Tập đoàn VNPT đạt nhiều kết nổi bật trong năm 2019

NDO -

NDĐT - Ngày 24-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2020.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng.

Năm 2019, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, tạo động lực và áp lực lên các Chính phủ trong việc nhanh chóng chuyển đổi số nền kinh tế. Bên cạnh cơ hội, CMCN 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức đối các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong việc phải nhanh chóng chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, đáp ứng yêu cầu mới. Với tinh thần quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2019.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so thực hiện năm 2018. Trong đó, doanh thu Công ty mẹ đạt 45.730 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch và 101,4% so thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so thực hiện năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,9%, đạt 100% kế hoạch, tăng 7% so năm 2018. Nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 10% so thực hiện năm 2018. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7% so năm 2018.

Bên cạnh đó, về phát triển dịch vụ, VNPT cũng tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm ba dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng. Qua đó, dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750 nghìn thuê bao, tăng 210% so với thực hiện năm 2018. Tổng số thuê bao phát sinh cước ước tính đạt hơn 1,63 triệu thuê bao, tăng 152% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, VNPT đã giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT, thương hiệu Vinaphone. Thương hiệu VNPT đã vươn lên vị trí thứ 2 trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó thương hiệu Vinaphone cũng duy trì đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và VNPT phải giữ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nền kinh tế, trong năm 2019, VNPT đã tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, hai thành tố vô cùng quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai chính phủ điện tử.

Mặt khác, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, tổ chức/doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh. VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh/thành phố; triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh/thành phố. Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu Dịch vụ hóa đơn điện tử đạt khoảng 1,4 triệu hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.

Bước sang năm 2020, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, Ban Tổng giám đốc, các cán bộ chủ của Tập đoàn chốt đã cùng thống nhất phải tạo được sự đột phá trong tiến công vào cuộc cách mạng số, đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và khu vực. Muốn làm được điều đó, Tập đoàn sẽ tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ lãnh đạo các cấp đủ trình độ để điều hành Tập đoàn triển khai thành công chuyển đổi số; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu; đào tạo nguồn lực CNTT để dẫn dắt chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ số cho quốc gia. Bên cạnh đó, cần tập trung đột phá chính sách về tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, không chỉ trên các nền tảng văn bản mà cần có sự xuyên suốt từ lãnh tạo tập đoàn đến cá nhân, từ các đơn vị đến trực tiếp người sản xuất. Cần làm rõ ràng hơn trách nhiệm địa bàn của 63 tỉnh, thành phố, làm rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các trưởng đại diện địa phương.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của năm 2020 là phải tạo sự đột phá về hạ tầng. VNPT muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu thì trước hết phải đi đầu về hạ tầng. Sang năm 2020 này, cần bảo đảm các hạ tầng về viễn thông, dịch vụ di động, CNTT của Tập đoàn phải đi trước một bước.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao các thành tích mà NVPT đã đạt được trong năm 2019, nhất là việc tiếp tục thể hiện rõ được vị trí chủ lực trong lĩnh vực viễn thông, CNTT của đất nước, tham gia tích cực vào quá tình chuyển đối số quốc gia. Ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị, VNPT cần tập trung đoàn kết nội bộ, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mực các nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch mà Ủy ban Quản lý vốn giao cho năm 2020. Năm tới là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng và Kế hoạch trung hạn 2016-2020, vì vậy, VNPT cần quyết tâm hơn nữa để hoàn thành kế hoạch trung hạn để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời bắt tay xây dựng Kế hoạch trung hạn mới cho giai đoạn mới 2021-2025. Ngoài ra, cần tập trung nhiều giải pháp phát triển thị phần, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; cần phát triển hệ sinh thái sản phảm, hiện đại hóa hạ tầng CNTT, tích hợp dịch vụ với công nghệ mới, đa dạng hóa dịch vụ, xây dựng các sản phảm mới ưu việt nhằm thu hút khách hàng; tối đa hiệu quả kinh doanh trên tệp khách hàng hiện hữu. Tiếp tục thể hiện vị trí chủ lực, dẫn dắt trong lĩnh vực Viễn thông-CNTT của đất nước; tích cực, chủ động đóng góp xây dựng Chính phủ điện tử, công nghệ 4.0, tiến tới chính quyền số và nền tảng kinh tế số cho đất nước. Đặc biệt, VNPT, Mobifone và Viettel là ba đơn vị lớn của nhà nước trong lĩnh vực CNTT, trong đó VNPT phải trở thành cầu nối để kết nối ba doanh nghiệp lại, để cùng cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển trên cơ sở ngày càng phục vụ tốt hơn cho đất nước và nhân dân với chất lượng, hiệu quả và bền vững hơn.

Cũng tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư Phạm Tấn Công trao tặng ông Trần Mạnh Hùng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tuyên giáo.