Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021: Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập

NDO -

Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu với 37 điểm, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm 34 nền kinh tế cùng mức thu nhập trung bình thấp, xếp trước Ấn Độ (hạng 46) và Ukraine (hạng 49).

Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng GII 2021 mới được WIPO công bố. (Ảnh minh họa)
Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng GII 2021 mới được WIPO công bố. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chiều 20/9, Việt Nam ở vị trí 44/131 quốc gia và nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.

Theo WIPO, cả 4 nền kinh tế châu Á này đều ghi nhận sự thăng tiến trung bình 22 bậc trên bảng xếp hạng GII trong thập kỷ qua, trong đó Việt Nam từ vị trí 76 năm 2012 vươn lên thứ hạng 44 vào năm nay.

“Bên cạnh Trung Quốc, 4 nền kinh tế lớn này đang cho thấy tiềm năng làm thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo hướng tốt đẹp hơn,” WIPO nhận xét.

Báo cáo GII 2021 cho thấy 19 nền kinh tế đang vượt kỳ vọng về đổi mới sáng tạo trong tương quan với trình độ phát triển. Đáng chú ý, Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova, tiếp tục nắm giữ kỷ lục về phương diện này năm thứ 11 liên tiếp.

Việt Nam tiếp tục đạt mức điểm cao hơn mức trung bình của nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp trên tất cả các trụ cột đánh giá GII, và thậm chí còn cao hơn mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình cao ở 4 trụ cột: "Trình độ phát triển thị trường", "Trình độ phát triển kinh doanh", "Sản phẩm tri thức và công nghệ", và "Sản phẩm sáng tạo".

Bảng xếp hạng GII năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 132 nền kinh tế dựa trên 81 tiểu tiêu chí được WIPO, Viện Portulans cùng Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) phối hợp biên soạn.

Dữ liệu GII năm nay cho thấy đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đổi mới từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á. Hàn Quốc tăng 5 bậc lên vị trí thứ 5, trong khi Trung Quốc nhích 2 bậc lên vị trí thứ 12 và duy trì đà tiến vào Top 10.

WIPO đánh giá: “Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch về mặt địa lý của các hoạt động đổi mới sang châu Á trong dài hạn, ngay cả khi Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục là khu vực có các quốc gia đổi mới hàng đầu thế giới”.

Top 4 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất thế giới năm nay không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng trong năm thứ 11 liên tiếp, theo sau là Thụy Điển, Mỹ và Anh. Những cái tên còn lại trong Top 10 ngoài Hàn Quốc ở vị trí thứ 5 là Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Đan Mạch và Đức.

Chỉ số của WIPO cho thấy các quốc gia và doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào đổi mới, bất chấp cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang nhận định nhiều lĩnh vực đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, đặc biệt là những lĩnh vực đã tiến hành số hóa, ứng dụng công nghệ tân tiến và đổi mới.