Đào phai

“Ai bảo người không chơi đào là không đào hoa cơ chứ?” - mấy cô nhân viên liếc khéo Trường một cái rồi nhón hạt dưa cắn tí tách. Có đứa bảo: “Mà cũng lạ, mấy năm vừa rồi, công ty mình có bao người đến, người đi, rồi sinh viên thực tập mà tại sao chẳng có em nào tên Đào nhỉ? chỉ toàn Mai, Mận, Mơ, Lê… Anh Trường muộn màng là phải rồi…”. Ở đời, mỗi người có một yếu điểm, riêng cái “gót chân asin” của anh là không bao giờ sắm cành đào chơi Tết thì có trời mới biết.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Thật ra, Trường là con người khác với vẻ ngoài của một thư sinh kính cận như người ta thấy. Bà  bán xôi ở đầu ngõ vẫn quả quyết mỗi độ thấy anh đi qua: 

- Thằng cu này, đến là tệ! 

“Thằng cu” mà bà than thở năm nay cũng đã ngoại tứ tuần. Khi năm hết, Tết đến, cơ quan đã tổng vệ sinh và trang hoàng. Cây đào bích được đích thân ông giám đốc tuyển về bừng nở nơi tiền sảnh. Đó là lúc Trường lặng lẽ ngồi bên ly cà-phê ở góc phố buồn. Nhìn anh chàng đào hoa nhất cơ quan bỗng “phai” hơn cả hoa đào năm rét, ai chả xót xa… 

*

Năm ấy, tan buổi học cuối cùng, Trường chạy vội ra bến xe thị xã. Xe về các huyện, xe xuôi vào nam còn đang quay vòng đón khách nhưng xe ngược Tây Bắc thì đã chật. Ở phía ấy, mùa này chỉ có sương mờ, mây trắng đục và cái rét như dây cước trói chặt con người ta trong chăn ấm, bếp lửa và chén rượu men lá rừng. Mùa của men say, hoa đào và mưa dầm, gió rét…

Vừa leo lên được chuyến xe cuối cùng, Trường phải đứng bằng một chân, chưa kịp thở một cái thật mạnh cho khoan khoái thì con điện thoại cục gạch của anh rung lên bần bật. Tin nhắn của bố anh lúc nào cũng cộc lốc như một mật mã: “Bố. TP”. Thế là hiểu, đoàn quân bán đào đã đổ bộ xuống thành phố rồi. Xe qua thành phố, Trường nhảy xuống, chạy một mạch đến cái phố bán đào thách giá của cha. Cả năm trời, những gốc đào như bầy rồng đen gân guốc nằm phục trong vườn. Thứ cây mà dẫu có thiếu củi đun những đứa trẻ trong xóm của anh cũng không màng tới, chỉ đợi giá rét. Thế mà, gió xuân về nó lại bung nở những nụ hoa đẹp tinh quái. 

Năm nào chả thế, gốc đào mồi đang tựa vào cái hàng rào tôn của công trường xây dựng bên phố. Nó là cô gái đài các đong đưa nhưng chẳng rơi vào tay ai. Ai trả giá tầm tầm thì nhấc vụt lên cao, ai trả giá cao thì lại nói thác có người đã đặt mua. Nhiều khi chính Trường cũng tự hỏi: sao năm nào bố cũng phải bứng gốc đào ấy ra đây để đùa cợt với khách hàng như thế? 

Chiều ba mươi Tết, người mua vẫn kiên nhẫn đợi phá giá nhưng những người chủ vườn đào lớn đã lục tục khuân những gốc đào chưa bán được lên xe để quay về vườn phục sức cho chúng. Gốc đào mồi quyết không phá giá, nó đã kết thúc cuộc dạo chơi của mình. Bỗng bố Trường hớt hải:

- Mang gốc đào xuống con, đây địa chỉ đây, tiện xe máy con mang ngay đi.

Trường ngơ ngác nhìn bố, lâu lắm anh mới nhìn kỹ, ông như một cây đào già khô khốc, khắc khổ hằn lên khuôn mặt nhưng đôi mắt lúc này đang ánh lên một hy vọng. Hẳn phải là một việc gì hệ trọng lắm với ông. Vừa rón rén lách xe giữa phố phường đông đúc, Trường vừa lờ mờ nhớ ra những chỗ cha anh chuẩn bị xin việc. Người ở nông thôn, muốn trụ lại, hẳn phải đánh đổi một thứ gì độc. Nhà ấy, chắc hẳn là nơi gia thế lắm! Trong đầu anh đang hiện ra một ông bụng bự, thắt lưng trễ cạp, đầu hói, nói năng hách dịch, tay kềnh kệnh điếu xì gà hay trĩu nặng cái nhẫn vàng… 

Sẩm tối, khi các khu phố chưa lên đèn. Mưa bụi bắt đầu làm mờ nhòe cặp kính, đang mải theo dòng suy nghĩ, bỗng Trường cảm thấy phía sau, cây đào như vừa chạm phải một vật gì, rồi tiếng xe đạp đổ. Đường vắng, hình như không có một ai, cả tiếng “ối” vang lên hoảng hốt anh cũng nghe rõ mồn một. Trường vội đạp chân chống xe, lau cặp kính rồi quay lại nâng người đó đứng dậy. Vừa lúc ấy, có một chiếc ô-tô vụt qua, trong ánh đèn, anh kịp nhận ra trước mặt mình là một cô gái mảnh mai có khuôn mặt nhẹ nhàng như một cánh đào phớt mỏng mà tươi tắn. Anh chỉ biết nhìn trân trân vào mắt cô. Cô gái cũng ngơ ngác nhìn anh như chưa hề có một cuộc va chạm nào. Phải đến khi chiếc ô-tô thứ hai vụt qua, nước từ cái vũng ứ đọng trên đường bắn lên mặt, cả hai mới sực tỉnh. Cô gái ném về phía anh ánh nhìn trách móc. Trường nhìn thấy đôi chân cô gái gượng bước, một bên bàn đạp của xe hơi vênh. Họ lặng lẽ đi về hai phía...

Tầm 8 giờ tối, khi đèn đường đã bật sáng, Trường mới tìm tới được căn biệt thự nằm trong khu đất rộng có tường cao và cánh cổng sắt im lìm. Cả tiếng đồng hồ vừa qua, anh bần thần dựng xe rồi ngồi dưới một mái hiên của một căn nhà đã khóa cửa và im lặng. Anh chờ phố lên đèn, chờ tâm trí bình tĩnh lại hay tại anh không hiểu được sao mình lại là người vô tâm đến thế? Mấy năm lăn lộn ở Hà Nội, đi học, đi làm, anh va chạm đủ hạng người nhưng chưa có một ai lại nhún nhường với anh đến vậy.

Tiếng chuông vang lên, một lát sau mới thấy có tiếng chân người ra mở cửa. Một người đàn bà đứng tuổi mời Trường vào. Khi anh vừa đặt gốc đào xuống, bà đưa cho anh một cái xẻng. 
- Cháu trồng giúp cô cây đào ở chỗ kia nhé, ngay trước cửa sổ nhé. Ngay cửa phòng của cô chủ.

Trường cẩn thận đắp đất quanh gốc đào. Chống cán xẻng xuống, nhìn khắp khu vườn, dưới ánh đèn sáng, anh nhận ra tất cả các loại cây đều được cắt tỉa rất tao nhã. Cây đào của anh như một niềm hoang dã vừa khác biệt vừa độc đáo góp mặt ở chốn này. 

Rửa tay xong, bước vào phòng, Trường nhấp một ngụm trà nóng. Phòng khách được bài trí khá đơn giản, dù được thi công từ những vật liệu đắt tiền. Hình như tất cả đều được lựa chọn để làm nổi bật những bức tranh đang treo khắp tường. Đôi bức khác vẽ dở, cùng toan, khung nằm ngay ngắn bên tường cho thấy chủ nhân là người rất mê đắm hội họa. Thấy Trường có vẻ tò mò, người phụ nữ giải thích ngắn gọn.

- Cô chủ thích vẽ các loài hoa, có đủ sen, cúc, mẫu đơn, ngâu… chỉ còn thiếu một cây đào nữa. Bình thường thì giờ này cô phải về rồi.

Trường nghe và lờ mờ hiểu ra. Ra Giêng, cô bé lại ngược vào nam để tiếp tục theo học ngành mỹ thuật ở một trường đại học. Mỗi năm, cô sẽ chỉ quay ra bắc một lần vào dịp hoa đào nở với mong muốn vẽ cho thành công một bức.

Đào phai -0
 

*

Trường về thành phố này sống cũng đã được vài năm. Khi công trường thủy điện do người Nga xây dựng đã dỡ bỏ những máy móc thiết bị, người ta bắt đầu lấp lên những ngôi nhà mới. Những bãi đất hoang biến mất nhường chỗ cho một nhịp xây dựng mau lẹ. Gặp thời, công ty của Trường vì thế mà ăn nên, làm ra, vươn tầm ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cả nước. Anh bắt đầu những ngày tháng vùi mình vào chiếc bàn đầy ắp những bản thiết kế xây dựng. Đống giấy khổ lớn với những đường kẻ đó là cơ man nào tiền bạc, lại cũng như một cái cũi nhốt năm tháng tuổi xuân của anh. Lật quyển lịch bàn, chỉ còn lại những ngày cuối, trong sự vội vã, tất bật ngoài kia, lòng Trường có một sự thong thả, hư vô đến kỳ lạ.

Năm nào, trước Tết một quãng, anh cũng đến ghé thăm cây đào để giúp nó nở hoa vào dịp Tết. Nhưng hình như, từ khi về sống trong khuôn viên của ngôi biệt thự này, cây đào cũng trở nên thất thường không như ngày còn ở trong vườn. Có năm hoa nở thật sớm rồi tàn, khi cô chủ mới về. Có lần cô chủ đã bay vào nam rồi thì những cánh hoa phớt hồng kia mới chịu bung nở.  

Những đồng tiền kiếm được từ mỗi lần ghé chăm cây đào ấy, Trường đều không hề đếm mà bỏ vào một chiếc bình gốm nhỏ đặt nơi góc bàn. Chiếc bình mà ngày trước anh thường dùng để cắm một nhánh đào nhỏ được cắt từ cây đào. Mấy năm gần đây, cha anh cũng đã già, ông chỉ còn loanh quanh với những chậu bon sai trong sân. Cây đào quý nhất đã bán, việc của anh cũng tự do anh kiếm được, cuộc đời với ông giờ chỉ còn là vườn, là đồi. Tri kỷ với người làm vườn hẳn là những cái cây. Vắng đi một người bạn quý giá nhất, ông chìm trong lặng lẽ.

Lâu lắm, Trường mới trở lại ngôi biệt thự vào lúc nhá nhem tối như thế này. Không hiểu sao, anh muốn đến với cây đào bởi đang có một dự cảm đặc biệt. Biết đâu năm nay cây đào vắng mình lại thuận theo tự nhiên mà ra hoa đúng độ. Dù không có một điều khoản ràng buộc nhưng anh vẫn cảm thấy áy náy với một người chưa gặp mặt. Hôm nay, khác với mọi khi, thay cho người đàn bà đứng tuổi ra mở cổng là một chàng trai nhìn Trường với một đôi mắt dò xét. Anh phải giải thích qua, cậu ta có vẻ hiểu ra, liền mời Trường vào nhà và chỉ tay ra hiệu cho anh đi về phía vườn. Trong làn gió chớm xuân còn lạnh buốt, anh thấy như vừa mới hôm nào còn khệ nệ bê cây đào xuống xe rồi lọ mọ đắp đất. Thời gian như một vòng quay cũ kỹ nhưng biết giữ lời. Bất giác, nhìn lên phía cây đào, chính Trường vẫn phải ngỡ ngàng. Trời, đúng như dự cảm của anh, cây đào năm nay nhiều nụ, lá xanh điểm vừa đủ để làm nền cho sắc hoa. Những cánh đào phai phớt ánh hồng mỏng manh như được chuốt bằng lưỡi dao vô hình của sương giá. Cũng lâu lắm rồi, chính anh cũng chưa được ngắm một cây đào lớn và đẹp đến thế. Trong giây phút ngỡ ngàng đó, anh tưởng như nó cũng nhận ra anh, những cánh hoa khe khẽ rung lên trong gió. Trường vừa kịp đưa bàn tay chạm những cánh đào thì bỗng có một giọng nói nhẹ nhàng vang lên từ phía sau lưng:

- Đào cũng biết đau đấy anh nhé!

Trường giật mình nhưng không vội vàng quay lại. Có lẽ chẳng có gì để phải bất ngờ. Người đó hẳn là cô chủ với thú chơi sang. Hoa đã nở, việc của anh là dăm ba câu xã giao rồi ra về. Nhưng, ý nghĩ ấy vừa mới nảy ra trong đầu thì đôi mắt anh đã chạm đôi mắt của cô gái. Sao cô bé bị cành đào sau xe anh quệt phải lại đang đứng đây. Đôi mắt nhìn anh lặng im trong ánh đèn ô-tô hôm nào. Bốn năm, khuôn mặt có già đi đôi chút nhưng ánh mắt vẫn như hôm ấy lặng im, pha một chút oán trách, một chút ngỡ ngàng, một chút tha thiết… Hai người đứng rất lâu dưới sắc hoa đào trong một tối mùa xuân như thế. 

- Em đã hoàn thành bức tranh về hoa đào chưa?

- Em chưa. 

- Thế bao giờ em lại bay vào trong đó?

- Em hiểu ra một điều. Chỉ có thể sống và cảm nhận đầy đủ cuộc sống ở đâu mới có thể vẽ về mầu hoa của nơi đó. Em đã từng rất nhiều lần vẽ hoa đào từ phương nam ấm áp nhưng đều thất bại. Thế nên, em sẽ ở lại đây chứ không vào đó nữa.

Cuộc nói chuyện lần đầu tiên của hai người sau chừng ấy năm cũng chỉ ngắn ngủi như thế. Thấy không còn sớm nữa, Trường chào từ biệt cô gái với một lời mời mà chính anh cũng cảm thấy nó hơi xã giao:

- Tết này, mời em lên chơi nhé. Trên đồi núi, hoa đào vẫn nở rất đẹp. Cả một rừng hoa chứ không chỉ có một cây như thế này.

Cô gái có đôi mắt thông minh nhìn thẳng vào đôi mắt Trường với câu trả lời khá bất ngờ:

- À, em còn biết nhiều về quê anh hơn anh tưởng đó. Giờ trong vườn nhà anh vẫn còn nhiều gốc đào thế sao? Hay để xuân này em lên mua thêm độ chục gốc nữa về trồng dọc cả khu này!

Trường lúng túng xoa đầu không biết nói gì. Những ngày giáp Tết anh sống trong một cảm giác rất lạ. Một niềm vui rất lạ không biết đến từ đâu cứ lấp ló trên khuôn mặt anh. Chưa bao giờ anh mong Tết đến thế dẫu chỉ là một hy vọng vu vơ. Lạ thật, ngay đến cả tên gọi của cô gái, anh cũng còn chưa kịp hỏi.

Chiều ba mươi Tết, mưa lạnh và gió rét. Trường lái xe vượt qua con dốc trước khi vào đến nhà mà giờ chỉ còn thấy những cây mận im lìm chờ ra Giêng mới chịu bung hoa trắng. Ngày xưa, lúc anh còn nhỏ, hoa đào cứ thế nở dọc con đường này cho đến tận cửa nhà anh. Mùa xuân như người dẫn lối để cả những người khách dưới xuôi lần đầu lên đây cũng tìm được đến ngôi nhà gỗ ấm áp ấy. Thế mà, mới chưa đầy chục năm, người ta từ cưa cành đến bán gốc, cả một khu rừng đào phai đã biến mất. Con người luôn cảm thấy mùa xuân ngày càng ảm đạm hơn nhưng lại quên trách chính bản thân mình đã không biết gìn giữ những gì quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Mải chìm đắm trong suy nghĩ ấy, xe đã vào đến sân từ lúc nào.

Ở giữa phòng khách, ngồi đối diện với bố anh là một người đàn ông và một cô gái. Thấy anh, ông ta quay ra nhìn còn cô gái vẫn đang mải nói chuyện với gia chủ. Trường lễ phép chào mọi người thì chợt nghe tiếng bố gọi với vẻ rất trang trọng:

- Lại đây con, lại đây, để chúng ta kể cho con trai nghe…

*

Ngày đó, hai người lính đã cùng vào sinh, ra tử ở chiến trường Lào rồi cùng trở về dựng nhà trên mảnh đất này. Họ sẻ chia nhọc nhằn của những năm bao cấp. Bác Thịnh - người đàn ông đang ngồi trước mặt anh - sau đó trở về thị xã rồi bước vào con đường kinh doanh và trở thành người giàu có. Cha anh thì mải mê với cái nghề săn tìm các loại cây quý, các loại lâm sản, chim thú có thể bán ngay để thu lợi. Họ đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa, cho đến khi ông Thịnh có một ý kiến:

- Ông Công này, tôi biết ông đã đào bán hết các gốc đào trên sườn núi Mụ rồi phải không?

- Cũng gần như thế.

- Giờ tôi nói thế này. Tôi biết dân buôn đào nói, ông còn một gốc quý chuyên đem đi làm “mồi nhử”, ông mang cho tôi đi. 

- Nhưng, ông biết là tôi chỉ còn mỗi gốc đó.

- Là tôi chỉ mượn ông vài năm, cho cái Đào nó hoàn thành bức vẽ. Coi như tôi thuê giá cao. Nhưng có một điều kiện.

- Ông có điều kiện gì?

- Từ giờ nếu ông có tìm thấy đào núi hay các loại cây, loại thú hoang, chim rừng… ông đừng bắt đem bán nữa. Tôi với ông từng nhờ có rừng che chở mà sống sót trở về khi bị giặc truy đuổi, nhờ rừng cho trái để ăn khi lạc đường. Chẳng lẽ, chúng ta có sức vóc, có đầu óc mà không làm được gì bỏ vào miệng mà cứ phải làm chuyện vong ân với rừng mãi thế sao?

Hai người đàn ông mái tóc đã bạc trắng như sương núi lặng lẽ ngồi bên lò sưởi với ấm trà nóng. Đào lặng lẽ bảo Trường đi theo cô ra vườn. Anh đang cảm thấy như mình mới chính là khách ở ngôi nhà này, bước chân theo cô với ý nghĩ thấp thỏm. Trời ơi, trước mặt anh chính là gốc đào rừng đã trở về nở đầy hoa trong khu vườn từ bao giờ? Có phải thế không hay anh đang hoa mắt? Trường ngạc nhiên, quay sang nhìn Đào, lại bắt gặp đôi mắt đẹp, lấp lánh như có nét hờn trách và tha thiết.

- Sao? Ngạc nhiên à? Em không tính công chuyên chở đào trả anh mà chỉ tính sổ với anh cái vụ khi xưa làm Đào hạ cánh trên phố thôi.

- Ơ! - Trường khẽ thốt lên trong sự ngỡ ngàng.

- Ơ gì mà ơ! Hay mỗi khi ra đường, đụng phải xe cô nào anh cũng lặng lẽ bỏ đi mà không chịu khắc phục hậu quả như thế?

Bị tấn công dồn dập, Trường ấp úng:

- Là anh vội mang hoa đào đến cho Đào đó.

- Thế nếu mấy hôm nữa, em lại gọi điện bảo anh mang cành đào đến nhà em, anh có vội vã quệt vào cô nào trên phố nữa không?

- Thì tất nhiên là không rồi. Vì, chỉ cần có một sắc đào tươi đẹp là có mùa xuân về rồi em ạ.

Đào khẽ nhìn anh, ánh mắt mềm dịu như một cánh đào mỏng trong sương gió...