Nghìn năm những cánh cửa nước việt

Nhiều nhà khoa học nước ngoài hỏi tôi: Điều gì khiến sức sống Việt Nam trường tồn đến vậy, qua cả nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc? Đó là vì dân tộc Việt Nam qua phong ba bão táp, đã định hình được bản lĩnh và bản sắc của mình.

Ngọ Môn (Huế). Ảnh: NG.HẢI
Ngọ Môn (Huế). Ảnh: NG.HẢI

1/ Từ cái nôi văn minh Sông Hồng với văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ, những nhà nước sơ khai Văn Lang, Âu Lạc đã có trình độ văn minh cao so khu vực, người dân đúc được trống đồng và trồng được lúa nước.

Nhà Hán xâm lược, trên mảnh đất châu thổ sông Hồng diễn ra cuộc đồng hóa văn hóa mãnh liệt. Một dòng trong thư tịch cổ viết: “nhà Hán thu hết trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện”. Người Việt chống đồng hóa cũng mãnh liệt không kém. Văn hóa Đông Sơn vẫn âm thầm chảy thời Bắc thuộc, để phục hưng sau 10 thế kỷ ở văn minh Lý Trần. Đây chính là sự hội tụ về văn hóa lần đầu của người Việt, để sau nghìn năm, ta vẫn là ta. Trong thế giới Bách Việt thuở nào, chỉ còn người Lạc Việt thoát khỏi đồng hóa văn hóa, giữ được “căn cước” của mình trên bản đồ thế giới.

Trong quá trình tiếp xúc văn hóa phương Bắc, người Việt vẫn tiếp thu tinh hoa của người Hán, kết hợp giữ gìn được nét văn hóa của mình. Nhiều sản phẩm đồ đồng vừa có yếu tố Hán vừa giữ lại hoa văn Đông Sơn như chiếc chậu - trống: có hoa văn đôi cá (song ngư) của Hán lại có hoa văn hình ngôi sao và người múa hóa trang của Đông Sơn.

2/ Vào kỷ nguyên nhà nước Đại Việt, chúng ta hội tụ có chọn lọc một số tinh hoa của văn minh phương Bắc, điển hình là chữ Hán, tuy nhiên, cách đọc lại là của người Việt, theo âm Hán Việt mà không đọc theo kiểu người Hán. Chính vì vậy mà từ việc triều chính đến câu đối làng xã đều dùng chữ Hán, nhưng đọc theo cách Việt, nhờ đó ta còn giữ được tiếng nói của mình. Tiến thêm một bước, cha ông ta sáng tạo ra chữ Nôm, một thời là Quốc âm. Để từ ấy, Nguyễn Trãi có tập thơ “Quốc âm thi tập”, làm thơ bằng chính tiếng Việt. Vua Lê Thánh Tông cũng có tập thơ chữ Nôm nổi tiếng “Hồng Đức Quốc âm thi tập”. Hoàng hậu của Vua Lê Thần Tông, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc còn soạn cả một bộ từ điển Hán Nôm đầu tiên ở ta gồm 24 nghìn chữ. Chính nhờ cách ghi lại tiếng Việt bằng phương tiện chữ Nôm, mà ngày nay ta còn giữ lại được di sản truyện Kiều của Nguyễn Du và có được một “bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương.

Trong tiếp xúc văn hóa phương Bắc, tinh hoa văn minh Việt cũng lan tỏa. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có mặt ở Quảng Tây, Quảng Đông, xa hơn nữa ở cửa sông Trường Giang thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), kỹ thuật chế tạo súng Thần cơ của Hồ Nguyên Trừng đã được nhà Minh sử dụng, hay Nguyễn An là một trong những kiến trúc sư xây Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, đều là người Việt…

3/ Văn hóa Việt Nam còn hội tụ được tinh hoa của văn minh Ấn Độ từ phía tây đến, thông qua đại diện là văn hóa đền tháp Chăm Pa. Đi dọc miền trung, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp cổ, ánh lên mầu nâu của đất nung và mầu xám của đá sa thạch. Đó là các cụm tháp Mỹ Sơn, tháp đôi Quy Nhơn, tháp Nhạn Tuy Hòa, tháp Bà Nha Trang, tháp Chàm Ninh Thuận… Những công trình kỳ vĩ mà người Chăm để lại cùng với tượng thần, tượng vũ nữ, tượng linh vật mang đến vẻ đẹp huyền ảo. Đó là sự hội tụ của kiến trúc và tượng tròn ảnh hưởng đậm nét của Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo qua suốt nghìn năm và qua nhiều miền đất, miền biển trước khi đến miền trung Việt Nam. Phật giáo Ấn Độ cũng theo con đường này để kịp lưu lại một Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam), nơi đào tạo các tăng lữ nhà Phật. Từ miền trung, văn hóa Chăm Pa lại lan tỏa ra văn hóa Đại Việt ở miền bắc. Những dấu tích kiến trúc như cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) là minh chứng cho nét đẹp Chăm đã được Việt hóa, chùa và tháp Báo Thiên (phía tây Hồ Gươm) nay đã bị phá hủy hoàn toàn, chính là do các người thợ Chăm xây nên. Họ cũng tham gia xây dựng Hoàng thành Thăng Long, nơi mà các nhà khảo cổ còn tìm được những viên gạch nung được khắc chữ Chăm.

4/ Vào thế kỷ 17, 18, làn sóng các thuyền buôn giao thương tới Đại Việt nổi lên, cùng sự giao lưu văn hóa giữa các nước ở châu Á và xa hơn, ở cả châu Âu. Chính sách ngoại thương cởi mở của Đàng Trong đã thu hút nhiều thương khách người Nhật, người Hoa đến làm ăn, buôn bán để rồi hội tụ nhiều nét văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của khu vực ở nơi đây, tạo ra sự đa sắc của phố cổ Hội An, một thời là phố cảng, phố chợ và nay là một di sản thế giới. Còn ở Đàng Ngoài, thời Lê Trung Hưng, trong sự giao lưu và giao thương với nhiều miền đất trên thế giới, nơi cảng sông Phố Hiến đã hội tụ được nhiều sắc thái văn hóa muôn phương hòa nhập với nền văn hóa Đại Việt. Từ đó lan tỏa vào kiến trúc phong phú của nhiều nước đan xen với kiến trúc nhà cửa và nhất là đình, chùa Việt.

Vào thế kỷ 19, Vua Gia Long lên ngôi. Việc đầu tiên là ông cho xây lại kinh thành Huế theo kiểu kiến trúc phương Tây - kiến trúc Vauban, sau đó nhiều thành trì quan trọng khác như Bắc thành (Hà Nội) cũng được xây theo kiểu như vậy. Đời vua kế tiếp là Minh Mạng, cũng có chính sách đối ngoại thông thoáng, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài, ông cho đóng cả tàu biển xuyên đại dương, học tập kinh nghiệm của nước ngoài.

5/ Cho đến khi thực dân Pháp từng bước xâm chiếm nước ta. Bên cạnh chính sách bóc lột thuộc địa, văn hóa Pháp cũng để lại một số dấu ấn kiến trúc mà đến nay vẫn còn hiện diện, làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa Việt Nam. Trước tiên là quy hoạch các đô thị lớn như Sài Gòn, xây các biệt thự, công sở. Tại Hà Nội, các đường phố trung tâm được quy hoạch, con đường ven Hồ Gươm cũng được hình thành ngay từ buổi đầu trong bản đồ, nhiều công sở như phủ Toàn quyền, ngân hàng, bưu điện, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, cả một khu phố Tây ở quận Ba Đình nay đã thành di sản. Các kiến trúc đã hội nhập được tinh hoa của kiến trúc Pháp thời bấy giờ. Một số kiến trúc như Viện Viễn Đông Bác cổ là biểu tượng của sự giao thoa Pháp - Việt, mang nhiều nét của phong cách đình, chùa Việt. Công trình nhà thờ đá Phát Diệm là kiến trúc phương Tây nhưng được coi là mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Việt với chất liệu gỗ, đá, mang hình bóng của đình, chùa, cổng tam quan, mái ngói cong vút… Nghệ thuật tranh ghép mảnh sứ (mosaic) cũng có mặt ở nhiều đình, chùa, thậm chí nghệ thuật này là điểm nhấn trong trang trí lăng Vua Khải Định. Sự hội tụ của văn hóa, kỹ thuật Pháp còn thể hiện ở công trình cầu Long Biên, mang hình dáng con rồng, do người Việt thi công dưới sự điều hành của kỹ sư Pháp. Dẫu ngoài ý đồ của các nhà thực dân, nhưng các công trình kiến trúc đã giúp cho di sản văn hóa của người Việt đã mang dấu ấn chắt lọc được tinh hoa của văn minh nhân loại.

Bên cạnh kiến trúc, ẩm thực của phương Tây cũng hội tụ về mảnh đất chữ S này những bánh mì, pa-tê, pho-mát, cà-phê… Người Việt chọn lọc ẩm thực, rồi ẩm thực Việt lại lan tỏa đi khắp nơi. Nhiều lần đến Mỹ, Nhật Bản, Pháp… tôi lại thấy các quán bánh mì, phở, bún chả, nem, bánh chưng… lan tỏa đến nhiều thành phố lớn nhỏ.

Đúng như cách đây hơn một thế kỷ, năm 1903, ông Paul Doumer đã viết về người Việt trong cuốn “Xứ Đông Dương” của mình: Họ là tộc người có phẩm chất ưu trội, chỉ có người Nhật Bản mới có phẩm chất như vậy. Họ là những người nông phu giỏi việc đồng áng, là những thợ lành nghề, khéo léo và thông minh. Có lẽ những phẩm chất ưu trội này đã giúp cho người Việt biết cách hội nhập những tinh hoa của văn hóa thế giới chăng?