vận hành hệ thống máy ép phun tại phân xưởng công nghệ, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. (Ảnh ÐĂNG ANH)
Vận hành hệ thống máy ép phun tại phân xưởng công nghệ, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. (Ảnh ÐĂNG ANH)

Bởi trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang hiểu về chuyển đổi số một cách phiến diện, mơ hồ, thậm chí nhiều doanh nghiệp thờ ơ, chưa mấy quan tâm về cơ sở dữ liệu, số hóa thủ tục, thao tác, công cụ quản lý nhân sự, hệ thống sản xuất, kinh doanh…

Nguyên nhân một phần bởi chi phí chuyển đổi số khá cao và không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm, nhất là khi chưa biết chắc chắn có thành công 100% hay không đang là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Loay hoay với chuyển đổi số

Ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Nam Linh chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, việc chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số khi doanh nghiệp vẫn đang tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu là một thách thức lớn. Doanh nghiệp đang khá băn khoăn về tiến trình này bởi các thông tin về công nghệ số khá mơ hồ, đồng thời những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng đang là rào cản rất lớn. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ các đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ.

Bên cạnh đó, nhiều khâu trong quá trình sản xuất đã được hiện đại hóa để giảm phụ thuộc vào công nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó và khá lúng túng khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn từ thu mua nguyên liệu cho đến sản xuất và xuất khẩu do nguồn vốn, nhân lực kỹ thuật có hạn chế.

Không thể phủ nhận, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã mang lại rất nhiều lợi ích như: gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí và tăng năng lực làm việc của nhân viên; nâng cao tính cạnh tranh; tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng và tăng doanh thu. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số với lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu về công nghệ của người đứng đầu doanh nghiệp, phần còn lại thì chuyển đổi số chưa thực chất, còn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số.

Theo một khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 23,8% số doanh nghiệp được khảo sát biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện; có đến 90% số doanh nghiệp được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công. Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) năm 2021 cũng cho thấy, có tới 92% số doanh nghiệp được hỏi không biết cách thức chuyển đổi số như thế nào, 72% không biết bắt đầu chuyển đổi số từ hoạt động nào của tổ chức và 69% không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có quy mô vừa và nhỏ cho nên khó khăn lớn nhất gặp phải là vốn và họ chỉ coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía bắc (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Lê Văn Khương cho biết, doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau có thách thức, khó khăn khác nhau. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp chuyển đổi số đều phải chịu chi phí đầu tư cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, nguồn nhân lực, kiến thức về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp chần chừ chuyển đổi số -0
Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô tô của Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, Khu công nghiệp Ðình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng). (Ảnh Thanh Hà) 

Cần thay đổi tư duy của người đứng đầu

Các doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản, chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu được số hóa thông qua công nghệ điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT),... để phân tích dữ liệu, biến đổi và tạo ra một giá trị khác cấp cao hơn số hóa. Doanh nghiệp sẽ thay đổi từ mô hình cũ, truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới như đã nêu trên nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp nhằm tăng tốc độ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, năng suất lao động,...

Do đó, chuyển đổi số là yếu tố then chốt trong những hoạt động mở đầu quan trọng, trong đó việc thay đổi tư duy của người đứng đầu sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển mình của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có nhiều sự biến động như hiện nay.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu trong các tổ chức, doanh nghiệp. Ở Việt Nam, mô hình chuyển đổi số giúp Chính phủ cải thiện dịch vụ công, phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn. Quá trình chuyển đổi số hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đang tạo ra những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp truyền thống. Việc thay đổi tư duy, quản trị hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và vững vàng trước mọi thách thức, tiến tới chuyển đổi số thành công, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.

Khi đó, việc chuyển đổi số sẽ được tổ chức một cách có chiến lược và có kế hoạch, đi theo một chuỗi để thúc đẩy cải thiện sự thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số yếu tố trong việc lựa chọn công cụ quản trị doanh nghiệp phù hợp cho quá trình chuyển đổi số của mình chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của ngành để dễ dàng thay đổi thói quen kinh doanh của doanh nghiệp,... Mặt khác, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.

Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đã đề ra định hướng nhiệm vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trong đó kinh tế số đến năm 2025 chiếm khoảng 20% GDP. Ðây là mục tiêu đầy thách thức nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển vào năm 2045.