Tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ sinh học

Là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển công nghệ sinh học (CNSH), TP Hồ Chí Minh xác định đây là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) không chỉ cho thành phố mà cả khu vực phía nam. Mục tiêu trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phấn đấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đặc thù, trong đó lấy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, CNSH làm nền tảng.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Nhà Bè.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Nhà Bè.

Sau hơn ba tháng mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” được chuyển giao cho Hợp tác xã (HTX) Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, kết quả mang lại đạt khá cao với lãi ròng hơn 800 triệu đồng/ha nuôi tôm. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông thành phố phối hợp với các đơn vị nghiên cứu công nghệ sinh học triển khai và chuyển giao cho HTX. Ông Nguyễn Duy Sinh, xã viên HTX Thủy sản và dịch vụ Duyên Hải cho hay: Khi áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP, ao nuôi tôm bảo đảm kỹ thuật cung cấp ô-xy để tôm phát triển tốt. Ước tính năng suất đạt 11,8 tấn/ha/năm, cao hơn gần gấp hai lần so với phương thức nuôi truyền thống. Trọng lượng tôm trung bình 30 đến 34 con/kg. Ưu điểm của mô hình này là sử dụng vi sinh để ổn định chất lượng nước, nền đáy ao, nâng cao sức đề kháng của tôm, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Dựa trên nền tảng tiềm lực khoa học - công nghệ lớn với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cũng như kinh phí dành cho nghiên cứu, chuyển giao, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp CNC, Trung tâm CNSH, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa CNC. Bước đầu, ba đơn vị này phát huy hiệu quả, có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

PGS, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH thành phố cho biết: Riêng ở lĩnh vực CNSH thủy sản, trung tâm tập trung nghiên cứu các chương trình chẩn đoán bệnh, vắc-xin phòng ngừa bệnh, chế phẩm vi sinh, cao chiết thảo dược, chế phẩm sinh học đối kháng bệnh nhằm tăng cường hệ miễn dịch đối với vật nuôi thủy sản. Trung tâm tăng cường nghiên cứu ứng dụng CNSH để chọn tạo và lai giống các loài vật nuôi thủy sản có tiềm năng kinh tế, nghiên cứu các nguồn thức ăn tự nhiên cũng như hệ sinh thái vi sinh vật đặc thù ở từng vùng nuôi khác nhau, bảo đảm môi trường nuôi trồng thủy sản ổn định và bền vững. Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu công tác sưu tập và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật bản địa và ứng dụng với 450 chủng vi sinh vật để ứng dụng trong trồng trọt.

Trên địa bàn thành phố, hiện có 20 phòng cấy mô, hằng năm sản xuất được khoảng 23 triệu cây giống cấy mô để cung ứng, mở rộng diện tích trồng hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh khu vực phía nam. Chỉ tính riêng Trung tâm CNSH thành phố, đơn vị này đã xây dựng bộ sưu tập, bảo tồn hơn 380 giống hoa lan, trong đó có 145 loài lan rừng quý hiếm, 120 giống kiểng lá, 117 giống hoa có giá trị kinh tế cao và hơn 100 giống dược liệu quý. Cùng với đó là hoàn thiện các quy trình nhân giống in trong ống nghiệm để sản xuất cây giống nhiều loại hoa, kiểng lá với sản lượng trung bình đạt 300 nghìn đến 400 nghìn cây/năm, cung cấp cho thị trường khoảng 100 nghìn cây giống/năm. Đối với Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, với việc vận hành thành công quy trình, công nghệ mới, như hệ thống phần mềm quản lý đàn bò sữa, hệ thống phần mềm tính toán khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, hệ thống làm mát cho bò, hệ thống vắt sữa… đã giúp cải thiện, nâng cao năng suất sữa của đàn bò. Nhờ đó, năng suất sữa bình quân đạt 24,5 kg/ngày. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 30 hộ chăn nuôi bò sữa, góp phần cải thiện năng suất sữa bình quân tăng lên 2 đến 3,3 kg/con/ngày.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, phát triển CNSH tại TP Hồ Chí Minh tuy đạt được những kết quả khích lệ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của thành phố. Nguyên nhân được cho là việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa theo kịp xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, CNSH. Cùng với đó, vấn đề tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, dẫn đến các HTX và doanh nghiệp triển khai ứng dụng CNC, CNSH vào sản xuất gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng... Từ đó, các chuyên gia đề xuất, để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, CNSH vào sản xuất, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối các đơn vị nghiên cứu là xu thế tất yếu. Phát triển CNSH không thể tách rời với các xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng in-tơ-nét vạn vật (IoT)… Thành phố không chỉ cần đầu tư cho nghiên cứu mà còn phải đầu tư cho các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp, CNSH, đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNSH để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng đặc thù của thành phố.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất giống và những cây con chất lượng cao, ứng dụng CNC, CNSH kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực nông nghiệp của thành phố, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, CNSH, nông nghiệp thông minh...