Vị quê hương

Tôi nghĩ nếu có thứ gì dễ mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhất, thì chính là đồ ăn. Như cô Hoa hậu H’Hen Niê gây ấn tượng mạnh bởi chiếc váy bánh mì. Các nhà hàng Việt trên thế giới khá nhiều, và đa phần đều không còn vị thuần Việt. Nhưng vẫn có một thứ gọi là vị quê hương, ở những món ăn được làm vội nơi xứ người.

Món ăn Việt luôn chinh phục được khách nước ngoài. Ảnh: NAM ANH
Món ăn Việt luôn chinh phục được khách nước ngoài. Ảnh: NAM ANH

Người chưa từng biết bánh Trung thu

Đó là lần đầu tôi gặp một người Việt chưa từng nhìn thấy bánh Trung thu. Ông tên Chuyên, đã gần 50 tuổi, sống ở Cuba hơn 30 năm, chứng kiến những giai đoạn thăng trầm và có tính cột mốc nhất của “hòn đảo tự do” này. Khi tôi mang hộp bánh từ Việt Nam đưa cho ông, ông lúng túng hỏi: “Cái này ăn như thế nào?”.

Những năm ấu thơ ở Việt Nam, nhà ông rất nghèo. Nghèo thì thường mơ đến Trung thu. Nhưng rất nghèo, thì Trung thu đến cũng là một thứ xa xỉ. Vừa trưởng thành, ông tìm cách sang Đông Âu lao động xuất khẩu. Rồi dòng đời xô đẩy, ông gặp và cưới một cô gái Cuba, và trở thành một người Cuba. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến hơn 30 năm qua ông chỉ về nhà một vài lần, không vào dịp Trung thu. Cả cuộc đời ông chưa bao giờ biết bánh nướng, bánh dẻo. Thế nên ông cứ ngơ ngác nhìn bốn chiếc bánh từ một cửa hàng truyền thống mấy đời Hà Nội. Lẽ dĩ nhiên, cả gia đình ông cũng lần đầu biết đến chiếc bánh vuông vức ấy.

30 năm xứ người, tôi cảm giác ông đã “Cuba hóa nhiều”. Con trai ông sinh ra và lớn lên ở Cuba, Việt Nam với anh chàng 20 tuổi chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ. Họ ăn món Cuba, nói tiếng Tây Ban Nha. Bữa ăn gặp mặt của chúng tôi khá đơn giản và truyền thống như tất cả mọi người có thể nghĩ về đồ ăn Việt: nem rán - làm theo cách của những người xa quê, lấy nước pha muối làm nước mắm, một ít bún khô đem trần nước sôi, ít rau xà lách và giá - không thể tìm thêm rau gia vị khác trên đất này. Và ông bảo bữa này ngon lắm. Ông có thể tự làm những món đó, có thể ăn nước mắm. Nhưng khi nhà ông chẳng ai ăn, thì ông thành lạc lõng. Thế nên có người Việt, ông mới hào hứng ăn món quê nhà. Và đó là lần đầu cả nhà ông ăn bánh Trung thu.

Thế mới thấy ở những nơi xa, một món ăn Việt, một nhà hàng Việt quan trọng đến thế nào. Chưa hẳn vì ngon, đó là vị của nhà.

Nhà hàng Việt mà không phải Việt

Khi tôi ở Ecuador, một đất nước không biết nhiều về Việt Nam, tôi vẫn tìm thấy một quán Việt. Quán trang trí theo kiểu… Trung Quốc và được đặt tên là… Uncle Ho (Bác Hồ). Đồ ăn tất nhiên có nem và phở. Tôi đã đến chỗ đó nhiều hơn một lần. Món đậu rán ở đó không bán trong các quán Ecuador khác. Đôi khi chỉ là cảm giác. Chủ quán còn trẻ và chỉ nghe về Việt Nam qua tivi và ăn món ăn Việt vài lần ở Mỹ. Món Việt ở đây không nhiều, chủ quán chỉ lấy danh nghĩa quán Việt như một cách làm thương hiệu: “Đồ ăn Việt ở đây là một huyền thoại đấy”, anh chủ quán bật mí. Món ăn Việt Nam hóa ra cũng có thể khiến một nơi xa xôi “ăn ké”, cũng là một chuyện vui. Quán ăn được chấm 4.5 sao trên google, kể cũng là một thành công.

Hay Wok - một hệ thống ăn nhanh tự chọn khá phổ biến ở các nước châu Mỹ - cũng không bỏ qua thị phần đồ ăn Việt. Ở một số nước như Panama, Colombia, Ecuador, Wok mở hẳn chuỗi nhà hàng châu Á với trang trí ngôi sao đỏ, họa tiết búa liềm. Món nổi tiếng nhất ở Wok là nem, phở gà, bánh xèo, bún thịt nướng. Thậm chí bánh xèo ở đây còn được đổ khá khéo léo, mặc dù đầu bếp của Wok không có ai là người châu Á. Tất nhiên, như rất nhiều quán ăn Việt khi mở ở nước ngoài, đồ ăn Việt ở đây chỉ là một sự mô phỏng. Nhân bánh xèo chỉ có vài chú tôm đông lạnh đã lột vỏ, nem còn có cả cua, cá biệt Wok ở Panama còn cho thêm cả phô mai. Giám đốc đại diện cho Wok ở Colombia là một người bản địa nhưng có vài chục năm ở châu Á. “Cái khó nhất là nguyên liệu, vả lại ở đây người ta không ăn nhiều rau gia vị như Việt Nam”, ông thừa nhận. Vậy nên đồ ăn ở Wok chỉ trang điểm vài lá bạc hà, thêm chút xà lách. Nhưng nó là một sự “cứu rỗi” cho những người xa quê tới nửa vòng Trái đất. Chỉ cần một chút xíu hương vị, cũng vơi bớt nhiều nỗi nhớ nhà.

Quán ăn Việt có đồ tương đối giống đồ Việt phải kể đến nước Nga. Nhiều người Việt khá thành công khi mở quán trên đất nước rộng lớn này. Ở Moscow, quán người Việt khá nhiều, trang trí khá đặc trưng. Thậm chí có quán còn cầu kỳ làm cả hòn non bộ, mô phỏng cả Chùa Một Cột ở ngay sảnh vào. Món ăn có đủ từ đậu rán, cà muối, canh cua, thậm chí có cả mắm tôm, nước mắm… Nhưng gắp một miếng đậu tẩm hành, hẳn sẽ nhớ da diết miếng đậu ở quê nhà. Nhưng chả mấy ai đòi hỏi. Người Việt vào đây nhiều. Những tour du lịch Nga từ Việt Nam luôn sắp xếp cho khách ăn ở mấy nhà hàng này. Nếu nói về độ “bảo thủ” trong ăn uống, hẳn người Việt cũng xếp hàng top. Một tuần không được ăn cơm trên đất toàn bơ sữa, mấy món bình dân này hẳn nhiên là đặc sản.

Trong khi ấy, ở nước láng giềng Trung Quốc, quán Việt lại bị biến tấu đi không ít. Quán Việt ở Bắc Kinh thường nằm ở các trung tâm lớn, đa phần chỉ có nem và phở. Phở ở Bắc Kinh sẽ không bao giờ có quẩy. Có một lần ngồi trong một quán phở Việt ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi bỗng nghe có tiếng gọi phục vụ yêu cầu một đĩa quẩy. Tôi giật mình. Ăn phở mà gọi quẩy thì đúng là người Việt rồi. Chanh để vắt vào phở cũng là chanh vàng, ít chua và ít nước. Miền bắc Trung Quốc, chanh xanh là một thứ xa xỉ. Thực tế là đa phần vị của những bát phở ở đây sẽ có hơi hướng của một bát hủ tíu.

Ẩm thực Việt hóa ra có mặt ở hầu khắp thế giới. Chẳng hạn như một quán nhỏ ở Panama, một quán người Hoa, nhưng trong thực đơn của anh có món nem rán Việt Nam. Hỏi anh học ở đâu, anh nói hồi nhỏ nghe về món này ở Việt Nam, rồi làm theo đó, chứ anh cũng chưa bao giờ ăn món nem Việt thực thụ. Nem của anh cuộn cả thịt hộp, phô mai, đó là một hình ảnh Việt Nam nào đó mà anh nhớ. Ông đầu bếp 7 sao Michelin Goden Ramsay, từng nổi tiếng với món hủ tíu Việt Nam. Nhưng nhìn cách ông ấy nấu món đó, thì người Việt hẳn đều lắc đầu. Có điều, thế giới biết đến Việt Nam hiện đại, chính nhờ những món ăn đó.

Philippe Kohr, chuyên gia marketing hàng đầu thế giới luôn bày tỏ sự tiếc nuối bởi: “Việt Nam đáng lẽ nên là nhà bếp của thế giới. Nhưng các bạn đã để lỡ rồi. Thái-lan đã giành vị trí đó”. Đó là một điều cần suy nghĩ, khi mà Thái-lan định hình rất rõ hình ảnh ẩm thực của mình. Mấy năm trước, Việt Nam có thành lập Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực. Nhưng chưa thấy có nhiều dấu ấn thì phải.

Nhưng thôi, tôi cứ nghĩ nếu như Cuba có một nhà hàng Việt, hẳn ông Chuyên sẽ bớt nỗi thèm món nem Việt đi nhiều. Và có thể ông sẽ sớm biết đến bánh Trung thu trước khi tôi mang đến. Đôi khi ở các quốc gia khác, việc “chuẩn vị” Việt hay không không còn quan trọng, mà đơn giản đó là Việt Nam mà thôi.

Vị quê hương ảnh 1

Đồ ăn Việt tại một chuỗi nhà hàng châu Á ở Nam Mỹ.