Xã hội hóa đầu tư hạ tầng truyền dẫn và phát sóng truyền hình

NDO - Việc huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình trong lộ trình số hóa truyền hình như xu thế hiện nay trên thế giới sẽ giúp giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng truyền hình, góp phần thực hiện Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình thời gian tới, sẽ thúc đẩy nhanh quá trình số hóa truyền hình toàn quốc vào năm 2020 của nước ta, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số, tăng số lượng kênh chương trình truyền hình; giúp giải phóng một phần tài nguyên tần số của phát thanh truyền hình để phục vụ phát triển dịch vụ truy nhập thông tin vô tuyến băng rộng, đáp ứng nhu cầu truy nhập đa dạng của người dân. Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, sau mười năm nữa, tại Việt Nam sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình analog để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số. Thị trường cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình tại Việt Nam đã có khoảng mười doanh nghiệp tham gia. Trong đó, sau K+, Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) là đơn vị tư nhân thứ hai tham gia đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số ở Việt Nam. Cho đến nay, với việc đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới, theo tiêu chuẩn kỹ thuật MPEG4-DVBT của châu Âu, AVG dự kiến trong năm 2012 sẽ phủ sóng truyền hình 100% bằng kỹ thuật số vệ tinh (DTH) và 85% bằng kỹ thuật số mặt đất (DTT). DTT sẽ là giải pháp tốt cho những nơi không xem được vệ tinh, hoặc không có đường cáp. Với DTT, việc cung cấp được dịch vụ cho những chung cư bị ngăn cản bởi đường cáp, ăng-ten và set-top box (STB) đều để luôn trong nhà và có thể xem được ngay...

Tuy thực hiện dịch vụ truyền hình như các nhà cung cấp: SCTV, VCTV, K+..., nhưng AVG không phải là một đài truyền hình. Vì vậy, trước khi được phát sóng, phần nội dung một số chương trình của AVG sẽ được Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV) chịu trách nhiệm biên tập, kiểm soát nội dung các chương trình truyền hình và kiểm soát việc truyền dẫn, phát sóng phù hợp theo Luật Báo chí và cơ chế quản lý của Nhà nước. Cùng với việc mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài được phép phát sóng ở Việt Nam và bản quyền phát sóng thi đấu của các liên đoàn thể thao trong nước, cụ thể là của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, AVG sẽ tiếp sóng nguyên vẹn các kênh quảng bá quan trọng của Ðài Truyền hình Việt Nam và một số đài phát thanh - truyền hình địa phương. 

Trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số, một vấn đề đặt ra là liệu các doanh nghiệp tư nhân như AVG tham gia đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này có kiểm soát và bảo đảm được an ninh của hệ thống (bao gồm an toàn nội dung, an ninh sóng, an ninh mạng); khả năng kiểm soát sao lưu, dự phòng và bảo mật toàn bộ dữ liệu liên quan đến khách hàng cũng như dữ liệu trên toàn hệ thống cùng với việc xử lý sự cố phát sinh sẽ như thế nào và liệu họ có đủ năng lực thực hiện những công việc phức tạp và đòi hỏi trình độ công nghệ cao hay không? Giải đáp về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG Phạm Nhật Vũ cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tích hợp hệ thống, công ty đã khai trương Trung tâm Giám sát và điều độ vận hành mạng từ xa (Network Control Center, viết tắt là NCC) tại trụ sở công ty- 15 AV Hồ Xuân Hương. Trung tâm sẽ cho phép kiểm soát toàn bộ hệ thống kỹ thuật, từ điểm thu tín hiệu đầu vào, đến tổng khống chế, hạ tầng truyền dẫn, các trạm phát sóng mặt đất, điểm thu phát sóng vệ tinh trên phạm vi toàn quốc, thông qua 51 màn hình lớn kết hợp với hệ thống tích hợp máy chủ, các máy trạm và hệ thống phần mềm chuyên dụng, được coi là trung tâm giám sát có tầm vóc lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. 

Với mục đích giúp khách hàng nhận được dịch vụ với chất lượng tốt nhất, Trung tâm NCC còn triển khai giám sát chỉnh tín hiệu và chất lượng thu được bởi khách hàng thông qua mạng lưới kiểm thử (probe), được triển khai tại các khu dân cư; thực hiện giám sát chất lượng hình ảnh, nội dung chương trình phát sóng tại đầu ra của Tổng khống chế (NOC); kiểm soát chất lượng hình ảnh tại đầu ra của các thiết bị thu (Set-top box); giám sát hoạt động của các thiết bị tại NOC, kiểm soát hoạt động của các thiết bị tại trạm Uplink và kiểm soát, xử lý các tình huống của hệ thống truyền dẫn qua cáp quang từ NOC đến các trạm phát sóng. NCC cũng kiểm soát và xử lý các tình huống của từng thiết bị các trạm phát sóng; giúp khắc phục những sự cố mà NOC chưa kịp xử lý. Có thể hình dung, chức năng của NCC nhằm hỗ trợ kiểm soát từ xa và sẵn sàng can thiệp để tắt Tổng khống chế (NOC), kiểm duyệt nội dung và kiểm soát phát sóng, nhưng NCC không can thiệp vào nội dung, chỉ can thiệp vào việc tắt trạm phát sóng trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, để bảo mật nội dung theo mô hình phân phối tín hiệu mạng vệ tinh và mặt đất, công ty sử dụng hệ khóa mã bảo mật nội dung (CAS) kết hợp với thẻ giải mã (Smartcard) được thị trường truyền hình số thế giới kiểm chứng về tính bảo mật cao và sự an toàn trong quá trình hoạt động. Trong kế hoạch triển khai thử nghiệm, AVG sẽ đưa vào sử dụng một hoặc nhiều hệ truy nhập có điều kiện (simulcrypt) phù hợp với lộ trình và nhu cầu sử dụng của AVG. 

Với những mô hình như AVG, lộ trình số hóa việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình sẽ thành hiện thực đúng tiến độ đề ra theo quy hoạch. Có thể nói, xã hội hóa được coi là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh cuộc cách mạng số trong phát thanh, truyền hình cả nước nhằm đạt mục tiêu phát triển của Ðảng và Nhà nước ta.