Thông tin kinh tế

Đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc: Lòng tin kinh tế và cam kết lâu bền

Bằng hành động nhất quán và tinh thần cầu thị, tỉnh Vĩnh Phúc đã củng cố vững chắc niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua những chỉ số về thu hút đầu tư, doanh thu, lợi nhuận, mở rộng sản xuất và số lượng các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh.

Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có hạ tầng hiện đại, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. (Ảnh: Hà Hồng Hà)
Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có hạ tầng hiện đại, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Lòng tin nối tiếp lòng tin

Nhiều năm nay, từ các doanh nghiệp tên tuổi như Honda, Toyota của Nhật Bản cho đến các công ty của châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều cam kết gắn bó lâu dài với Vĩnh Phúc, thể hiện ở việc không ngừng tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối các doanh nghiệp khác đầu tư vào tỉnh.

Theo ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần Vina CPK (Tập đoàn VinaCapital), chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện II tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi; chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư của các KCN trên địa bàn; sự quyết tâm và đồng hành của các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng luôn đồng hành sát sao với doanh nghiệp, thường xuyên lắng nghe và đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời.

Sau 10 năm kể từ ngày khởi công dự án, KCN Bá Thiện II đã thu hút hơn 55 dự án với tổng mức đầu tư 885 triệu USD. Phần diện tích hơn 200ha đất sạch được chính quyền bàn giao, công ty đã chủ động đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy toàn bộ. Hiện tại, công ty đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích hơn 100ha còn lại, để sớm có quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư quan tâm đến dự án KCN này.

Đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc: Lòng tin kinh tế và cam kết lâu bền -0
 Công ty Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) liên tục mở rộng sản xuất trong năm 2021 (Ảnh: Nguyên Lượng)

Ông Quang cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lựa chọn KCN Bá Thiện II không chỉ vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao và đồng bộ, mà còn do dịch vụ hỗ trợ các nhà đầu tư của KCN rất tốt.

Với quan điểm thu hút nhà đầu tư đã khó, giữ chân nhà đầu tư còn khó hơn, chủ đầu tư hạ tầng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ các nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu của dự án cho đến suốt quá trình hoạt động sản xuất trong KCN, như thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, nhập cảnh, kiểm toán, lao động, cung cấp các dịch vụ cho hoạt động sản xuất như điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông, cập nhật thông tin chính sách cho các doanh nghiệp …

Thực tiễn cho thấy, việc lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng KCN thiếu năng lực và kinh nghiệm có thể dẫn đến việc chậm trễ triển khai dự án đầu tư ảnh hưởng hiệu quả thu hút đầu tư, gây lãng phí tài nguyên đất đai của địa phương. 

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định rõ, chỉ có hạ tầng và dịch vụ KCN tốt cùng với sự quyết tâm và đồng hành của hệ thống chính quyền thì mới đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình KCN được các nhà đầu tư đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế như KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Nhật Bản) và KCN Bá Thiện II (Singapore).

Sự thành công của các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Vĩnh Phúc là nguyên nhân căn bản dẫn đến dòng đầu tư FDI chảy mạnh vào địa phương này những năm gần đây. Nói cách khác, “hữu xạ tự nhiên hương”, các doanh nghiệp thành công là minh chứng rõ ràng thôi thúc các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 9/2021, số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN còn hiệu lực là 404 dự án, trong đó có 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ USD.

Các KCN đã hoàn chỉnh hạ tầng cơ bản được lấp đầy, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như KCN Bình Xuyên có 84 dự án FDI, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 92%; KCN Bình Xuyên II thu hút được 57 dự án FDI, đã lấp đầy 100%…

Bên cạnh đó, nhiều KCN đang trong thời kỳ bồi thường giải phóng mặt bằng như Sơn Lôi; Sông Lô I; Sông Lô II và Tam Dương I - Khu vực 2, hứa hẹn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc: Lòng tin kinh tế và cam kết lâu bền -0
 Đón công nhân vào ở miễn phí tại ký túc xá Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc).

Thấu hiểu doanh nghiệp

Để có được tinh thần, thái độ, kỹ năng phục vụ doanh nghiệp như hôm nay, Vĩnh Phúc đã trải qua 20 năm đồng hành với các doanh nghiệp FDI, đã lắng nghe, thấu hiểu, tích lũy nhiều kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài. Thậm chí, đã có những công chức bị điều chuyển, phê bình vì để doanh nghiệp phàn nàn, cán bộ có lúc căng thẳng với nhau bởi áp lực từ phía doanh nghiệp.

Ngay trong dịch bệnh Covid-19, Vĩnh Phúc cũng chịu áp lực rất lớn từ các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các doanh nghiệp FDI.

Đầu tháng 5/2021, khi tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN phải xét nghiệm Covid-19 cho tất cả chuyên gia, cán bộ quản lý và người lao động, nhiều doanh nghiệp FDI đã lên tiếng phản đối vì không muốn bỏ chi phí xét nghiệm. Kết hợp các biện pháp vận động, đôn đốc, kiểm tra, đối thoại trực tiếp và hỗ trợ y tế, tỉnh đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành việc xét nghiệm trong vòng 10 ngày cho hơn 100.000 lao động. Doanh nghiệp nào cũng phải thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi thấy rõ hiệu quả chống dịch của tỉnh, các doanh nghiệp trở nên tin tưởng, ủng hộ các biện pháp chống dịch của tỉnh. Những ngày vừa qua, rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài đã đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc để cảm ơn tỉnh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Doanh nghiệp FDI ủng hộ cho tỉnh nhiều thiết bị, vật tư y tế, hàng chục tỷ đồng cho chống dịch, như: Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Lâm Viễn Vĩnh Phúc, Compal Việt Nam, Công nghiệp Chính xác Việt Nam, Northstar Precision Việt Nam, Toyota Boshoku Hà Nội, Piaggio Việt Nam...

Ông Han Jung Ho, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc khẳng định: “Các nhà đầu tư Hàn Quốc luôn chia sẻ với địa phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ tỉnh 41 máy thở, vận động các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí thuê máy bay đón công dân Vĩnh Phúc trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam”.

Đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc: Lòng tin kinh tế và cam kết lâu bền -0
 Tổ chức tiêm vaccine cho công nhân các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo doanh nghiệp nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên tiêm vaccine cho chuyên gia và công nhân các KCN. Ông Landini Daniele, Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH Piaggio Việt Nam bày tỏ: “Việc người nước ngoài như chúng tôi được tiêm vaccine vào thời điểm này là món quà vô cùng ý nghĩa. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo tỉnh và người dân Vĩnh Phúc. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và đúng đắn khi chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư, kinh doanh”.

Hiện nay, Vĩnh Phúc phải cạnh tranh thu hút đầu tư với các tỉnh khu vực Bắc Bộ. Giao thông phát triển khiến cho lợi thế địa lý của Vĩnh Phúc không còn như trước. Kỳ vọng của tỉnh thu hút được các đại dự án nhiều tỷ USD chưa thành hiện thực.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc, chủ đầu tư hạ tầng KCN Khai Quang cho rằng, để củng cố lòng tin của doanh nghiệp, quan trọng nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn gì, chính quyền, chủ đầu tư hạ tầng phải nỗ lực tháo gỡ ngay.

Để giúp doanh nghiệp vượt ải Covid-19, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành đều phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu một số biện pháp đang triển khai: “Tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng xây dựng quy trình đầu tư mới, rút giảm khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể sang trực tiếp để thực hiện thủ tục đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.

Chị Lưu Thị Tuyết Nhung, thành viên Tổ giúp việc cho biết, sau 2 tháng hoạt động, Tổ giúp việc đã tiếp nhận gần 1.000 cuộc điện thoại do các doanh nghiệp gọi tới, đã tư vấn, giải quyết yêu cầu đa dạng của các doanh nghiệp FDI như đề xuất cho chuyên gia nhập cảnh vào tỉnh, đưa đón lao động từ các tỉnh khác... Tổ giúp việc trực tiếp xử lý nhiều công việc và báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải. Tỉnh nỗ lực xử lý các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất, bảo đảm không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

Từ nỗ lực của các cấp, các ngành, 9 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc thu hút 29 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 874,90 triệu USD và 117,58 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, tăng 218,6% so cùng kỳ năm 2020.

Trong các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư phải kể đến dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD; dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam vốn đầu tư 51,8 triệu USD; dự án nhà máy Key Technology Hà Nội tăng vốn 37,96 triệu USD;... Đó là những chỉ số báo hiệu Vĩnh Phúc đang có được lòng tin kinh tế mạnh mẽ từ đối tác quốc tế.