Công bố 15 Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2005

Công bố 15 Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2005

Lễ trao danh hiệu Hiệp sĩ CNTT được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 14-8, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành Bưu điện Việt Nam. 

Theo BTC, Hiệp sĩ CNTT là người đáp ứng một trong các tiêu chí: Tác giả những phần mềm hữu ích tự nguyện cung cấp cho cộng đồng sử dụng miễn phí; sử dụng những phương cách khác nhau để quảng bá tri thức cũng như các ứng dụng về CNTT; tạo các tiền đề thuận lợi nhằm hỗ trợ đồng bào mình tiếp cận và khai thác các lợi ích của CNTT.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, Tạp chí e-CHIP tổ chức sự kiện này. Lần thứ nhất có 30 cá nhân được trao tặng biểu tượng Hiệp sĩ CNTT (trong đó, có 10 người đang học tập, làm việc ở hải ngoại). Lần thứ hai, có 15 cá nhân được trao tặng danh hiệu này. Năm nay, ngoài sự kiện chính là Lễ trao biểu tượng - chương trình Ngày hội tôn vinh Hiệp sĩ CNTT 2005 (14-8) còn có một số hoạt động khác như tham quan di tích, thăm và tặng quà tại một số cơ sở từ thiện tại Hà Nội.

Dưới đây là danh sách 15 Hiệp sĩ năm 2005 (xếp theo thứ tự ABC):

01. Huỳnh Ngọc Ẩn

Hiện công tác tại Phòng Bưu chính-phát hành báo chí, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp. Tác giả phần mềm ngăn chặn các trang Web đen Mini Fire Wall (MFW), cung cấp miễn phí và sử dụng rộng rãi trong tất cả các bưu điện tỉnh thành cả nước và cho hàng trăm công ty, tổ chức cá nhân. MFW (phiên bản 5) có khả năng ngăn chặn cả các nick chat xấu trên YahooMessenger. Tương thích với mọi Windows, có thể dùng chung với các chương trình duyệt Web thông dụng như IE, Netscape, Opera, Mozilla như sản phẩm cũ; có khả năng chạy trên nhiều trình duyệt phức tạp khác như: SLIE - SOX và các công cụ hỗ trợ duyệt web khác...

02. Lê Nguyên Bình

Công bố 15 Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2005 ảnh 2

Là một người khuyết tật liệt hai chân, làm việc tình nguyện cho Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam với vai trò nhà quản trị của website www.forum.wso.net. Mở cơ sở đào tạo tin học Tiến Bộ (miễn phí cho người khuyết tật); thành lập và điều hành cửa hàng “Hòa Nhập” (Reaching Out) trong khu đô thị cổ Hội An nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật trên toàn quốc.


03. Phạm Sơn Hà

Phạm Sơn Hà cùng Nguyễn Đình Toán và Khúc Hải Vân lập ra CLB Tin học khiếm thị Hà Nội (số 11 ngõ 1 Tạ Quang Bửu); trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng các phần mềm thích hợp cho người mù.

Đầu năm nay, được gia đình cho mượn địa điểm (tầng 2 số 844 Minh Khai, Hà Nội), Hà thành lập Trung tâm Tin học Tia sáng và cùng Phạm Đình Thắng, Sơn Hùng (em Hà) và Khúc Hải Vân (cả bốn người đều khiếm thị) thay nhau lên lớp, dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị.

04. Nguyễn Đức Hiệp

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 1980, về dạy tại trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tự học tin học và mang những hiểu biết của mình ứng dụng vào việc viết sách, làm giáo án điện tử, xây dựng website (www.ephysicsvn.com) dạy Vật lý. Hiện đang giảng dạy tại trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh.

05. Nguyễn Công Hùng

Bị bại liệt bẩm sinh và gần như mất hoàn toàn khả năng vận động nhưng đã tự học, trở thành chuyên gia giỏi về CNTT và truyền bá kiến thức CNTT cho cộng đồng. Giám đốc cơ sở đào tạo tin học nhân đạo Công Hùng, dạy miễn phí cho người khuyết tật tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.


06. Tống Phước Khải

Tác giả bộ phần mềm miễn phí Hanosoft gồm bộ gõ chữ Hán, Nôm và từ điển Hán – Việt – Hán. Sáng lập Website Hanosoft.com phổ biến kiến thức phổ thông về Hán -Nôm, thư pháp và hội họa. Giúp tra cứu những tác phẩm văn học cổ điển dưới dạng sách điện tử theo nguyên văn chữ Hán, Hán - Nôm hay Quốc ngữ. Hiện công tác tại Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Dân lập Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh).

07 - 08. Nguyễn Hữu Mai và Nguyễn Ngọc Minh

Minh và Mai là đôi bạn thân từ nhỏ, cùng đam mê CNTT. Phát hiện ở Việt Nam chưa hề có hệ thống CNTT nào hỗ trợ kỹ thật cho việc xây dựng forum mã nguồn mở dựa trên công nghệ Java, hai anh nảy ra sáng kiến xây dựng giải pháp ứng dụng tạo forum trên mạng bằng ngôn ngữ Java và cùng lập ra forum javavietnam.org.

Năm 2003, Minh và Mai mang mvnforum đi dự thi cuộc thi sản phẩm phần mềm Trí tuệ Việt Nam và đoạt giải Nhì. Hai anh quyết định cung cấp toàn bộ mã nguồn cho cộng đồng sử dụng miễn phí. Nổi bật nhất là hai bạn đã nỗ lực thuyết phục Sun Microsystems tích hợp tiếng Việt cho Java 1.5... Đây là những đóng góp rất hữu ích cho cộng đồng CNTT Việt nói chung và Java Vietnam nói riêng. Hiện cả hai đang sống tại TP Hồ Chí Minh.

09 - 10. Nguyễn Thị Bích Ngọc và Trịnh Công Thanh

Bích Ngọc tốt nghiệp cử nhân Quốc tế học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cô luôn năng nổ nhiệt tình trong rất nhiều hoạt động xã hội, tình nguyện. Hiện là Trưởng Ban đối ngoại của CLB “Tri thức xanh” (Nhà Văn hóa HSSV Hà Nội).

Thanh tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội năm 2001, hiện là Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Hi-Tek (Mỹ). Bản thân là người khuyết tật, anh là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam (www.vndisability.net).

Từ sáng kiến của Ngọc được Thanh hưởng ứng cộng tác, họ thành lập website chất độc da cam (www.chatdocdacam.info), kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với các nạn nhân chất độc da cam.

11. Lê Quý Ngưu

Ông đã dày công xây dựng phần mềm Lê Quý Ngưu Thâu nhập pháp chuyển đổi font chữ từ tiếng Việt sang tiếng Hán, Nôm dành cho người Việt sử dụng và cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Hiện sống tại Huế.

12. Trần Phượng Tường Như

Kỹ sư tin học công tác tại Phòng Tin học, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp. Tác giả của phần mềm Easy NetPC – cài đặt và quản trị mạng máy tính không đĩa cứng - đã cung cấp (hoàn toàn miễn phí) cho các bưu điện và một số trường học tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ,... Đến nay, Easy NetPC đã được ứng dụng cho hơn 1.200 máy tại các trường học, các điểm Internet công cộng và các trung tâm dạy nghề.

Tại Đồng Tháp, phần mềm đã hỗ trợ rất đắc lực cho chương trình "Đưa Internet về nông thôn" với 123 điểm truy cập Internet công cộng tại các bưu điện văn hóa xã và hơn hơn 600 máy trạm. Tường Như còn thiết kế phần mềm Quản lý phòng máy Internet, dùng quản lý việc sử dụng và tính cước tự động, thiết lập báo cáo cho các đại lý Internet công cộng. Phần mềm được sử dụng miễn phí và phổ biến rộng rãi cho cộng đồng.

13. Phạm Thanh Phương

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 1979. Công tác tại trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1983 đến nay. Thầy Phương đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, ứng dụng và Việt hoá phần mềm Cabri để làm giáo án điện tử môn Toán, Vật lý cho các trường trong tỉnh và trên toàn quốc.

14. Nguyễn Hữu Tuấn

Trưởng nhóm SWS, tác giả website nhantimdongdoi.org. Tốt nghiệp Khoa CNTT trường ĐH KHTN Hà Nội khoá 44, Tuấn rất ham mê lập trình và làm web. Bức xúc trước nỗi đau của các gia đình có thân nhân là liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh, nay vẫn chưa tìm được hài cốt, Tuấn cùng nhóm SWS gồm 8 người thiết kế website nhantimdongdoi.org và tình nguyện đưa nó lên mạng phục vụ cộng đồng vô vụ lợi. Hiện nay Tuấn là chuyên viên Bộ Thương mại, Chủ nhiệm ban quản lý Dự án cổng giao dịch điện tử quốc gia.

15. Lê Dân Bạch Việt

Giáo viên khiếm thị  trường Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh. Hiện đang du học tại Hoa Kỳ. Tham gia xây dựng các phần mềm dành cho người khiếm thị như: Phần mềm cho người khiếm thị của nhóm Thạc sĩ Đinh Điền, phần mềm hỗ trợ đọc web tiếng Việt cho người khiếm thị.