Thúc đẩy “xanh hóa” ngành dệt may

Thực hiện “xanh hóa” quy trình sản xuất là một trong những yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp ngành dệt may tại TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng quốc tế về bảo vệ môi trường khi Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.

Công nhân may mặc tại Công ty cổ phần may Nhà Bè tại phường Tân Thuận Đông, quận 7.
Công nhân may mặc tại Công ty cổ phần may Nhà Bè tại phường Tân Thuận Đông, quận 7.

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Theo thống kê, 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020... Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng dự báo cả năm 2021, xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối khả quan và đạt mục tiêu xuất khẩu 38 tỷ USD. 

Dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại với các nước và khu vực đã ký kết. Nhưng, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp khi mà chuỗi cung ứng phải bảo đảm những yêu cầu của các hiệp định về cam kết bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước. Phó Chủ tịch VITAS, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết: “Đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Rào cản lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, không phải vì thấy khó mà dừng lại, vì nếu để mất khách hàng doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động. Do đó, chuyển đổi “xanh hóa” là vấn đề cấp bách cần hành động ngay chứ ko phải loay hoay lựa chọn giải pháp”.

Thực hiện “xanh hóa” quy trình sản xuất, Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công có trụ sở tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thành công hệ thống điện mặt trời áp mái cho hai nhà máy ở Vĩnh Long, xây dựng hệ thống tái sử dụng nước, hỗ trợ các thiết bị tái sử dụng nước, điện. Từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thường sử dụng lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm. Tuy nhiên, trước áp lực xả thải CO2 rất lớn từ các lò hơi này cùng chi phí than đá đang ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang thay đổi nhiên liệu than đá. Theo đó, Công ty Thành Công đang đàm phán với các đối tác thay thế than đá bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải mà nâng cao hiệu quả. Phó Giám đốc Công ty quốc tế Phong Phú (có trụ sở tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Liên cho rằng: “Phát triển xanh” mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ngành dệt may, giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm khoản chi phí mà còn tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Hiện nay, công ty đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất. Ứng dụng được áp dụng ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi cũng đang sử dụng công nghệ xử lý nước thải giúp tái sử dụng nước trong quy trình sản xuất chiếm khoảng 35%. Công ty đang hướng tới tương lai sẽ sử dụng công nghệ có thể xử lý 100% nước thải để phục vụ tái sản xuất”.

Quản lý Chương trình dệt may của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) Hoàng Thanh Nga cũng cho rằng, doanh nghiệp hiện đang có nhiều động lực tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên. Thứ nhất là giảm chi phí nước, năng lượng giúp tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp dệt, nhuộm vải trong nước. Thứ hai là phải thực hiện yêu cầu từ nhà mua hàng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất để giữ được đơn hàng. Thứ ba là những doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi... “WWF luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam. Theo đó, WWF và VITAS sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghiệp dệt may nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn giúp doanh nghiệp trang bị đầy đủ kiến thức về công nghệ tiết kiệm nước, hóa chất, năng lượng. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả các giải pháp nước, năng lượng; tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh. Đồng thời, truyền thông các trường hợp thành công để nhân rộng chuyển đổi xanh trong ngành dệt may”, bà Hoàng Thanh Nga cho biết thêm.