FBI mở khóa thành công iPhone và kết thúc vụ tranh chấp pháp lý với Apple

NDO -

NDĐT - Ngày 28-3, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã mở khóa thành công chiếc điện thoại iPhone được sử dụng bởi kẻ sát nhân trong vụ thảm sát ở San Bernardino vào năm ngoái và rút hồ sơ yêu cầu Apple hỗ trợ để kết thúc vụ tranh chấp pháp lý, nhưng vẫn còn đó là cuộc chiến lớn hơn về quyền mã hóa thiết bị số chưa được giải quyết.

FBI mở khóa thành công iPhone và kết thúc vụ tranh chấp pháp lý với Apple

Sự kết thúc đột ngột của cuộc đối đầu lần này đã gây bất ngờ cho ngành công nghiệp công nghệ cao và là một chiến thắng của Apple trong cuộc chiến chống lại quyết định của tòa án khi yêu cầu hỗ trợ FBI mở khóa một chiếc điện thoại iPhone.

Người phát ngôn của Apple cho biết họ đã chống lại yêu cầu của FBI ngay từ đầu vì nó sẽ tạo ra một cánh cửa sau và là một tiền lệ nguy hiểm. Theo Apple thì khi Chính phủ đã bỏ qua vụ kiện này để nó sẽ không xảy ra và những vụ kiện tương tự cũng sẽ không bao giờ xảy ra.

Nhưng một cuộc chiến lớn hơn đối với các cơ quan thực thi pháp luật truy nhập vào các thiết bị được mã hóa vẫn chưa kết thúc. Ngành công nghiệp công nghệ cao đã kiên quyết không thực hiện bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào đối với các cơ quan chính phủ để vượt qua bảo mật của sản phẩm vì cho rằng nó sẽ làm suy yếu bảo mật của tất cả mọi người.

Các quan chức chính phủ vẫn giữ quan điểm rằng các cuộc điều tra tội phạm sẽ gặp bế tắc nếu không truy nhập được vào dữ liệu của điện thoại.

Vấn đề bắt đầu phát sinh khi chiếc điện thoại iPhone được sử dụng bởi một kẻ sát nhân trong vụ thảm sát vào tháng 12 năm ngoái ở San Bernardino, bang California, Mỹ, làm chết 14 người và làm bị thương 22 người khác, đã bị khóa bằng mã passcode.

Sau nhiều tuần cho rằng chỉ có Apple mới mở được chiếc iPhone này thì ngay trước một ngày diễn tra phiên tòa với sự có mặt của FBI và Apple, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu hoãn phiên tòa vì cho rằng có một bên thứ ba có thể mở được chiếc điện thoại này mà không cần đến sự trợ giúp của Apple.

Trong hồ sơ gồm hai trang nộp lên tòa án, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Chính phủ đã “thành công truy nhập vào dữ liệu được lưu trữ bên trong chiếc điện thoại iPhone của Farook nên không còn cần đến sự trợ giúp của Apple".

Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa án cho rút lại hồ sơ yêu cầu Apple hỗ trợ.

Vấn đề hóc búa

Việc Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện ra cách để hack chiếc iPhone đã đặt ra một câu hỏi khó là liệu cơ quan này có chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này hay không.

Trong trường hợp chính phủ cho Apple biết về chi tiết, công ty này có thể khắc phục vĩnh viễn điểm yếu này và phương pháp mà chính phủ đang sử dụng sẽ không còn hiệu quả. Trong trường hợp ngược lại, thì Apple sẽ đối diện với nhận thức của người dùng rằng họ đang có vấn đề bảo mật đối với chiếc điện thoại đang sử dụng.

Sự việc cũng làm cho nhiều vụ án đang bị trì hoãn ở nước này khi các cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu truy nhập vào bên trong những chiếc điện thoại iPhone. Không rõ họ có tiếp tục truy nhập vào bên trong những chiếc điện thoại iPhone này bằng cách tương tự hay không.

Trong một vụ án tương tự ở New York, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức phản hồi với yêu cầu của Apple về việc yêu cầu trì hoãn các thủ tục tố tụng.

Điều này có thể cung cấp thêm các mấu chốt về cách làm thế nào để chính phủ ứng xử đối với các vụ án có liên quan đến các chiếc điện thoại iPhone của Apple.

Trong buổi họp báo vào hôm 28-3, một quan chức của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cho biết còn quá sớm để nói công nghệ này của Chính phủ có thể làm việc được trên một chiếc điện thoại iPhone khác, hay họ có chia sẻ thông tin mà họ biết với Apple hay các cơ quan thực thi pháp luật khác hay không.

Trong thông báo của mình, FBI cho biết họ không bình luận về công nghệ để mở khóa chiếc iPhone được sử dụng bởi kẻ sát nhân. Người phát ngôn của FBI cho biết “việc khám phá toàn bộ chiếc điện thoại và các bước tiếp theo của quá trình điều tra đang được tiếp tục thực hiện".

Không từ bỏ bất kỳ lựa chọn nào

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ vẫn giữ cách tìm kiếm thông tin chính thống để có thông tin, bao gồm cả cách thông qua tòa án khi cần thiết.

“Duy trì điều này để chính phủ có thể bảo đảm các cơ quan thực thi pháp luật có thể có được các thông tin quan trọng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn cho công cộng, kể cả việc hợp tác với các đối tác liên quan, hoặc thông qua hệ thống tòa án khi việc hợp tác này thất bại”, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi tất cả các lựa chọn có thể để có thông tin, bao gồm hợp tác với nhà sản xuất và dựa vào sự sáng tạo của cả công chúng và các công ty tư nhân".