Mô hình bồi dưỡng mới tạo động lực cho giáo viên phát triển năng lực

Mô hình mới trong bồi dưỡng giáo viên được thầy cô nhận định là thuận tiện, hiệu quả; đặc biệt là có thể thúc đẩy được tinh thần tự học, tự bồi dưỡng với tài liệu tập huấn chất lượng và sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên cốt cán, giáo viên cốt cán.

Giáo viên phát triển năng lực khi được trải nghiệm mô hình bồi dưỡng mới.
Giáo viên phát triển năng lực khi được trải nghiệm mô hình bồi dưỡng mới.

Xây dựng các cộng đồng học tập

Trong 3 năm qua, thông qua chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Chia sẻ về mô hình bồi dưỡng mới, điều cô Lương Thị Hồng, Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) tâm đắc là được chủ động về thời gian tham gia bồi dưỡng. Giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, có thể lưu trữ tài liệu dễ dàng, tiết kiệm chi phí đi lại.

“Quá trình tập huấn, từ mô-đun 1 cho đến mô-đun 4, tôi nhận thấy điểm mới của chương trình này là tính hệ thống. Giáo viên được nghiên cứu tài liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) để nắm nội dung cụ thể; sau đó được hướng dẫn trực tiếp từ các giảng viên sư phạm có năng lực và tâm huyết”.

Tham gia tập huấn, giáo viên cũng được “trực tiếp hoạt động, trực tiếp thực hành” các nội dung lên lớp của báo cáo viên để đáp ứng mục tiêu, phương pháp trong quá trình giảng dạy; được tạo điều kiện về cơ sở vật chất trong thời gian tập huấn. “Chương trình giúp chúng tôi tiếp cận với nhiều phương pháp dạy học mới. Với hình thức bồi dưỡng qua mạng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, với cộng đồng kết nối thường xuyên, liên tục giữa giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt thì mọi thắc mắc sẽ được trao đổi, thảo luận và hỗ trợ kịp thời”, cô Lương Thị Hồng cho hay.

Tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Việc tham gia Chương trình ETEP mang lại hiệu quả không chỉ cho giáo viên phổ thông mà còn cho chính những giáo viên sư phạm chủ chốt. Cả giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông đều tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, được cùng nhau trao đổi, chia sẻ những phương pháp dạy học để có thể truyền tải hiệu quả nhất.

Giáo viên phát triển năng lực sau bồi dưỡng

Cô Cao Thị Thanh Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Huế cho biết, giáo viên vẫn tương tác, được giải đáp các thắc mắc, các tài liệu đều được cung cấp một cách đầy đủ trên hệ thống. Nội dung được thiết kế khoa học, phân tích kỹ với nhiều thí dụ rõ ràng giúp quá trình tự học rất thuận lợi.

“Các nội dung được tập huấn thực ra lâu nay đã và đang áp dụng trong thực tế giảng dạy nhưng nhiều khi chưa bài bản, đúng quy trình. Sau khi tham gia tập huấn, tôi nắm chắc hơn các nội dung và mạnh dạn xây dựng các kế hoạch dạy học, giáo dục, hay thiết kế các bài học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tôi cũng tự tin hơn khi trao đổi với đồng nghiệp về các nội dung đã được tập huấn.

Quá trình tham gia bồi dưỡng cũng giúp cô Lương Thị Hồng nâng cao nhiều năng lực. Cụ thể, nâng cao năng lực về tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh; nâng cao giá trị bản thân, nâng cao tay nghề, được tiếp cận sớm, được tiếp xúc với giảng viên sư phạm, mở mang thêm các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

“Trình độ công nghệ thông tin trong thời gian tự bồi dưỡng 4 mô-đun trên hệ thống LMS cũng tiến bộ rõ rệt. Nếu thời gian đầu còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên LMS thì nay, tôi đã thao tác trơn tru mà không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa”, cô Lương Thị Hồng cho hay.