Ngõ xưa

Mỗi người sinh ra ở quê rồi rời quê ra đi, ai cũng có cho mình một con ngõ xưa. Đó là nơi ta đã chập chững bước những bước đi đầu tiên trong vòng tay của cha mẹ và những người thân, trước khi đủ cứng cáp để bước ra đường làng, đủ tự tin để bước lên những con đường rộng dài của đất nước, của cuộc đời.

Tranh: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Tranh: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Đó là nơi ta đi về cùng những niềm vui, sự may mắn, thành đạt để được sẻ chia hạnh phúc cùng người thân; hay cùng nỗi buồn, những toan lo, thất bại để tìm đến sự bình yên, che chở của gia đình. Đó là nơi lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm suốt một thời ấu thơ để khi đi xa rồi, những kỷ niệm đó trở thành một phần tâm hồn, luôn sống trong ta, lúc lặng lẽ, êm đềm tưởng như rơi vào quên lãng, lúc lại cháy lên một nỗi nhớ, da diết, thiết tha.

Như mỗi người, tôi cũng có một ngõ xưa. Đó là con ngõ nhỏ trơ mòn đất sỏi, nước mưa chảy lâu năm thành những đường rãnh nham nhở. Ngày nắng hè, những viên sỏi lăn lóc bỏng rát bàn chân. Ngày mưa dầm, đất trơn như đổ mỡ, mười ngón chân phải bấm xiết vào đất theo từng bước đi để khỏi trơn trượt. Mấy phiến đá kê bậc bước lên đầu ngõ mòn lõm bước chân người qua bao năm tháng. Bậc đá ấy không chỉ lưu giữ hình ảnh trong trí nhớ, mà còn để lại một dấu ấn đi theo cả cuộc đời tôi. Đó là lần tôi gánh nước, bước chân lên bậc đá trơn trượt ngã, đầu gối trái đập xuống cạnh đá, đau như trời giáng, máu chảy đầm đìa. Và cái vết sẹo từ lần ngã ấy đã thành một vật chứng, luôn thôi thúc tôi nhớ về ngõ xưa.

Tôi nhớ, một bên ngõ là rãnh đất sâu, dấu vết còn lại của giao thông hào thời kháng chiến chống Pháp, một bên ngõ là hàng rào khu vườn nhà tôi. Cái hàng rào rậm rịt những bụi tre, cây duối, cây ô rô, cây màu nhớt, những dây mây, dây hà thủ ô và những thứ cây, dây leo không tên. Tất cả chen nhau mà mọc lên, đan quấn lấy nhau mà tạo thành rào dậu, vươn lên không gian, tô sắc xanh bốn mùa cho con ngõ. Vào độ đầu hè, những cánh hoa bươm bướm tinh khôi, nổi bật lên trên sắc xanh, rung rinh trong gió hệt như những cánh bướm trắng đang đậu trên tán lá. Suốt mùa hè rồi sang thu, lần tìm trong những kẽ lá, vẫn bắt gặp những trái duối, trái ô rô, chùm quả mây, quả mé, dù chẳng ngọt ngào gì nhưng là những tặng vật đầy hấp dẫn với lũ trẻ chúng tôi...

Ngõ xưa của tôi một thời bình yên, nơi tôi tha thẩn ra vào hay ngồi trên bậc đá, ngóng mẹ đi chợ về để níu áo mẹ đòi quà. Đó là nơi mỗi cuối chiều, tôi đợi tiếng leng keng chuông xe đạp để chạy ra khoe với cha một niềm vui nho nhỏ, một câu chuyện trẻ con. Đó là nơi lũ trẻ con chúng tôi hò hẹn nhau những ngày cắp sách tới trường, những buổi đi chăn trâu, cắt cỏ, hay những trưa hè sốt ruột chờ nghe tiếng huýt sáo của mấy đứa bạn để trốn mẹ đi đánh khăng, đánh đáo, bắt chim, câu cá, tắm đồng. Đó là nơi tôi đã bắt gặp ánh mắt đen lay láy liếc vội, mái tóc đuôi gà lung liêng theo nhịp chân của một người con gái, để rồi ấp ủ trong lòng những thổn thức của một thời trẻ con mới lớn.

Ngõ xưa của tôi là chứng nhân một thời chiến tranh gian khó và khắc nghiệt. Nơi đầu ngõ ấy, vào thời khắc bom đạn từ máy bay, tàu chiến Mỹ bắt đầu trút xuống, phá vỡ khung cảnh bình yên của miền bắc, tôi đã giàn giụa nước mắt, đứng nép bên mẹ trong buổi tiễn anh trai lên đường ra trận. Một đứa trẻ con như tôi đâu đã thấu hiểu được để khóc vì sự khắc nghiệt và kết cục ghê gớm có thể của cái từ “ra trận”. Tôi khóc chỉ vì thấy mẹ tôi cứ thỉnh thoảng lại đưa vạt áo lên thấm nước mắt, còn cha tôi tự nhiên trở nên nghiêm khắc hơn ngày thường, khuôn mặt khó đăm đăm, giọng nói trầm hẳn xuống. Tôi khóc còn một phần vì anh trai đi xa, không còn được theo anh đi bắt cá, đánh cua hay đi xem phim, xem văn nghệ, không có anh để dựa dẫm mỗi khi bị lũ trẻ bắt nạt. Ngõ xưa là nơi tôi đã đứng lặng người nghe tiếng khóc não nề của một gia đình hàng xóm trong ngày nhận giấy báo tử của người con hy sinh ngoài mặt trận, mà cảm nhận sâu sắc hơn về mất mát đau thương của chiến tranh. Đó cũng là nơi trước lúc lên đường nhập ngũ, tôi đã ôm xiết lấy mẹ, để nước mắt mẹ ấm nóng trên ngực áo mình, miệng thì thầm hứa với mẹ rằng, hết giặc thằng con út của mẹ sẽ về mà lòng lại nhớ đến câu thơ của người xưa “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”...

Tôi đã xa quê nhiều năm, nhiều tháng. Ngõ nhỏ xưa đã thay hình, đổi dạng. Nền xi-măng đã thay cho nền đất sỏi. Bức tường gạch đã thay cho hàng rào cây lá. Những người bạn từng hẹn hò nơi đầu ngõ giờ đã lên ông, lên bà, có người đã thuộc về quá vãng. Từ con ngõ ấy, ông bà, cha mẹ tôi đã đi vào cõi phúc... Nhưng trong tôi, ngõ nhỏ vẫn vẹn nguyên như thuở nào, vẫn nền đất trơ mòn đá sỏi, trắng tinh khôi những cánh hoa bươm bướm trên tán lá xanh, thấp thoáng những bóng hình người thân và da diết nỗi nhớ đã hằn sâu trong tâm khảm, không bao giờ nguôi ngoai!

Hà Nội, 8-2020