Thông tin doanh nghiệp

Tầm nhìn phát triển du lịch của vùng đất bên dòng Sông Lô

Huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) hoạch định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Một trong những mục tiêu kinh tế của địa phương này là đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch, gắn với phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ du lịch.

Lễ hội bơi chải truyền thống ở xã Tứ Yên. (Ảnh: Khánh Linh)
Lễ hội bơi chải truyền thống ở xã Tứ Yên. (Ảnh: Khánh Linh)

Sông Lô là một vùng đất cổ với những công trình văn hóa nổi tiếng như tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Rước cây bông ở xã Đồng Thịnh, lễ hội Trống quân ở xã Đức Bác, lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu.

Tuy nhiên, nhiều cảnh quan đẹp như: Hồ Điển Triệt, hồ Bò Lạc, thác Bay, núi Sáng, hồ Suối Sải, thác Lát Mưa vẫn còn là những cái tên xa lạ với người dân ngoại tỉnh. Tài nguyên du lịch phong phú như thế, mà việc giao lưu cũng rất dễ dàng. Sông Lô chỉ cách thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) một con sông, cách Khu di tích lịch sử Đền Hùng hơn 10 cây số, đi Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội đều tiện lợi.

So với không khí công nghiệp sôi động của tỉnh Vĩnh Phúc, Sông Lô vẫn là vùng đất yên bình. Đến nay, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất tỉnh. Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế của địa phương này rất lớn, từ tài nguyên du lịch phong phú, cảnh sắc hữu tình, sự hiếu khách cho đến quỹ đất dồi dào. Bên cạnh dòng sông Lô uốn lượn là dãy núi Tam Đảo sừng sững, thấp hơn là những hồ nước, ao đầm lớn. Tiềm năng kinh tế sông cũng rất lớn, có thể phát triển du lịch, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản trên sông Lô.

VinhPhuc2-1632732692463.jpeg
 Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức ở xã Đồng Quế. (Ảnh: Khánh Linh)

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tháng 7/2021, Huyện ủy Sông Lô đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với lộ trình khá cụ thể. Trong các giải pháp được đưa ra, có giải pháp quy hoạch chi tiết một số điểm, khu du lịch trọng điểm như khu núi Sáng - hồ Bò Lạc - thác Bay, khu trung tâm thị trấn Tam Sơn, khu hồ Suối Sải, hồ Điển Triệt, khu đô thị, thương mại, dịch vụ xã Đức Bác. Tổ chức tham quan các di tích lịch sử văn hóa kết hợp với du lịch tâm linh như tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức, đền Bạch, Nhà bia tưởng niệm chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ…

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống có thể góp phần phát triển du lịch, như làng nghề đá mỹ nghệ Hải Lựu, mây tre đan Cao Phong, trồng hoa và cây cảnh Đức Bác. Sông Lô còn có nhiều sản vật muốn giới thiệu với du khách như xôi ngũ sắc của dân tộc Cao Lan, bánh tẻ Tứ Yên, cá thính Đức Bác, canh giả Hải Lựu, bánh nẳng chợ Tràng ...

Đáng chú ý, khu núi Sáng - hồ Bò Lạc với trung tâm là Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức sẽ được thu hút đầu tư để trở thành tổ hợp du lịch với đầy đủ các loại hình dịch vụ như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, hội nghị, hội thảo và leo núi. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng sẽ được phát triển tại khu hồ Suối Sải ở xã Lãng Công. Huyện cũng hy vọng có một tuyến du lịch đường sông để khai thác các điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch sinh thái ven sông Lô.

Sông Lô đặt mục tiêu đến năm 2030 đón 40 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 165 tỷ đồng.

Về hạ tầng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang đầu tư lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng đất này. Nhiều tuyến đường được xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp như đường dọc chân núi Tam Đảo, đi qua Khu danh thắng Tây Thiên kéo dài đến sông Lô. Dự án cầu Vĩnh Phú nối xã Đức Bác với thành phố Việt Trì sẽ khởi công vào cuối năm nay, như vậy từ huyện Sông Lô sang Việt Trì sẽ có ba cây cầu. Đường song song hai bên đường sắt nối với thành phố Vĩnh Yên đang được thi công, rút ngắn thời gian đi lại.

Tuyến đường từ nút giao IC6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trung tâm huyện cũng đang được đầu tư mở rộng để kết nối các khu công nghiệp Sông Lô 1, Sông Lô 2 và các trung tâm thương mại, du lịch. Đường vành đai 5 trong quy hoạch khung đô thị Vĩnh Phúc sẽ được triển khai trong thời gian tới. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện kết nối các trung tâm, các khu du lịch, điểm di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề trên địa bàn huyện đang được nâng cấp.

Mặc dù là địa phương duy nhất của Vĩnh Phúc vừa có sông lớn bao bọc, vừa có núi cao, hồ lớn, nhưng khách quan mà nói, huyện Sông Lô không có kỳ quan thiên nhiên hay thắng cảnh tầm quốc gia, di tích nhiều nhưng thiếu điểm nhấn du lịch. Do đó, để trở thành một điểm đến trong các tour du lịch thì địa phương này phải thu hút được các “đại bàng” về xây dựng các khu giải trí tầm cỡ, xây dựng cảnh quan nhân tạo đặc sắc. Đồng thời phải kết nối mạnh mẽ với các khu du lịch nổi tiếng gần đó như: Tam Đảo, Ba Vì, Tân Trào.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Đăng Tâm cho biết, huyện đã thuê tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch chi tiết, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Quan điểm của địa phương là tập trung phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực ngành du lịch, dịch vụ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh công nghiệp du lịch trong thời gian tới.