Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp “xanh”

Cuối tháng 8 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Cục Thuế, Cục Hải quan, các sở, ngành và doanh nghiệp thành phố về việc thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường…

Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn nỗ lực nghiên cứu tìm vật liệu mới, thân thiện môi trường thay thế bao bì nhựa truyền thống.
Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn nỗ lực nghiên cứu tìm vật liệu mới, thân thiện môi trường thay thế bao bì nhựa truyền thống.

Đóng góp ý kiến cho luật thuế này, đại diện Sở Công thương thành phố cho rằng chính sách cần được ban hành theo hướng ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang sản xuất thân thiện với môi trường và có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật thuế này. “DN trong lĩnh vực sản xuất bao bì mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để nâng cấp thiết bị, xin giấy chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường (BVMT). Trong khi đó, rất nhiều cơ sở sản xuất khác không có chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng lại cạnh tranh được nhờ giá thấp. Chính sách cần phù hợp hơn để cho những DN đã xin được chứng nhận có lợi thế cạnh tranh hơn”, đại diện Sở Công thương nêu thực trạng. Đại diện Công ty CP Bao bì Sài Gòn đặt vấn đề đánh thuế để hạn chế rác thải nhựa nhưng liệu có hiệu quả khi giá thành bao bì thân thiện với môi trường quá cao? DN này kiến nghị áp dụng thuế theo tỷ lệ nhựa sử dụng cho sản phẩm để bảo đảm công bằng, cạnh tranh. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) Trần Minh Hà chỉ rõ, giá xăng sinh học E5 chênh lệch không đáng kể so với xăng khoáng, cho nên chưa khuyến khích được người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. “Nếu như năm 2018, khoảng cách giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng khoảng 1.500 đến 1.600 đồng/lít, nay giảm chỉ còn 900 đến 1.000 đồng/lít. Sáu tháng đầu năm nay, cả nước sử dụng xăng sinh học mới đạt hơn 30%, riêng khu vực phía nam chỉ hơn 20%. Chúng tôi kiến nghị quy định thuế BVMT ở mức cố định cho xăng E5, thay vì chỉ ưu đãi cho 5% ethanol dùng để pha trộn xăng E5. Làm sao đạt mức chênh lệch ít nhất 2.000 đồng/lít mới đủ kích thích người tiêu dùng đổ xăng E5”, ông Hà nêu ý kiến. Đại diện Công ty Nhựa Tân Phú cho biết, để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không nằm ngoài mục tiêu chiến lược của Nhựa Tân Phú. Công ty đã tập trung áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tích cực nhất cho nên đã đạt được lợi ích kép về kinh tế và môi trường. Công ty thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ bằng bóng đèn hiệu suất cao; đầu tư mới và thay thế dây chuyền máy móc thiết bị cũ bằng dây chuyền máy móc thiết bị thế hệ mới, hiệu suất cao… Dự án này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng tiền điện/năm.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, phải có chỉ số đo lường rõ ràng về mức độ ô nhiễm để tránh tình trạng nhiều nhóm đối tượng gây ô nhiễm nằm ngoài tác động của luật này, đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm vi phạm. “Các nước trên thế giới rất ủng hộ DN xanh, thân thiện với môi trường. Những DN này nếu lên sàn chứng khoán rất được quan tâm, được hưởng nhiều ưu đãi, chiếu cố về chính sách thuế để phát triển tốt hơn”, ông Quốc dẫn chứng để góp ý cho Luật Thuế BVMT. Ngoài ra, ông đề xuất cần rõ ràng trong vấn đề thu chi, chi đúng đối tượng, không “hòa” phần thu BVMT vào ngân sách chung… để thấy được hiệu quả từ việc sử dụng nguồn thu BVMT. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh mục tiêu mà thế giới, trong đó có Việt Nam, hướng tới là tăng trưởng xanh gắn liền với BVMT. Từ đó, ông cho rằng, bên cạnh Luật Thuế BVMT, các luật thuế khác như thu nhập DN, giá trị gia tăng… cần được xây dựng theo hướng giảm thuế để khuyến khích DN sản xuất thân thiện với môi trường và ngược lại với DN gây ô nhiễm. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Văn Thị Bạch Tuyết nhận định, cần thiết cải cách hệ thống thuế sao cho phù hợp với mục tiêu khuyến khích sản phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những sản phẩm này với mức giá phù hợp hơn. Và cải cách thuế phải có tác động lớn đến thay đổi hành vi của người tiêu dùng, bảo đảm thu đúng, thu đủ, hiệu quả.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức buổi “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần củng cố các luận cứ khoa học về sử dụng chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam, phục vụ xây dựng chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021 - 2030 và chiến lược tài chính 2021 - 2030. Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) Nguyễn Mạnh Hải cho biết, Việt Nam đã ban hành và áp dụng một số chính sách thuế liên quan mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn, số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra… Đối với chính sách phí bảo vệ môi trường, nghiên cứu chỉ ra rằng, cần tiếp cận theo cơ chế giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư tham gia thu gom, xử lý chất thải…