Đạt “mục tiêu kép” trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Dữ liệu của ngành điện TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng điện tiêu thụ trong các ngày đầu tháng 7 vẫn đang ở mức cao, bình quân hơn 70 triệu kwh/ngày, trong đó lượng điện của khách hàng sinh hoạt chiếm khoảng 40%. 

Công nhân công ty Điện lực TP Thủ Đức hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm điện các thiết bị làm mát trong gia đình.
Công nhân công ty Điện lực TP Thủ Đức hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm điện các thiết bị làm mát trong gia đình.

Các con số này cũng là lưu ý của ngành điện TP Hồ Chí Minh đối với việc sử dụng điện trong sinh hoạt, nhất là trong giai đoạn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết: nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao là do khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị để làm mát.

Như máy lạnh, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28-64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình.

Hóa đơn tiền điện kỳ tháng 7 (tiêu dùng điện trong tháng 6) vẫn còn ở mức cao, một phần vì thời tiết tháng 6 vẫn còn nắng nóng.

Mặt khác, từ tháng 6, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và hiện nay đang áp dụng Chỉ thị 16, người dân ở nhà nhiều, đông người trong một gia đình nên sử dụng các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.

Theo tính toán, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%. Do đó, khi nhiệt độ ngoài trời tăng và nhiệt độ phòng vẫn đặt ở mức thấp thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều.

Tính toán này được các giảng viên Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng thử nghiệm đối với hai giàn nóng của máy điều hòa hoạt động trong các điều kiện thời tiết khác nhau (một máy ở điều kiện mát mẻ và một máy ở điều kiện môi trường nóng) và vận hành theo các khung giờ gồm: 8-11 giờ, 12-15 giờ và 15-18 giờ.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống điều hòa nơi có nhiệt độ môi trường cao tiêu thụ điện năng cao lên đến 10.720 Wh/12 giờ/ngày, ngược lại ở phòng kia, mức tiêu thụ điện năng ở khoảng 6.624 Wh/12 giờ/ngày

Ngoài ra, thử nghiệm cũng cho thấy với cùng mức nhiệt độ môi trường là 40 độ C, nếu nhiệt độ phòng được cài đặt tăng lên ở 28 độ C thì mức điện năng tiêu thụ giảm chỉ còn 3.264 Wh (so với 10.720 Wh khi nhiệt độ phòng ở 20 độ C).

Thí nghiệm trên cho thấy, khi nhiệt độ của điều hòa cài đặt càng thấp thì điện năng tiêu thụ của đồng hồ sẽ tăng cao và ngược lại. Vào các ngày có nhiệt độ ngoài trời cao hơn thì mức tiêu thụ điện năng cũng cao hơn.

Để hạn chế hóa đơn tiền điện trong đợt giãn cách xã hội tăng cao đột biến, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện để đạt mục tiêu kép là giảm nguy cơ sự cố điện, vừa giảm tiền điện.

Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”.

Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.

Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng.

Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay.

Song song đó, khách hàng tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” về thiết bị di động để biết rõ lượng điện tiêu thụ và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện.